Dịch COVID-19 sáng 28/8: Mỹ, Brazil và Ấn Độ chịu tác động nặng nhất

08:21' - 28/08/2020
BNEWS Theo trang thống kê toàn cầu worldometers.info, tính đến 8h sáng 28/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 24,6 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 834.700 người đã tử vong.

Hơn 17 triệu bệnh nhân đã hồi phục còn hơn 6,69 triệu ca đang được điều trị.  Ba quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh gồm Mỹ (hơn 6 triệu ca mắc, 184.778 ca tử vong), Brazil (hơn 3,76 triệu ca mắc, 118.726 ca tử vong) và Ấn Độ (hơn 3,38 triệu ca mắc, 61.694 ca tử vong).

Đáng chú ý, theo hãng tin Reuters (Anh), tổng số ca mắc bệnh tại khu vực Mỹ Latinh đã vượt ngưỡng 7 triệu ca kể cả khi một số quốc gia trong khu vực bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu giảm nhẹ dịch bệnh.

Trong 7 ngày qua, trung bình số ca mắc mới mỗi ngày trên toàn khu vực giảm xuống khoảng 77.800 ca, thấp hơn nhiều so với con số gần 85.000 ca trong tuần trước đó. Sáu tháng sau khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên, hiện Brazil đang là tâm dịch của khu vực. Tổng số ca bệnh tại Mỹ Latinh tăng từ mốc 6 triệu lên 7 triệu trong 13 ngày.

Tại châu Á, Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 27/8 cho biết nước này sẽ triển khai giai đoạn 6 chiến dịch Vande Bharat hồi hương những công dân Ấn Độ đang mắc kẹt ở nước ngoài do dịch COVID-19, bắt đầu từ ngày 1/9 tới.

Việc triển khai giai đoạn 6 dựa trên nhu cầu của các cơ quan đại diện ở nước ngoài. Trong giai đoạn 5 của chiến dịch, dự kiến kết thúc vào ngày 31/8 tới, Ấn Độ đã và sẽ triển khai 900 chuyến bay đến 22 quốc gia trên khắp thế giới để đón hơn 1,2 triệu công dân.

Đến nay, Ấn Độ đã triển khai "Hành lang đi lại" (Bubble Travel) với Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar và Maldives. New Delhi cũng đang đàm phán để mở các hành lang tương tự với Australia, Italy, Nhật Bản, New Zealand, Nigeria, Bahrain, Israel, Kenya, Philippines, Nga, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan.

Tại Đông Nam Á, Chính phủ Indonesia có kế hoạch cung cấp vaccine ngừa COVID-19 miễn phí cho người dân vào năm 2021. Giới chức nước này bày tỏ hy vọng rằng sẽ nhận được 30 triệu liều vaccine COVID-19 vào cuối năm nay thông qua hợp tác với các hãng Sinovac của Trung Quốc và G42 của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để tiêm chủng cho 15 triệu người dân nếu các thử nghiệm lâm sàng hiện nay cho kết quả tốt.

Tại châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo 16 bang đã nhất trí thắt chặt hơn nữa các biện pháp và quy định về phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại nước này đang tăng trở lại trong những tuần gần đây.

Thủ tướng Merkel nhận định cho đến nay, nhìn chung chính phủ liên bang và chính quyền các bang ở Đức đã thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu giúp ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của virus SARS-COV-2 gây bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, với số lượng các ca nhiễm mới tăng đáng kể trong những tuần gần đây, chính phủ buộc phải xem xét và đưa ra quyết định thắt chặt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Thủ tướng Merkel và các thủ hiến bang đã nhất trí áp đặt thêm một số quy định mới nghiêm ngặt hơn, bao gồm tiếp tục gia hạn lệnh cấm tổ chức các sự kiện lớn cho đến hết ngày 31/12, áp dụng đối với việc tổ chức các lễ hội, buổi hòa nhạc cũng như các sự kiện thể thao lớn có khán giả; mức phạt tối thiểu 50 euro (khoảng 59 USD) đối với những người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng như trong các cửa hàng, siêu thị hay trên các phương tiện giao thông công cộng.

Theo Thủ tướng Merkel, trong tình hình số ca nhiễm mới gia tăng hiện nay, việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng là quy định bắt buộc và các cơ quan quản lý trật tự phải có trách nhiệm giám sát, xử phạt nhất quán đối với người vi phạm.

Thủ tướng Merkel cũng lên tiếng cảnh báo, yêu cầu người dân Đức tránh không đi tới những khu vực và những quốc gia được xếp vào loại có nguy cơ cao đối với dịch bệnh COVID-19.

Tại Nam Mỹ, Chính phủ Colombia thông báo đã bắt đầu tiến hành bước đầu tiên để mở lại các chuyến bay quốc tế sau 5 tháng đình chỉ mọi hoạt động, đồng thời cho rằng ngành vận tải hàng không ít có khả năng lây lan dịch bệnh.

Colombia bắt đầu đình chỉ mọi chuyến bay quốc tế cũng như nội địa và đóng cửa toàn bộ biên giới từ tháng 3 cùng với việc thiết lập các biện pháp cách ly bắt buộc để đối phó dịch COVID-19.

Hiện các chuyến bay nội địa tại quốc gia Nam Mỹ này đã được nối lại sau khi chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế, nhưng biên giới trên bộ và trên biển sẽ tiếp tục đóng cho tới ít nhất là ngày 1/10.

Chính phủ Colombia cũng sẽ bắt đầu tiến trình tái kích hoạt lại nền kinh tế sau khi lệnh giãn cách xã hội kết thúc vào cuối tháng 8 này, tuy nhiên vẫn duy trì lệnh cấm tổ chức các sự kiện lớn có nhiều người tham gia.

Trong khi đó, Ngoại trưởng 9 nước Nam Mỹ đã tham gia hội nghị trực tuyến nhằm xem xét khả năng mở cửa lại biên giới khu vực vốn bị đóng nhiều tháng qua trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh cần làm xét nghiệm y tế cho những người tiếp xúc với các trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh COVID-19, cho dù họ có triệu chứng hay không. Khuyến cáo này được WHO đưa ra sau khi giới chức y tế Mỹ nói rằng việc làm này là "không cần thiết"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục