Dịch COVID-19: Hà Nội bàn giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

14:29' - 12/03/2020
BNEWS Sáng 12/3, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Ban Cán sự đảng UBND thành phố về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Trong đó, tập trung đánh giá tác động của dịch COVID -19 tới phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020; tiến độ triển khai các dự án trọng điểm và giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì buổi làm việc.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nêu rõ, hiện nay thành phố Hà Nội đang thực hiện 2 nhiệm vụ kép; trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là phòng chống dịch bệnh, đồng thời phải có giải pháp ngăn chặn sự suy giảm, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, qua đó thực hiện các mục tiêu trong cả nhiệm kỳ.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, Hà Nội hiện đóng góp 17% GDP và gần 20% tổng thu ngân sách của cả nước, cũng là địa phương có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Việc Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GRDP sẽ góp phần quan trọng nhằm tạo công ăn việc làm, giữ ổn định đời sống; bảo đảm sinh kế cho người dân; giữ vững an ninh quốc phòng và tạo nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Thủ đô.
Vì vậy, ngay khi dịch COVID -19 xảy ra, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo UBND thành phố đánh giá tác động tới đời sống kinh tế - xã hội và định hướng giải pháp để triển khai thực hiện. Qua đó, giúp kinh tế - xã hội của Thủ đô hồi phục mạnh mẽ sau dịch.
Bí thư thành ủy nhấn mạnh xuất phát từ những ý nghĩa đó thành phố cần phải chủ động xây dựng kịch bản, trên cơ sở bám sát Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID - 19; đồng thời, có giải pháp đặc thù cho Hà Nội để duy trì tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước
Theo Ban cán sự Đảng thành phố Hà Nội, dịch bệnh COVID - 19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, đã lan ra 118 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các chuỗi giá trị liên quan các quốc gia này bị ảnh hưởng với mức độ khá lớn. Theo đó, lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng mạnh nhất do riêng 3 thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là những nước dịch bệnh COVID - 19 đang hoành hành chiếm 37% lượng khách du lịch đến Hà Nội.
Sản xuất công nghiệp trong chuỗi giá trị bị ảnh hưởng trực tiếp khi 15% kim ngạch xuất khẩu, 50% kim ngạch nhập khẩu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc; trong đó, nhóm hàng dệt may hơn 60% phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Sản xuất máy móc thiết bị điện tử, điện thoại và phương tiện vận tải hơn 30% phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc. Ngoài ra, vốn đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm khoảng 41,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài của Hà Nội dự báo sẽ bị ảnh hưởng. Thu ngân sách dự báo cũng sẽ giảm.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Bên cạnh đó, một số ngành, lĩnh vực ít bị ảnh hưởng hoặc có cơ hội phát triển gồm: nông nghiệp dự báo tăng trưởng trên 3%. Các lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế, bảo hộ sức khoẻ, dược phẩm... phục vụ phòng, chống dịch bệnh dự báo tăng trưởng cao. Ngoài ra, do ảnh hưởng dịch bệnh và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nên có làn sóng chuyển hướng đầu tư ra ngoài Trung Quốc. Nếu chuẩn bị tốt các điều kiện, Hà Nội có cơ hội đón được làn sóng này.
Trên cơ sở kết quả 2 tháng đầu năm, kịch bản tăng trưởng của cả nước và đánh giá sơ bộ tác động của dịch bệnh đến phát triển các ngành, lĩnh vực, Hà Nội dự thảo 3 kịch bản tăng trưởng của thành phố; trong đó, kịch bản 1 (năm 2020 tăng 7,51%, kết quả 5 năm 2016 - 2020 GRDP tăng trung bình 7,37%) được thành phố lựa chọn để tập trung chỉ đạo, điều hành.
Giải pháp trọng tâm là tập trung nắm vững tình hình, kịp thời tuyên truyền, ổn định tâm lý để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; kiểm soát tốt dịch bệnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư và tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách, vốn đầu tư nước ngoài; phát triển các ngành kinh tế; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực..
Đối với việc triển khai các dự án công trình trọng điểm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết, đến hết tháng 2/2020, thành phố có 9 dự án và 1 hạng mục dự án ngân sách hoàn thành theo mục tiêu ban đầu; 11 dự án đang thi công xây dựng; 20 dự án và 1 hạng mục dự án đang chuẩn bị thực hiện, hoàn thiện thủ tục; 14 dự án chưa triển khai thủ tục đầu tư. Dự kiến đến hết 2020 có 15 dự án hoàn thành, cơ bản hoàn thành đáp ứng tiến độ.
Giải đáp các kiến nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị, thành phố tập trung đẩy mạnh, quyết liệt triển khai các dự án trọng điểm này; thống kê, phân loại từng dự án với từng mốc tiến độ cụ thể. Chủ tịch UBDN thành phố cần nghiên cứu phân cho các đồng chí lãnh đạo thành phố chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giải quyết vướng mắc cho từng dự án trọng điểm, làm rõ về trách nhiệm cá nhân, rõ về chỉ đạo điều hành. Chủ động đề xuất biểu dương, khen thưởng những người có thành tích. Bên cạnh đó, thành phố nên đề xuất với Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế giải phóng mặt bằng tương tự như Thành phố Hồ Chí Minh.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng đề nghị Ban cán sự Đảng, UBND thành phố Hà Nội sớm trình Thường trực Ban Thường vụ Thành ủy để trình Hội đồng nhân dân thành phố một số vấn đề cụ thể như Ban cán sự Đảng thành phố đề xuất, kiến nghị; trong đó, quan trọng là làm rõ được nguồn vốn, sau đó thực hiện theo trình tự đầu tư công; nghiên cứu chuyển một số dự án đầu tư theo hình thức PPP sang đầu tư công để triển khai./.

Xem thêm:

>>Cập nhật tin tức mới nhất về dịch do virus Corona tại đây

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục