ITU Digital World 2020: Hiện là thời điểm vàng để đầu tư vào Việt Nam

19:31' - 21/10/2020
BNEWS Chiều 21/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Diễn đàn Đầu tư ICT Việt Nam 2020 (Vietnam ICT Investment Forum 2020) với chủ đề “Tại sao Việt Nam” (Why Vietnam).

Chiều 21/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Diễn đàn Đầu tư ICT Việt Nam 2020 (Vietnam ICT Investment Forum 2020) với chủ đề “Tại sao Việt Nam” (Why Vietnam). Đây là một trong sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị và Triển lãm thế giới số 2020 (ITU Digital World 2020).

Sau hơn 30 năm nỗ lực hội nhập quốc tế và thu hút đầu tư, đến nay Việt Nam đã thu hút hơn 26.000 dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) với tổng vốn đăng ký gần 350 tỷ USD. Khu vực FDI đã có tác động lan tỏa đến sự phát triển của mọi thành phần của nền kinh tế, trong đó có sự đóng góp quan trọng của các tập đoàn công nghệ thông tin đa quốc gia.

Tuy nhiên, đến nay hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những hạn chế. Liên kết đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước chưa chặt chẽ, tỷ lệ nội địa hóa thấp. Thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực ĐTNN chưa đạt hiệu quả, ĐTNN từ các tập đoàn đa quốc gia vào nghiên cứu và phát triển và công nghệ số còn hạn chế. Trong khi đó, kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo. Do vậy, Việt Nam cần phải xây dựng các lợi thế cạnh tranh mới để nâng cao hiệu quả ĐTNN trong kỷ nguyên số.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi và làm rõ các lợi thế thu hút ĐTNN của Việt Nam trong giai đoạn mới qua góc nhìn về chiến lược quốc gia số, thị trường số và doanh nghiệp công nghệ số.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 5 năm gần đây, ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông đã trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam, đóng góp lớn cho doanh thu, xuất khẩu và nộp ngân sách nhà nước, với doanh thu 112 tỷ USD năm 2019, với trên một triệu lao động.

Nhằm tạo những đột phá mới về cơ chế, chính sách, về định hướng phát triển và đảm bảo nguồn lực, duy trì tốc độ tăng trưởng cao của ngành trong những năm tới, tận dụng những lợi thế của Việt Nam và cơ hội do Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang tới, ngày 14/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về thức đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) Việt Nam năm 2019 đạt 108 tỷ USD; trong đó, có đóng góp lớn của các doanh nghiệp FDI và nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời góp phần tạo ra hàng triệu việc làm và tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Do vậy, các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài có thể tham gia vào Chương trình Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Doanh nghiệp FDI có thể đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp nhà máy sản xuất sản phẩm, thiết bị số, phục vụ  chuyển đổi số của Việt Nam và Thế giới,

Hơn nữa, Việt Nam mong muốn phát triển các công nghệ 4.0 như AI, IOT, Big Data,… xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số; hỗ trợ thiết lập hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp có vốn FDI trong lĩnh  vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông (doanh nghiệp đầu, cuối chuỗi, thông tin về nhu cầu sản phẩm, linh kiện...).

Ông Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc điều hành Công ty NashTech Việt Nam

cho biết, đây là thời điểm rất phù hợp để các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. GDP của Việt Nam theo dự báo của quốc tế có thể vượt qua Malaysia, Philipines trong năm nay.

Việt Nam có quy mô dân số 100 triệu dân, số dân trẻ rất lớn, khoảng 70% dưới 50 tuổi. Việt Nam cũng có lực lượng lao động làm trong lĩnh vực công nghệ rất tốt. Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã có 5G. Hiện là thời điểm vàng để đầu tư vào Việt Nam.

Khoảng 10 năm trước, NashTech còn có quy mô nhỏ, nhưng đã tăng trưởng trung bình 34% mỗi năm trong 10 năm qua và hiện có khách hàng rất lớn. Các ngân hàng trước đầu tư rất nhiều cho các dự án công nghệ thông tin nhưng hiện kể cả doanh nghiệp nhỏ cũng sẵn sàng đầu tư cho công nghệ thông tin.

Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar Campuchia và Lào, thẳng thắn chia sẻ, Việt Nam trong tương lai lâu dài sẽ là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư. Việt Nam đã thành lập được Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và đây là điều đáng khích lệ.

Với công nghệ, tầm nhìn, Chính phủ Việt Nam đã tìm được nguồn dầu mới, nguồn năng lượng mới cho sự phát triển. Chính phủ lại lắng nghe các doanh nghiệp, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục. Chỉ số về làm ăn kinh doanh tại Việt Nam như Ngân hàng Thế giới đánh giá được cải thiện hàng năm năm này qua năm khác. Các FTA cũng rất hữu ích, giúp Việt Nam tập trung cả tính bao trùm khi trong lĩnh vực ICT.

Ericsson mong tiếp tục đóng góp, để Việt Nam trở thành một trong những điểm đến tốt nhất nếu không phải là điểm đến đầu tư tốt nhất thế giới.

Ông James Dong, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam, đánh giá Chính phủ Việt Nam đã tích cực hành động trong quá trình chuyển đổi số, huy động sự tham gia của toàn xã hội. COVID-19 là động năng thúc đẩy quá trình này và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp thương mại điện tử cần tận dụng cơ hội này.

Ông cho rằng quá trình chuyển đổi số sẽ đạt 300% hậu đại dịch, Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ đạo tạo nhân lực và cung cấp các biện pháp kích thích cho các doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu.

Ông Ravi Vajpeyi, Giám đốc HCL tại Việt Nam, cho biết, các nghiên cứu mà HCL cùng với các bên thứ ba đã tiến hành cho thấy quyết định đầu tư tại Việt Nam là đúng đắn, khi nền kinh tế và GDP các ngành đều tăng trưởng, vị trí địa lý thuận lợi, trong khi Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Ông ấn tượng với chất lượng giáo dục của Việt Nam, nhờ đó có nguồn nhân lực phù hợp cho phát triển công nghệ thông tin để trở thành trung tâm trong khu vực và trên thế giới.

Ông Auréline PALASSE, Giám đốc Ubisoft Việt Nam, đánh giá Việt Nam là một thị trường tiềm năng trong lĩnh vực chuyển đổi số. Việt Nam sẽ tiếp bước Trung Quốc trở thành quốc gia chuyển đổi số mạnh mẽ./.

>>> ITU Digital World 2020: Vai trò của công nghệ số trong và sau đại dịch COVID-19

>>> Khai mạc Hội nghị và Triển lãm trực tuyến Thế giới số 2020

   

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục