Dịch COVID-19: Doanh nghiệp nâng cấp hoạt động bằng cách tích hợp công nghệ

09:00' - 10/08/2021
BNEWS Chuyên gia Malaysia khuyến nghị các doanh nghiệp nhỏ nâng cấp hoạt động kinh doanh, bán hàng trong bối cảnh dịch COVID-19, bằng cách tích hợp công nghệ trong mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh.

Các doanh nghiệp tại Malaysia hầu như không hoạt động kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và lây lan khắp quốc gia Đông Nam Á này. Xét trên một khía cạnh nào đó, đại dịch chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) về các mối đe dọa có thể đến theo nhiều hướng khác nhau.

Theo nhà kinh tế trưởng của Tập đoàn Ngân hàng Hồi giáo Malaysia (Bank Islam Malaysia-BI) Afzanizam Rashid, điều tối quan trọng đối với SME là sẵn sàng cho những thay đổi và nhanh chóng phản ứng lại. Hiện có 907.065 SME tại Malaysia đang hoạt động rất bấp bênh, trong khi hiện không thể dự đoán được những diễn biến tiếp theo của dịch bệnh.

Chia sẻ với báo giới, chuyên gia này cho rằng các doanh nhân cần xác định hoạt động trong môi trường bình thường mới, với tỷ lệ người sử dụng công nghệ cao, đây là bài học kinh nghiệm trong thời gian bùng phát dịch COVID-19.

Ông khuyến cáo các doanh nghiệp nhỏ cần nâng cấp hoạt động kinh doanh, bán hàng và phân khúc thị trường, bằng cách tích hợp công nghệ trong mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh.

Nhà kinh tế trưởng của BI khuyến nghị, các SME nên tìm hiểu những điều kiện để nhận hỗ trợ từ các cơ quan chính phủ, đồng thời chuyển đổi hoạt động kinh doanh theo cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất. Ví dụ, Tổng công ty Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia (MDEC) đã cung cấp các khoản tài trợ lên tới 5.000 RM (hơn 1.200 USD) để kỹ thuật số hóa doanh nghiệp. Do đó, các SME có thể tận dụng những khoản tài trợ này.

Bên cạnh việc kỹ thuật số hóa và áp dụng công nghệ, Tiến sỹ Afzanizam nhấn mạnh các doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn doanh thu, bằng cách mở rộng hoạt động kinh doanh trên các lĩnh vực khác. Nỗ lực liên doanh hoặc hợp tác có thể là những lựa chọn để doanh nghiệp vừa bảo vệ thị phần vừa đạt được hiệu quả hoạt động.

Chuyên gia này chỉ ra rằng do việc nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như nâng cao kỹ năng của người lao động đòi hỏi thời gian và tiền bạc, nên nhiều SME không tin rằng khoản đầu tư này sẽ giúp bảo vệ họ khỏi các mối đe dọa từ cạnh tranh và các cú sốc kinh tế.

Tuy nhiên, các cơ quan chính phủ nên hỗ trợ để SME có cái nhìn rõ ràng về những chính sách ưu đãi mà Chính phủ cung cấp liên quan đến R&D và đào tạo người lao động.

Theo Tiến sỹ Afzanizam, việc tổ chức hội thảo, hội nghị và triển lãm sẽ giúp giải đáp các mối quan tâm hoặc quan niệm sai lầm của SME về nhu cầu nâng cao kỹ năng kinh doanh của họ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục