Dịch COVID-19: Lợi nhuận năm 2020 của ACV giảm gần 80%

11:49' - 02/02/2021
BNEWS ACV vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với nhiều chỉ số không mấy tích cực. Nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh của ACV không khả quan là do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (mã chứng khoán: ACV) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với nhiều chỉ số không mấy tích cực. Nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh của ACV không khả quan là do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19.

Theo đó, dịch COVID-19 khiến khách quốc tế giảm mạnh, đa phần các chuyến bay quốc tế là các chuyến bay hồi hương, trong khi nhu cầu nội địa cũng giảm.

Doanh thu quý IV/2020 của ACV chỉ đạt gần 1.720 tỷ đồng, giảm 64,6% cùng kỳ năm trước, luỹ kế cả năm đạt 7.800 tỷ đồng, giảm 57,5%.

Biên lợi nhuận gộp trong kỳ giảm mạnh còn 12,5% trong khi cùng kỳ năm 2019 đạt 48%, cả năm 2020 biên lợi nhuận gộp đạt 18,3% trong khi năm 2019 đạt gần 51%.

Doanh thu tài chính quý IV đạt 538,5 tỷ đồng, giảm gần 42% cùng kỳ năm trước, theo giải trình của ACV là tại thời điểm quý IV/2020 không có lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá lại gốc cuối kỳ, luỹ kế cả năm đạt 2.220 tỷ đồng, tăng 15,64% năm 2019.

Mặc dù tiết giảm chi phí, song lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý IV/2020 của ACV chỉ đạt hơn 415 tỷ đồng, giảm 85,5% cùng kỳ 2019. Luỹ kế cả năm đạt 2.087 tỷ đồng, giảm gần 80%. Tuy nhiên, con số này vượt kế hoạch đặt ra đầu năm.

Lợi nhuận sau thuế đạt 346 tỷ đồng, giảm gần 85% trong quý IV, luỹ kế cả năm đạt 1.712 tỷ đồng, giảm 79%, thấp nhất trong 10 năm qua và thấp nhất kể từ khi ACV cổ phần hoá.

Đáng chú ý, tại thời điểm 31/12/2020, ACV vẫn giữ 33.685 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và tiền mặt, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi đó, tổng tài sản còn 56.992 tỷ đồng, giảm 1.184 tỷ đồng so với đầu năm. ACV đã tăng khoản vay nợ tài chính dài hạn từ 14.759 tỷ đồng lên 15.345 tỷ đồng. Các khoản vay của ACV đa phần bằng đồng JPY (Yên Nhật) và là các khoản vay ODA để sửa chữa cảng hàng không. ACV đang quản lý 22 cảng hàng không trên cả nước và nhiều công ty phục vụ mặt đất.

Tại Nghị quyết đại hội cổ đông bất thường lần thứ 1 năm 2020 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các cổ đông đã tán thành với tỷ lệ 99,8% thông qua chủ trương đầu tư dự án thành phần 3 - Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án (bao gồm các khoản thuế) hơn 99.019 tỷ đồng; trong đó, vốn chủ sở hữu tối thiểu 36.102 tỷ đồng. Phần còn lại, ACV sẽ sử dụng vốn vay (không sử dụng bảo lãnh Chính phủ) và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định.

Tháng 11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với mục tiêu đầu tư xây dựng sân bay đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Trước đó, sáng 5/1, dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành với tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ USD đã chính thức được khởi công giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác tháng 12/2025.

Theo đó, dự án xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 109.000 tỷ đồng, tương đương 4,664 tỷ USD. Dự án được chia thành 4 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 - các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước được Thủ tướng giao các cơ quan liên quan (Hải quan, Công an, Công an cửa khẩu, Cảng vụ, Kiểm dịch y tế) bố trí nguồn vốn thực hiện.

Dự án thành phần 2 - các công trình phục vụ quản lý bay, được Thủ tướng Chính phủ giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng sẽ do ACV làm chủ đầu tư. Dự án thành phần 4 - các công trình khác… sẽ thực hiện bởi các nhà đầu tư, chủ đầu tư do Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục