Dịch COVID-19 sáng 28/3: Italy có số ca mắc nhiều thứ 2 thế giới

06:58' - 28/03/2020
BNEWS Trong 10 nước có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất trên thế giới tính hết 27/3, Mỹ đứng đầu danh sách với hơn 100.000 ca. Italy vượt Trung Quốc thành nước có số ca mắc lớn thứ 2 trên thế giới.

Số liệu tổng hợp từ website worldometers.info cho thấy tính đến 6h45 ngày 28/3 (giờ Việt Nam), cả thế giới có 594.280 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 27.247 ca tử vong.

Như vậy trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 65.003 ca mắc mới và 3.278 ca tử vong.

*Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới

Trong 10 nước có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất trên thế giới tính đến hết ngày 27/3, Mỹ đã có tới hơn 100.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đứng đầu danh sách. Tiếp theo đó là Italy với trên 86.000 ca đã vượt qua Trung Quốc hiện có trên 81.000 ca bệnh.

Kế tiếp là Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Iran, Anh, Thụy Sỹ và Hàn Quốc. Trong đó, Pháp với tổng cộng gần 33.000 ca nhiễm đã vượt Iran; Anh với gần 3.000 ca mắc mới cũng vượt qua Thụy Sỹ về tổng số ca nhiễm bệnh so với ngày hôm qua.

1. MỸ

Trong khi đó, theo số liệu thống kê do Đại học Johns Hopkins công bố, tính tới 21h giờ GMT ngày 27/3 giờ địa phương (4h ngày 28/3 giờ Hà Nội), Mỹ đã có hơn 100.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng hơn 5.000 ca so với 1 ngày trước đó.

Như vậy, tính tới lúc này, Mỹ đang là nước có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, thứ 2 là Italy với 86.498 ca nhiễm, trong khi Trung Quốc xếp thứ 3 với 81.340 ca nhiễm. Thống kê mới nhất của Đại học Johns Hopkins cũng cho thấy thành phố New York là nơi có nhiều ca nhiễm nhất, với hơn 1 nửa số ca nhiễm của Mỹ, vào lúc này.

Ngày 27/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký dự luật kích thích kinh tế có trị giá 2.000 tỷ nhằm đối phó với những tác động do đại dịch COVID-19 gây ra sau khi văn kiện này được Hạ viện Mỹ thông qua cùng ngày.

Theo đó, luật này bao gồm các khoản hỗ trợ tiền mặt cho hầu hết những người dân Mỹ, trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thực phẩm, các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ, các quỹ hỗ trợ cho các bệnh viện bị quá tải và những ngành chịu ảnh hưởng lớn.

Cũng theo luật mới, những cá nhân, công dân Mỹ có thu nhập dưới 75.000 USD/năm hoặc những người không có thu nhập hoặc thu nhập từ các chương trình phúc lợi không đánh thuế, sẽ nhận được séc chi trả một lần trị giá 1.200 USD, một cặp vợ chồng được hỗ trợ 2.400 USD, mỗi trẻ em dưới 17 tuổi nhận 500 USD.

Dự kiến tiền sẽ được chuyển trước ngày 6/4 tới. Người lao động cũng được hưởng lợi từ gói hỗ trợ người mất việc trị giá 250 tỉ USD. Theo đó, thời hạn nhận bảo hiểm thất nghiệp tối đa là 4 tháng, thay vì 3 tháng như thông thường và người lao động sẽ nhận được 600 USD/tháng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nước này sẽ sản xuất 100.000 máy thở trong 100 ngày tới.

Cùng ngày, lực lượng công binh của Lục quân Mỹ thông báo đang cân nhắc khả năng chuyển đổi khoảng 100 cơ sở tại nước này thành các bệnh viện dã chiến để hỗ trợ cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19.

2. ITALY

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết, ngày 27/3 nước này ghi nhận thêm 5.959 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên 86.498 trường hợp. Như vậy, sau 5 tuần dịch bệnh bùng phát tại Italy, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt qua Trung Quốc, hiện ghi nhận 81.342 trường hợp theo số liệu cập nhật từ Đại học Johns Hopkins.

Cũng theo cơ quan trên, số ca tử vong do COVID-19 là 9.134 trường hợp (tăng 919 ca). Số bệnh nhân điều trị thành công là 10.950 trường hợp (tăng 589 ca). Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 26.029 ca nhập viện với các triệu chứng, 3.732 ca phải điều trị tích cực và 36.653 trường hợp phải cách ly tại nhà.

Tại vùng tâm dịch Lombardia, tổng số ca nhiễm bệnh được ghi nhận là 37.298 trường hợp (tăng 2.409 ca), và số ca tử vong tăng 541 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong của vùng này lên 5.402 trường hợp.

Liên quan đến độ tuổi tử vong do dịch COVID-19, Viện Y tế cấp cao Italy (ISS) cho biết độ tuổi trên 70 chiếm trên 80% số ca tử vong, độ tuổi 60-69 chiếm 11,2%, độ tuổi 50-59 chiếm 3,6%, trong khi đó, độ tuổi 40-49 chiếm 1% và độ tuổi 30-39 chỉ chiếm 0,2%. Phần lớn số ca tử vong đều kèm theo các bệnh lý khác như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim, thận.

Theo hãng thông tấn ANSA của Italy, trong thông báo thường nhật về tình hình bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra của vùng Lombardia ngày 27/3, ông Attilio Fontana, người đứng đầu chính quyền vùng cho biết biểu đồ đường lây nhiễm mới tại Lombardia đã không tăng lên và số lượng ca nhiễm mới bắt đầu giảm xuống.

Ông Fontana nói: “Tôi nghĩ rằng (dịch bệnh COVID-19) đang bắt đầu đi xuống”. Trong ngày 27/3, vùng Lombardia đã tiến hành nhiều xét nghiệm hơn so với những ngày trước, tuy nhiên số ca nhiễm mới được ghi nhận thấp hơn.

2. TRUNG QUỐC

Ngày 28/3, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo không có ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nội địa nào được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục trong ngày 27/3.

Tuy nhiên, cơ quan trên đã nhận được báo cáo về 54 trường hợp mới mắc COVID-19 từ nước ngoài tại Trung Quốc đại lục, nâng tổng số ca nhiễm từ nước ngoài lên thành 649 ca. Trong số các ca nhiễm mới này có 17 ca tại Thượng Hải, 11 ca tại tỉnh Quảng Đông, 6 ca ở tỉnh Phúc Kiến, 5 ca ở Thiên Tân, 4 ca ở tỉnh Chiết Giang, Bắc Kinh và tỉnh Liêu Ninh mỗi nơi có 3 ca, khu tự trị Nội Mông và tỉnh Cát Lâm mỗi nơi có 2 ca và một ca ở tỉnh Sơn Đông.

Ngoài ra, có 383 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Trung Quốc đại lục đã được xuất viện trong ngày 27/3, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 được xuất viện sau khi bình phục lên thành 74.971. Tính đến hết ngày 27/3, có tổng cộng 81.294 trường hợp mắc COVID-19 được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục và 3.295 người đã tử vong do căn bệnh này.

Trước đó, Trung Quốc đã thông báo tạm dừng nhập cảnh đối với người nước ngoài có thẻ du lịch thương mại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC); tạm ngừng cấp thị thực tại cửa khẩu, ngừng miễn thị thực quá cảnh trong 24/72 /144 giờ, ngừng miễn thị thực nhập cảnh Hải Nam, ngừng miễn thị thực nhập cảnh Thượng Hải bằng du thuyền, ngừng miễn thị thực 144 giờ cho các đoàn khách nước ngoài từ hai khu hành chính đặc biệt thuộc Trung Quốc là Hong Kong và Macau nhập cảnh Quảng Đông, ngừng miễn thị thực cho các nhóm khách du lịch từ Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhập cảnh Quảng Tây.

Trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ, hoặc có thị thực hạng C không bị ảnh hưởng bởi quyết định trên.

Vũ Hán chuẩn bị gỡ bỏ phong tỏa. Nguồn: VNEWS/TTXVN

4. TÂY BAN NHA

Số liệu tổng hợp từ website worldometers.info cho thấy tính đến 6h45 ngày 28/3 (giờ Việt Nam), Tây Ban Nha có tổng cộng 65.719 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng 7.933 ca so với hôm qua, trong đó có 5.138 ca tử vong, tăng 773 ca.

5. ĐỨC

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến 16h ngày 27/3 theo giờ Đức, số ca mắc COVID-19 trên cả nước này đã lên gần 50.000 ca và trên 300 ca tử vong, tăng lần lượt hơn 6.000 và 30 ca. Cụ thể số ca nhiễm bệnh hiện đã lên tới 49.344 ca và 304 ca tử vong, tăng lần.

Ngân hàng Đức Deutsche Bank ngày 27/3 đã nhận định dịch bệnh sẽ gây thiệt hại cho nước Đức tới 1,5 nghìn tỷ euro.

Theo nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Deutsche Bank, ông David Folkerts-Landau, nền kinh tế Đức sẽ sụt giảm khoảng 7-8% trong năm 2020, song sẽ phục hồi từ quý 4/2020 và đạt tăng trưởng khá trong năm 2021.

6. PHÁP

Tính tới tối ngày 27/3, Tổng cục y tế Pháp xác nhận 1.995 người chết kể từ khi dịch bùng phát và số bệnh nhân nhiễm virus được xét nghiệm lên đến 32.964 người, vượt qua Iran về số ca nhiễm so với hôm qua.

Trong số 15.732 bệnh nhân phải nhập viện, 3.787 người đang rơi vào tình trạng nghiêm trọng. Một phần ba số bệnh nhân nhập viện dưới 60 tuổi, 42 người dưới 30 tuổi. Ngoài ra, 85% trường hợp tử vong là trên 70 tuổi. Số bệnh nhân được chữa khỏi và ra viện là 5.700.

Cùng ngày, Pháp thông báo kéo dài thời gian phong tỏa đến ngày 15/4, thay vì đến 31/3 như dự kiến ban đầu. Theo thông báo các quy định hạn chế di chuyển vẫn giữ nguyên, song cảnh báo rằng có thể tiếp tục gia hạn tùy theo tình hình thực tế.

7. IRAN

Tính đến 6h45 ngày 28/3 (giờ Việt Nam), Iran có tổng cộng 32.332 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng 2.926 ca so với hôm qua, trong đó có 2.378 ca tử vong, tăng 144 ca.

8. ANH

Anh cho biết tính đến 17h ngày 26/3 giờ địa phương (0h ngày 27/3 giờ Hà Nội), có 759 người tử vong tại nước này sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trước đó một ngày, con số tử vong tại Anh là 578 người, điều này đồng nghĩa số ca tử vong tại Anh do COVID-19 đã tăng 31%. Tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Anh là 14.579 ca, vượt qua Thụy Sỹ trong danh sách 10 nước có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới.

Cũng trong tối 27/3, người phát ngôn Bộ Tài chính Anh thông báo người đứng đầu bộ này Rishi Sunak sẽ làm việc tại nhà sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông Sunak hiện không có bất cứ triệu chứng nào nhiễm SARS-CoV-2.

Thủ tướng Anh tự cách ly. Nguồn: VNEWS/TTXVN

9. THỤY SỸ

Trong khi đó, Chính phủ liên bang của Thụy Sĩ đã trao quyền cho nhà chức trách các địa phương tạm thời đóng cửa hoặc hạn chế các lĩnh vực kinh tế nếu cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Động thái trên nhằm tạo sự phối hợp nhịp nhàng trong hệ thống chính trị chặt chẽ của Thụy Sĩ, được đưa ra vào thời điểm số ca tử vong tại nước này do COVID-19 là 207 ca, trong khi số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng lên đến 12.311 người.

10. HÀN QUỐC

Tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Hàn Quốc tính đến sáng 28/3 đã 9.332, tăng 91 ca so với hôm qua. Số ca tử vong cũng tăng 8 ca lên tổng số 139 ca.

Ngày 27/3, giới chức Hàn Quốc thông báo phát hiện ổ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mới tại bệnh viện Miju ở thành phố Daegu , Đông Nam nước này.

Theo cơ quan chức năng thành phố Daegu, tổng cộng 62 người, trong đó có tới 61 bệnh nhân của bệnh viện Miju, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tại thời điểm phát hiện dịch COVID-19 bùng phát tại đây, bệnh viện có 350 bệnh nhân và nhân viên y tế.

Daegu đã trở thành tâm dịch COVID-19 tại Hàn Quốc vào giữa tháng 1/2020. Gần 70% các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Hàn Quốc đều tập trung tại thành phố này. Đến nay, đã có ít nhất 3 bệnh viên ở thành phố này thông báo xuất hiện các ca nhiễm ồ ạt. Hiện Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 9.332 ca mắc COVID-19.

Ngoài 10 quốc gia trên, diễn biến dịch COVID-19 tại châu Phi cũng đang khá phức tạp. Giám đốc khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Phi, bà Matshidiso Moeti ngày 27/3 cảnh báo lục địa Đen phải đối mặt với một sự tiến triển đáng lo ngại của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Bà Moeti kêu gọi các nước châu Phi tăng cường hành động, nhất là khi trong mấy ngày gần đây có đến 300 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 được ghi nhận mỗi ngày.

Theo thống kê của hãng tin AFP, tổng số ca mắc COVID-19 trên khắp châu Phi trong tuần qua đã lên tới gần 3.500 người và 94 trường hợp tử vong.

*Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam

Tính đến sáng 28/3:

-Tử vong: 0  

-Số trường hợp mắc: 169

Trong số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam có 43 người bị lây nhiễm từ nguồn trong nước; 126 người đến/trở về Việt Nam từ nước ngoài (56 người đến/trở về từ Anh, 16 người đến/trở về từ Pháp, 8 người đến/trở về từ Malaysia, 6 người đến/trở về từ Tây Ban Nha, 9 người đến/trở về từ Mỹ, 6 người đến/trở về từ Thái Lan, số còn lại từ những nước khác).

-Ngày 27/3 ghi nhận thêm 3 bệnh nhân mắc COVID-19 bình phục, nâng số trường hợp khỏi bệnh lên 20 người

+ 16 người đã được chữa khỏi bệnh từ giai đoạn 1

+ 4 bệnh nhân (Bệnh nhân số 18, Bệnh nhân số 22, Bệnh nhân số 23, Bệnh nhân số 35) đã hoàn toàn bình phục trong giai đoạn 2 từ ngày 6/3 đến ngày 26/3.

- 143 ca mắc COVID-19 còn lại đang được điều trị cách ly tại các cơ sở y tế tại các địa phương trong cả nước. Tính đến 19 giờ ngày 27/3, tại nhiều cơ sở y tế trong cả nước, 51 bệnh nhân đang điều trị có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS- CoV-2 từ 1- 4 lần.

Trong số đó, 21 bệnh nhân có kết quả âm tính lần 2. Bảy bệnh nhân (số 45, 53, 64, 65, 66, 79, 90) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi có kết quả âm tính virus SARS- CoV-2 trên 3 lần xét nghiệm, đã khỏi bệnh. Dự kiến, các bệnh nhân này sẽ được ra viện trong ngày 29-30/3 và tiếp tục được theo dõi sức khỏe ở các cơ sở khác.

Ba bệnh nhân trong tình trạng rất nặng đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 ( một bệnh nhân chỉ định can thiệp ECMO, hai bệnh nhân còn lại thở ô xy). Hiện một bệnh nhân đã có nhiều tiến triển, không còn phải thở máy xâm nhập.

Liên tục trong những ngày qua, các chuyên gia đầu ngành và bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã rất nỗ lực hội chẩn, điều trị cho các trường hợp ca bệnh này.

Đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận có 4 nhân viên y tế mắc COVID-19, gồm hai trường hợp của Bệnh viện Bạch Mai và hai trường hợp của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Về tổ chức xét nghiệm phát hiện các trường hợp nghi ngờ, Bộ Y tế cho biết: đến nay, Việt Nam chưa sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh mà đang sử dụng bộ sinh phẩm xét nghiệm (test kit) do Học viện Quân y sản xuất, đã được các cơ quan quản lý, khoa học trong nước và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận./.

Sẽ không có 1.000 ca mắc COVID-19 đến 31/3. Nguồn: VNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục