Dịch COVID-19 đe dọa khoản nợ 32.000 tỷ USD của các công ty châu Á

05:00' - 28/03/2020
BNEWS Chính sách lãi suất thấp trong nhiều năm đã khiến các công ty ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương chồng chất khối nợ lớn và sự bùng phát của dịch COVID-19 có thể gây nguy cơ phá sản trên diện rộng.
Dịch COVID-19 gây ra những ảnh hưởng nặng nề với doanh nghiệp châu Á. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN

Tờ Financial Times của Anh dẫn số liệu của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's cho biết, trong giai đoạn từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nay, khối lượng nợ chưa trả của các công ty trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã tăng gấp đôi, lên 32.000 tỷ USD.

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng vốn mà các nhà đầu tư lo ngại sẽ dẫn tới làn sóng phá sản trong các ngành công nghiệp từ hàng không đến bán lẻ.
Theo John Park, Giám đốc điều hành công ty tư vấn FTI về tái cấu trúc doanh nghiệp có trụ sở tại Brisbane, người ta ngày càng đặt ra nhiều câu hỏi nhằm tìm kiếm tư vấn về cách ngăn ngừa tình huống mất khả năng thanh toán.
Một trong những lĩnh vực gây lo ngại đặc biệt là thị trường bất động sản của Trung Quốc. Theo số liệu của Dealogic, tính đến tháng 2/2020, lĩnh vực này ghi nhận tổng cộng 647 tỷ USD giá trị trái phiếu bằng đồng NDT và các ngoại tệ mạnh. Trong khi đó, theo Plenum China, doanh số bán và số công trình khởi công xây dựng mới trong hai tháng đầu năm 2020 đã giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.
Evergrande, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, có khối nợ lên tới hơn 100 tỷ USD. Công ty này đã phát hành trái phiếu coupon với lãi suất lên tới 13%, động thái mà các nhà phân tích cho rằng làm dấy lên quan ngại về độ tín nhiệm của công ty. Các nhà phân tích nói thêm rằng Bắc Kinh có thể cần phải ra tay “giải cứu” các công ty có quy mô tương tự bởi Evergrande “quá lớn để sụp đổ”.
Tập đoàn Tahoe, một nhà phát triển bất động sản nhỏ hơn, sở hữu khoảng 730 triệu USD giá trị trái phiếu bằng USD đến kỳ thanh toán trong 12 tháng tới. Tuy nhiên, công ty này chưa nói với các nhà đầu tư về kế hoạch trả nợ.
James Dilley, đối tác tư vấn của PwC, khi nói về thị trường bất động sản Trung Quốc đã nhận định, mức độ gián đoạn hoạt động hiện tại nếu không giảm bớt sẽ làm tăng khả năng vi phạm các hợp đồng và dẫn đến nguy cơ vỡ nợ.
Đại dịch COVID-19 cũng gây ra tình trạng siết chặt nguồn tài chính tại Thái Lan, nơi các công ty phải chịu áp lực lớn khi lượng khách du lịch giảm đã tác động mạnh đến nền kinh tế. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings tuần trước cho biết, chất lượng tài sản và lợi nhuận của các ngân hàng Thái Lan có thể “thấp hơn đáng kể” trong năm nay.
Tại Australia, sự bùng phát của dịch COVID-19 đã khiến một số công ty tìm cách tăng vốn chủ sở hữu khi phải vật lộn với việc trả nợ. Ngày 20/3, Webjet, một công ty du lịch, và oOh! Media, một doanh nghiệp quảng cáo, cho biết sẽ cố gắng thực hiện một đợt tăng vốn chủ sở hữu khẩn cấp.
Theo David Walter, một đối tác tại Sydney của công ty luật Baker McKenzie, nhiều công ty của Australia cũng đang xem xét việc viện dẫn các bộ luật được gọi là “trú ẩn an toàn”, cơ chế trao cho giám đốc các doanh nghiệp vỡ nợ sự bảo vệ pháp lý trong quá trình tái cơ cấu.

Ông Walter cho hay, một số doanh nghiệp mạnh khỏe đang tập hợp tất cả các dòng thanh khoản có sẵn hoặc tìm kiếm khoản vay mới từ các quỹ tín dụng. Các khoản vay này có thể đắt đỏ, nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với việc nguy cơ “cạn” vốn.
Một số nhà đầu tư đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội trên thị trường này. Michel Lowy, người đứng đầu tập đoàn đầu tư tín dụng SC Lowy có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), cho biết số lượng giao dịch của công ty trong tháng Ba đã tăng mạnh so với năm ngoái. Cơ hội cho các doanh nghiệp như họ là cố gắng tìm ra các công ty có thanh khoản tốt và khả năng trụ vững qua “cơn bão” này.
Tuy nhiên, nỗ lực của các nhà đầu tư mạo hiểm tư nhân không đủ để giải quyết vấn đề nợ doanh nghiệp của châu Á. Tuần này, Hamish Douglass, Chủ tịch và đồng sáng lập của công ty quản lý quỹ Magellan Financial Group có trụ sở tại Sydney, nói với khách hàng rằng các biện pháp phong tỏa/cách ly để phòng chống dịch COVID-19 sẽ làm cho nhiều công ty đang ngập trong nợ nần có thể bị phá sản.
Ông Douglass cho rằng Chính phủ các nước có thể làm theo tấm gương của New Zealand, quốc gia đã “giải cứu” hãng hàng không quốc gia nước này với khoản cho vay 525 triệu USD. Chuyên gia này nhấn mạnh, chỉ có chính phủ mới có thể ngăn chặn các doanh nghiệp khỏi nguy cơ sụp đổ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục