Dịch COVID-19 liệu có tạo ra bước đột phá cho công nghệ số?

21:23' - 22/10/2020
BNEWS Trong khuôn khổ Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2020, Hội nghị Bàn tròn cấp Bộ trưởng phiên thứ ba đã thảo luận về vai trò của công nghệ số, nhấn mạnh vai trò định hình tương lai của kết nối.

 

Trong khuôn khổ Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2020 (ITU Digital World 2020), Hội nghị Bàn tròn cấp Bộ trưởng phiên thứ ba diễn ra tối 22/10 đã tiếp tục thảo luận về vai trò của công nghệ số, nhấn mạnh vai trò định hình tương lai của kết nối.

Phát biểu tại phiên họp này, Cục trưởng Cục tin học hoá ( Bộ thông tin và Truyền thông) Việt Nam - Nguyễn Huy Dũng khẳng định một thế giới thịnh vượng, an toàn và bền vững là mục tiêu cao nhất của tất cả và việc sử dụng thích hợp các nền tảng kỹ thuật số sẽ góp phần đạt được mục tiêu này. 

Các chu kỳ đổi mới diễn ra sau vài thập kỷ. Trong 50 năm qua, thế giới đã chứng khiến hai cuộc khủng hoảng nhỏ hơn là Bong bóng dotcom năm 2000 và khủng hoảng tài chính năm 2008. COVID-19 là một cuộc khủng hoảng hoàn toàn khác và những tác động của đại dịch đã đưa đến bước ngoặt cho kỷ nguyên số. 

Việc ứng dụng các công nghệ mới thường đòi hỏi sự thay đổi thói quen và cách thức mọi thứ được thực hiện và điều này có thể diễn ra chậm. Quy tắc 21/90 cho thấy rằng sẽ mất 21 ngày để một điều mới mẻ trở thành thói quen và 90 ngày để trở thành một sự thay đổi lối sống vĩnh viễn. Tuy nhiên, chúng ta cần sẵn sàng để thử nghiêm những công nghệ mới này. COVID-19 đã buộc hầu hết chúng ta phải thay đổi nhiều thứ trong hơn 21 ngày, tạo ra những thói quen làm việc, học tập và giải trí mới. Những thói quen này, như làm việc và học tập tại nhà, đang khiến cho việc chấp nhận các công nghệ mới diễn ra nhanh hơn.

Để biến thách thức lớn hiện nay trở thành cơ hội lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông qua Chương trình chuyển đổi số quốc gia 2025 nhằm xây dựng “Việt Nam số”, với ba trụ cột là Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Trong chương trình này, nhiều ứng dụng và nền tảng số đã được thực hiện nhằm ứng phó với đại dịch và thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.

Một mặt, Việt Nam là một trong những quốc gia đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp trên di động (Bluezone) để truy vết người tiếp xúc người nhiễm và nghi nhiễm COVID-19. Ứng dụng này đã có 23 triệu lượt tải sau một thời gian ngắn, phát hiện gần 2.000 trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm hoặc nghi nhiễm.

Mặt khác, để đưa cuộc sống của người dân sang trạng thái bình thường mới, chính phủ và doanh nghiệp đã phát triển hiệu quả các nền tảng cho việc làm việc từ xa, học tập từ xa, khám bệnh từ xa, mua sắm trực tuyến, các sự kiện trực tuyến… Những nền tảng này cho thấy những thay đổi do đại dịch COVID-19 đang là lý do để không thể trì hoãn những đổi mới.

Cục trưởng Cục thông tin vô tuyến của ITU, Mario Maniewicz nói rằng đại dịch COVID-19 đã có tác động chưa từng có đến cuộc sống của người dân, đến các xã hội và nền kinh tế, nhưng đồng thời cũng cho thấy tầm quan trọng của công nghệ số và các nước cần nắm bắt cơ hội to lớn này để đảm bảo rằng mọi người, mọi ngành và mọi nhà đều được kết nối. 

Cục thông tin vô tuyến của ITU đang nỗ lực để mọi người có thể tiếp cận Internet và có thể hưởng lợi từ việc làm việc từ xa, khám bệnh từ xa, học tập từ xa và các ứng dụng số khác. Các chính sách mà các nước áp dụng hôm nay sẽ chắc chắn sẽ tạo nên sự khác biệt trong những năm tới.

Trong khi đó, đại diện đến từ các quốc gia khác trong phát biểu của mình cũng đã nêu bật tầm quan trọng của công nghệ số, thiết bị di động trong việc thích ứng và vượt qua đại dịch. Bộ trưởng Truyền thông Israel (Ix-ra-en), Yoaz Hendel, cho rằng khi công nghệ số định hình sự kết nối con người ở nhiều quốc gia, đại dịch COVID-19 đã khiến sự kết nối có có tầm quan trọng sống còn và công nghệ số, sự đổi mới công nghệ sẽ góp phần giải quyết các cuộc khủng hoảng khác trong tương lai. 

Cục trưởng Bưu chính Viễn thông Zimbabue (Dim-ba-buê), Gift Machengete, cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chính phủ nước này đã sử dụng các nền tảng trực tuyến để thông tin về dịch đến người dân hay các hoạt động của các doanh nghiệp cũng được chuyển sang trực tuyến do các lệnh phong tỏa. Theo ông, các công nghệ số sẽ đóng vai trò quan trong trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai. 

Giám đốc điều hành MTN, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu ở Nam Phi, Ralph Mupita tin rằng kết nối Internet đang tạo ra giá trị lớn hơn bao giờ hết và thiết bị số đang định hình tương lai của con người./.

>>>  ITU Virtual Digital World 2020 thảo luận về “Cùng nhau xây dựng thế giới số"

  •  

  •  

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục