Dịch COVID-19 khiến bùng nổ dịch vụ "Hộp bữa ăn" tại Bỉ

08:32' - 27/01/2022
BNEWS Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 kéo theo nhiều dịch vụ mà một trong số đó là việc cung cấp các hộp "bữa ăn" để khách tự nấu.

Những hạn chế về di chuyển và làm việc từ xa là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ giao bữa ăn chưa chế biến hàng ngày.

Mặc dù chưa có số liệu chính xác nhưng theo ước tính, mỗi tuần hàng chục nghìn "bộ bữa ăn" được cung cấp cho người dân ở Bỉ.

 

Đằng sau những chiếc "hộp" chứa các nguyên liệu cần thiết để chế biến một món ăn, các nhà cung cấp đã chứng kiến doanh thu của họ tăng vọt trong hai năm qua.

Tại doanh nghiệp Little Green Box, ở vùng Genappe, cách thủ đô Brussels gần 40 km, doanh thu của công ty đã tăng gấp ba kể từ đợt phong tỏa đầu tiên, hồi năm 2020.

Ông Jabo Mutsinzi, Giám đốc điều hành của công ty cho biết, hiện nay số lượng đặt hàng đang ổn định. Xu hướng tương tự tại eFarmz. Ông Muriel Bernard, người sáng lập công ty, vui mừng chia sẻ: “Doanh số bán hàng của chúng tôi đã tăng gấp ba kể từ lần phong tỏa đầu tiên. Và kể từ đó, nó vẫn chưa dừng lại”.

Tại HelloFresh cũng vậy, tăng trưởng doanh thu vẫn tiếp tục. Đi đầu trong lĩnh vực cung cấp "Hộp bữa ăn" chưa chế biến, HelloFresh hiện có gần 7 triệu khách hàng trên toàn thế giới. Công ty cũng đang dự báo mức tăng doanh thu tăng hơn 20% trên toàn thế giới vào năm 2022.

Ông Muriel Bernard cho rằng đây là một hệ thống rất đơn giản. Không còn gánh nặng tinh thần phải lo bữa ăn hàng ngày vì mọi thứ hiện nay trở nên rất dễ dàng. "Và sau đó, nó cho phép bạn nấu món khác, khám phá các loại rau theo mùa", ông Muriel phân tích.

Nhưng làm thế nào để những chiếc hộp nổi tiếng này hoạt động?

Các công thức có một số biến hóa tùy thuộc vào thương hiệu, nhưng hoạt động chung là giống nhau ở mọi nơi. Khách hàng đăng ký và chọn mỗi tuần các bữa ăn, (nói chung, tối thiểu là ba bữa) mà họ muốn nhận trong hộp và số người cùng ăn. Nếu không thuê bao, khách hàng có thể đặt theo hộp, nhưng nó sẽ đắt hơn một chút.

Về giá cả, nó thay đổi tùy theo số lượng khẩu phần (gia đình càng đông người, bữa ăn sẽ rẻ hơn cho mỗi người) và bữa ăn được chọn (chẳng hạn như thịt hoặc cá, giá sẽ đắt hơn). Nói chung, một hộp bữa ăn có giá khoảng 40 euro (khoảng 1 triệu đồng), gồm 3 bữa mỗi tuần cho 2 người. Suất ăn tương tự cho 2 người lớn, 2 trẻ em, có giá từ 50 euro đến 70 euro.

Efarmz bán khoảng 8 euro cho mỗi món ăn cho mỗi người nếu khách hàng đặt hộp cho 2 người. Nếu đơn đặt hàng cho 6 người thì giá chỉ hơn 5,5 euro cho mỗi món ăn. Tại HelloFresh, giá giảm xuống chỉ còn 3,99 euro cho mỗi món.

So với cách thức mua sắm cổ điển, thì việc đặt hộp bữa ăn vẫn là một khoản ngân sách, nhưng điều này có thể thú vị, đặc biệt là vì ở một số công ty cung cấp dịch vụ như eFarmz và Little Green Box, các sản phẩm được cung cấp đều có nguồn gốc hữu cơ và hầu như luôn là hàng địa phương.

Tuy nhiên, việc giao hàng không phải miễn phí. Khách hàng phải trả thêm một vài euro cho việc giao hàng một hoặc hai lần mỗi tuần tới nhà của khách hàng hoặc tới một địa điểm nhận hàng.

"Chúng tôi giao hàng ở khắp mọi nơi, cả ở thành phố và nông thôn", ông Muriel Bernard nhấn mạnh. "Chúng tôi làm ăn rất tốt ở Brussels, nơi chúng tôi khởi nghiệp, nhưng Liège và vùng Wallonia Brabant cũng không thua kém. Khách hàng của chúng tôi thường là những người đang đi làm, những người không thích hoặc không có thời gian để đi chợ".

Và một khi có hộp trong tay, khách hàng sẽ phải làm gì? Hộp này chứa số lượng nguyên liệu cần thiết để thực hiện các công thức nấu ăn tùy theo số lượng người và không phải làm gì thêm nữa. Theo các công ty cung cấp dịch vụ, cách này giúp giảm thiểu lãng phí thực phẩm. Hộp nguyên liệu được dùng trong vòng 2 đến 5 ngày sau khi giao hộp. Ưu điểm: khách hàng được thông báo trước về thời gian chuẩn bị và mức độ khó.

Có nhiều thực đơn trực tuyến để khách hàng lựa chọn, một số món “nhanh”, một số khác là món chay, không chứa gluten hoặc “lành mạnh”. Mỗi công ty có công thức nấu ăn riêng. Vì vậy, khách hàng có cơ hội để so sánh.

Theo công ty nghiên cứu Shopperware, ở khu vực nói tiếng Pháp của Bỉ, ít nhất một nửa thị trường do HelloFresh nắm giữ (42% trên toàn quốc). Đây là công ty của Đức có doanh thu 1,4 tỷ euro vào quý III/2021. Ở Bỉ, công ty sử dụng 300 nhân viên tại 5 trung tâm hậu cần trải rộng khắp đất nước.

Tiếp theo là những công ty nhỏ hơn như eFarmz của Bỉ, công ty Simply You Box do tập đoàn siêu thị Carrefour thành lập năm 2016, Foodbag, được biết đến nhiều nhất ở vùng Flanders, hay Little Green Box, một doanh nghiệp có mục đích xã hội. Các siêu thị Colruyt và Delhaize cung cấp dịch vụ chuẩn bị bữa ăn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục