Dịch COVID-19 sáng 7/4: Số ca mắc mới trong ngày giảm rõ rệt

06:12' - 07/04/2020
BNEWS Tính đến 5.30 sáng 7/4 (giờ Việt Nam), số ca mắc mới trong 24 giờ qua là 68.761 ca, giảm rõ so với 71.418 ca của ngày trước đó. Đặc biệt, Italy, Pháp có số ca tử vong theo ngày thấp nhất trong tuần.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 5h30 sáng 7/4 (theo giờ Hà Nội), trên thế giới có 1.341.662 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 74.522  trường hợp tử vong. Như vậy, thế giới có thêm 68.761 người nhiễm mới và 5.095 người tử vong so với 24h trước.

Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh trên toàn cầu là 278.168  người. Trên thế giới có 47.506 bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nặng và nguy kịch, chiếm 5% tổng số bệnh nhân đang được điều trị.

Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19  với 364.059 ca, tiếp đến là Tây Ban Nha với  136.675 ca, Italy với  132.547 ca, Đức ghi nhận 102.903 ca và Pháp là 98.010 ca trong khi Trung Quốc hiện ghi nhận 81.708  ca. Tiếp theo là Iran, Anh, Thổ nhĩ Kỳ và Thụy Sỹ.

Ba nước có số ca tử vong cao nhất thế giới theo lần lượt là Italy với 16.523 ca, Tây Ban Nha với 13.341 ca; Mỹ ghi nhận 10.792 ca.

Đặc biệt tại Mỹ, số ca tử vong tại thành phố New York trong 24h qua lần đầu tiên đã giảm từ khi dịch bùng phát đến nay, với 594 ca được ghi nhận, ít hơn 36 ca so với ngày hôm trước. 

Italy cũng ghi nhận số ca tử vong thấp nhất trong 2 tuần qua và số lượng bệnh nhân cần điều trị tích cực tiếp tục giảm ngày thứ hai liên tiếp. Tương tự, Pháp ghi nhận số ca tử vong trong 24 giờ qua ở mức tăng trong ngày thấp nhất trong tuần qua. Còn Iran ghi nhận là ngày thứ 6 liên tiếp có số ca mới mắc COVID-19 giảm.

Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 tại Nga lại tăng cao kỷ lục trong một ngày. Theo thông báo ngày 6/4 của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Nga trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 954 ca mắc bệnh tại 49 tỉnh thành trên cả nước. Đây là mức tăng kỷ lục ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày tại nước này. 

*Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam

Cập nhật đến 6h00 ngày 7/4, Việt Nam không có thêm ca mắc mới. Đây là 3 buổi sáng liên tiếp không có ca mắc mới COVID-19 nào được ghi nhận. Hiện Việt Nam đang có: 245 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:

• 16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).

• 79 bệnh nhân (BN17, BN18, BN19, BN22, BN23, BN 24, BN25, BN27,BN29, BN32, BN33, BN34, BN35, BN37, BN38, BN39, BN40, BN41, BN42, BN43, BN45, BN46, BN47, BN 48, BN 49, BN51, BN53, BN 54, BN55, BN56, BN57,  BN58, BN59, BN60, BN61, BN62, BN63, BN64 , BN66, BN67, BN68, BN69, BN70, BN71, BN73, BN75, BN76, BN77, BN78, BN79,BN80, BN81, BN82, BN83, BN85, BN88, BN89, BN90, BN93, BN99, BN100, BN107, BN110, BN112, BN113, BN117, BN118, BN121, BN122, BN129, BN130, BN 131, BN132, BN138, BN140, BN154, BN179, BN187, BN198) mắc COVID-19, tính từ ngày 06/3 đến 05/4 được chữa khỏi (giai đoạn 2).

• Tổng số bình phục:         95 trường hợp

• Trong số 245 trường hợp mắc COVID-19 có 153 người từ nước ngoài chiếm 62,4%; 92 người lây nhiễm thứ phát, trong đó 62 người thuộc ổ dịch nội địa.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia, Việt Nam đã ghi nhận 95/245 trường hợp đã khỏi bệnh. 4 bệnh nhân nặng đang có tiến triển tốt lên; 58 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 lần trở lên (bao gồm 24 trường hợp âm tính từ 2 lần).

Thống kê trong số 150 trường hợp đang điều trị cho thấy độ tuổi của các bệnh nhân trung bình là 34 tuổi; 40% là nam, 60% là nữ. Về quốc tịch có 123 bệnh nhân Việt Nam và 27 bệnh nhân nước ngoài, nhiều nhất là Anh (11), Brazil (6), Pháp (3). Chỉ 14 bệnh nhân có bệnh nền, trong đó tăng huyết áp là 7, ung thư là 3, còn lại là các bệnh khác.

Liên quan đến chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, đã thực hiện 8.683 xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 8.652 mẫu âm tính, 22 mẫu dương tính đã công bố chủ yếu từ Công ty Trường Sinh.  

Liên quan đến chùm ca bệnh tại quán Bar Buddha, đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm 4.397 người, trong đó có 18 trường hợp dương tính. Liên quan đến bệnh nhân số 237 (người Thụy Điển), đã thực hiện rà soát, cách ly 455 trường hợp; lấy mẫu và xét nghiệm 101 nhân viên y tế có tiếp xúc với bệnh nhân (trong đó có 45 nhân viên y tế của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương). Kết quả xét nghiệm cho thấy toàn bộ 101 mẫu xét nghiệm đối với nhân viên y tế đều có kết quả âm tính (lần 1).

* Chiều 6/4, tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét, trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới có ít hơn và cùng với đó, số ca được công bố khỏi bệnh ngày càng nhiều hơn.

Nhấn mạnh đến yêu cầu không được chủ quan, "say sưa với chiến thắng bước đầu", Thủ tướng nêu rõ, dịch bệnh vẫn trong giai đoạn nguy hiểm và có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt với sự bùng phát ở giai đoạn 2 của dịch bệnh.

Do đó, để bảo tồn những kết quả đã đạt được, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đều thống nhất phải tiếp tục thực hiện nghiêm hơn nữa Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội.

 

 

 

Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trong ngày 6/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Tính đến ngày 6/4, Việt Nam đã trải qua 1 tháng kể từ giai đoạn II. Nếu kể từ ngày phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên là đã qua 2,5 tháng. Thời điểm đó, Việt Nam là một trong số vài nước bị lây nhiễm.

Việt Nam là 1 trong 3 nước có trên 200 ca nhiễm bệnh mà chưa có người tử vong. Có thể khẳng định tới giờ phút này, Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch bệnh.

Thay mặt Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng trân trọng cảm ơn nhân dân đã chung sức, đồng lòng chống dịch cho dù phải chịu không ít bất tiện, thậm chí thiệt thòi về lợi ích kinh tế.

Hơn thế, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, từ những cụ già tới các em nhỏ đã có muôn vàn hành động rất đẹp, hết sức ý nghĩa để tiếp thêm sức mạnh vật chất và tinh thần cho cuộc chiến chống dịch.

Phó Thủ tướng khẳng định: Dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Phía trước vẫn còn rất nhiều gian khó và tiềm ẩn không ít rủi ro. Chúng ta quyết không được chủ quan, lơi lỏng. Nhưng nếu toàn dân đồng lòng, toàn dân chống dịch thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng.

*Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới

1. MỸ

Số liệu mới nhất của Đại học Johns Hopkins  ngày 6/4 cho biết, tổng số ca tử vong do dịch bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 ở Mỹ đã vượt ngưỡng 10.000 người.

Số ca tử vong ở Mỹ đang tiếp tục tăng cao. Chỉ trong 1 tuần qua, số ca tử vong ở nước này đã tăng bình quân từ 500 ca lên hơn 1.000 ca/ngày.

Hiện nay, Mỹ có số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 cao nhất thế giới và là một trong những quốc gia ghi nhận nhiều bệnh nhân tử vong nhất, cùng với Tây Ban Nha và Italy. Tình trạng này dự kiến sẽ còn trở nên tồi tệ hơn. Nhà Trắng hôm 31/3 đã dự báo, số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Mỹ có thể lên tới khoảng từ 100.000 đến 240.000 người.

Trong khi đó, một nhân viên điều tra Mỹ xác nhận, 1 trẻ sơ sinh 1 ngày tuổi đã tử vong do virus SARS-CoV-2 tại Giáo xứ East Baton Rouge, bang Louisiana. Trước đó, một  số bang của Mỹ cũng đã xác nhận các ca tử vong là trẻ sơ sinh khác do virus SARS-CoV-2, trong đó có bang Connecticut ghi nhận trường hợp tử vong của 1 trẻ 6 tuần tuổi và bang Illinois cũng có một ca tử vong là trẻ sơ sinh vào cuối tháng 3.

Bang Louisiana hiện cũng phải đối mặt với số ca mắc COVID-19 và tử vong do virus SARS-CoV-2 ngày càng tăng. Bộ Y tế tiểu bang này ngày 5/4 đã xác nhận 13.010 ca mắc COVID-19, trong đó có 477 trường hợp tử vong.

Tại tâm dịch của Mỹ là bang New York, Thống đốc Andrew Cuomo ngày 6/4 đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa tới gần hết tháng 4.

Phát biểu trước báo giới, ông Cuomo cho biết, số người tử vong ở New York trong 24h qua là 599 người, chỉ tăng 5 ca so với ngày trước đó, và đây là ngày thứ hai số ca tử vong ở tiểu bang này không tăng.

Tuy nhiên, Thống đốc Cuomo cũng cảnh báo, tiểu bang vẫn đang ở trong tình trạng khẩn cấp, và chưa thể dự báo chính xác về thời gian của đỉnh dịch, đồng thời kêu gọi người dân New York tuân thủ quy định giãn cách xã hội dù thời tiết ấm lên khiến nhiều người muốn được ra đường. 

Tổng số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở tiểu bang New York tính đến ngày 6/4 là 4.758 người, tổng số bệnh nhân là 130.689 người, trong đó riêng thành phố New York đã có 72.181 trường hợp mắc COVID-19 với 2.475 ca tử vong.

Cũng theo Thống đốc Cuomo, mặc dù số người nhập viện vẫn tăng, song tỷ lệ gia tăng bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện trong 3 ngày qua đã có dấu hiệu giảm xuống. Một tín hiệu tích cực nữa là New York hiện nay đã dự trữ đủ máy thở và trước mắt chưa cần bổ sung thêm.

Video 1: Mỹ và Châu Âu nỗ lực vượt qua khủng hoảng dịch bệnh COVID-19. Nguồn: VNews/TTXVN

2. TÂY BAN NHA

Theo Bộ Y tế Tây Ban Nha, trong 24 giờ qua, số ca tử vong tại nước này đã tăng thêm 700 ca nâng tổng số ca mắc lên136.675 ca. Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 mới 5.029 ca. 

Dù Tây Ban Nha có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Italy, song số ca tử vong tại nước này đang có xu hướng giảm dần kể từ khi lên mức đỉnh là 950 ca vào ngày 2/4 vừa qua. 

Chính phủ Tây Ban Nha cho biết đang lên kế hoạch xét nghiệm trên diện rộng, bao gồm cả những người không có triệu chứng mắc COVID-19, trong bước đi đầu tiên nhằm nới lỏng dần lệnh phong tỏa. 

Cho đến nay, Tây Ban Nha mới chỉ xét nghiệm cho những người đã nhiễm hoặc nghi nhiễm virus SARS-CoV-2. Việc xét nghiệm trên quy mô lớn sẽ giúp xác định được những người mang mầm bệnh nhưng lại chưa có triệu chứng. Các công ty Tây Ban Nha đã sản xuất 240.000 bộ  xét nghiệm/tuần và đang nỗ lực tăng công suất, trong khi các thiết bị đang được đặt mua từ nước ngoài. 

Tây Ban Nha đã triển khai biện pháp phong tỏa kể từ ngày 14/3 và sẽ kéo dài cho đến ngày 26/4 tới.

3. ITALY

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 6/4 đã xác nhận thêm 3.599 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và đây là số ca bệnh mới thấp nhất kể từ ngày 17/3, qua đó làm dấy lên những hy vọng về việc đại dịch COVID-19 ở quốc gia Nam Âu này sẽ giảm nhẹ nhờ lệnh phong tỏa trên quy mô toàn quốc được thực thi từ ngày 9/3.

Cơ quan trên cũng ghi nhận Cơ quan trên cũng ghi nhận thêm 636 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Italy, cao hơn so với 525 trường hợp được thống kê trong ngày 5/4, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 thiệt mạng lên 16.523 người - mức cao nhất trên thế giới.

Tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 ở Italy hiện là 132.547 người, trong đó có 22.837 bệnh nhân đã hồi phục.

Chính phủ Italy đã thông qua gói thanh khoản trị giá 750 tỷ euro nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trước tình trạng khẩn cấp của đại dịch COVID-19, trong đó huy động 200 tỷ euro để hỗ trợ các doanh nghiệp và 200 tỷ euro để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu.

Trước đó, Chính phủ Italy ngày 17/3 đã công bố sắc lệnh Cura Italia, với gói cứu trợ trị giá 25 tỷ euro nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình trước những tác động của đại dịch COVID-19. 

4. ĐỨC

Theo trang worldometers.info, tính đến 5h30 sáng 7/4 (theo giờ Hà Nội), số bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Đức là 103.374 người, số tử vong là 1.810 trường hợp.

Đức đã lên danh sách một loạt biện pháp, trong đó có việc đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng, hạn chế tụ tập và truy tìm nhanh chóng chuỗi lây bệnh, nhằm giúp người dân trở lại cuộc sống bình thường sau khi thực hiện lệnh phong tỏa do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 dự kiến kết thúc vào ngày 19/4.

5. PHÁP

Bộ Y tế Pháp ngày 6/4 công bố số liệu cho thấy, số bệnh nhân tử vong do COVID-19 ở nước này đã tăng thêm 833 ca trong 24 giờ qua. 

Như vậy, kể từ đầu tháng 3, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 8.911 người, gồm 6.494 ca tử vong trong các bệnh viện và 2.417 ca tử vong tại các nhà dưỡng lão.

Số bệnh nhân mắc COVID-19 ở Pháp được xác nhận qua xét nghiệm lên đến 98.010 trường hợp, trong đó có 29.752 người phải nhập viện, tăng 831 ca so với ngày 5/4. Số bệnh nhân nặng được chăm sóc đặc biệt là 7.072 trường hợp, tăng 478 người; 17.250 người đã khỏi bệnh và ra viện, tăng 1.000 người.

Bên cạnh đó, Pháp đã triển khai đợt xét nghiệm trên quy mô lớn đối với các đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Đó là những người cao tuổi, người tàn tật, điều dưỡng viên và nhân viên y tế tại các nhà dưỡng lão. 

Chính phủ Pháp cũng kêu gọi người dân tiếp tục tuân thủ quy định hạn chế đi lại, trong khi cho phép cảnh sát siết chặt hơn các biện pháp trừng phạt đối với những trường hợp cố tình vi phạm.

6. TRUNG QUỐC

Trung Quốc đang đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát biên giới, trong đó có dọc tuyến biên giới trên bộ, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ nước ngoài.

Theo đó, các cửa khẩu biên giới sẽ tiếp tục đóng cửa, trong khi lực lượng biên phòng sẽ tăng cường tuần tra và giám sát các phương tiện qua lại biên giới. 

Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc (SOE) đang nhanh chóng đẩy mạnh tốc độ sản xuất vải không dệt có lớp lọc khuẩn, nguyên liệu chính để sản xuất khẩu trang y tế, trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước Trung Quốc (SASAC), 20 dây chuyền sản xuất mới vải không dệt có lớp lọc khuẩn do PetroChina, Sinopec và các doanh nghiệp nhà nước khác thiết lập đã đạt công suất tối đa trong tháng 4/2020, với sản lượng trung bình dự kiến đạt 70 tấn/ngày.

7. IRAN

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Iran đang diễn biến theo chiều hướng khả quan khi liên tiếp nhiều ngày qua ghi nhận số ca nhiễm mới giảm. Tuy nhiên, giới chức và các chuyên gia y tế nước này vẫn cảnh báo bệnh dịch chưa hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát.

Theo số liệu báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Iran vừa công bố, ngày 6/4 là ngày thứ 6 liên tiếp Iran ghi nhận số ca nhiễm mới giảm sau ngày 31/3 - thời điểm nước này ghi nhận số ca nhiễm mới lên con số kỷ lục 3.111 ca.  

Cụ thể, trong 24 giờ qua, quốc gia vùng Vịnh này ghi nhận thêm     ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và      ca tử vong. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca nhiễm ở Iran đã lên tới    ca và tổng số ca tử vong do COVID-19 là      ca.

Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã đồng ý với đề xuất của chính phủ nước này nhằm rút 1,08 tỷ USD từ quỹ đầu tư quốc gia để đối phó với dịch COVID-19. Số tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ Bộ Y tế Iran mua sắm các trang bị y tế thiết yếu, đồng thời củng cố hệ thống an sinh xã hội quốc gia trong bối cảnh số đơn xin trợ cấp thất nghiệp gia tăng do tác động của dịch COVID-19.

Hiện Iran cũng là quốc gia Trung Đông bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19. 

8. ANH

Theo phóng viên TTXVN tại London, Chính phủ Anh ngày 6/4 thừa nhận không có mẫu nào trong hơn 17 triệu 500 nghìn bộ kit xét nghiệm kháng thể đối với bệnh COVID-19 mà nước này đặt hàng đạt đủ độ chính xác cần thiết để áp dụng đại trà.

Sự thất bại của chương trình này có thể xem là một trở ngại đáng kể trong nỗ lực của nước Anh nhằm triển khai kế hoạch xét nghiệm đại trà trong dân chúng từ nay đến cuối tháng 4, với mục tiêu khoảng 100.000 mẫu/ngày. 

Trong ngày 6/4, Anh ghi nhận 439 ca tử vong liên quan đến COVID-19, giảm mạnh so với con số 621 ca tử vong được ghi nhận trong ngày 5/4 trước đó. Đây cũng là mức tử vong thấp nhất được ghi nhận tại Anh trong một ngày trong vòng gần một tuần qua.

Video 2: Thủ tướng Anh nhập viện vì COVID-19. Nguồn: VNEWS/TTXVN

Thủ tướng Anh Boris Johnson đang được điều trị đặc biệt tại bệnh viện sau khi căn bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra đối với nhà lãnh đạo này diễn biến xấu đi.

Thủ tướng Anh đã yêu cầu Ngoại trưởng Dominic Raab, người giữ cương vị Bộ trưởng đứng đầu nội các, thay ông xử lý công việc trong những trường hợp cần thiết.

9. THỔ NHĨ KỲ

Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca ngày 6/4 cho biết, quốc gia này đã ghi nhận thêm 3.148 trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 30.217 người. 

Bên cạnh đó, số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 cũng đã tăng lên thành 649 người, sau khi có thêm 75 bệnh nhân tử thiệt mạng trong ngày. Thành phố Istanbul chiếm hơn một nửa số ca mắc COVID-19 được xác nhận ở nước này.

Theo Bộ trưởng Koca, trong vòng 24 giờ qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã xét nghiệm 21.400 trường hợp nhằm sàng lọc các nguy cơ mắc COVID-19.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xây dựng thêm 2 bệnh viện mới với tổng cộng 2.000 giường bệnh tại thành phố Istanbul để điều trị các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.

10. THỤY SỸ

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 5h30 sáng 7/4 (theo giờ Hà Nội), Thụy Sỹ ghi nhận 21.657 ca mắc COVID-19 và 765 ca tử vong, tăng lần lượt 557 ca mắc mới và 50 ca tử vong so với 24 giờ qua.

*Diễn biến dịch COVID-19 tại một số nước khác trên thế giới

CHÂU ÂU

Theo số liệu chính thức của hãng tin Pháp AFP, cập nhật 17h ngày 6/4 (giờ Việt Nam), số ca tử vong do dịch COVID-19 tại châu Âu đã vượt ngưỡng 50.000 người, trong đó phần lớn đều tại các nước Italy, Tây Ban Nha, Pháp và Anh. 

Với tổng số 50.209 ca tử vong trong tổng số 675.580 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, châu Âu là lục địa bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Nga, trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao kỷ lục với 954 người tại 49 tỉnh thành trên cả nước.

Đây là mức tăng kỷ lục ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày tại Nga, nâng tổng số ca mắc bệnh tại 80 tỉnh thành của nước này lên 6.343 ca. Gần 85% bệnh nhân là những người dưới 65 tuổi.

Thủ đô Moskva vẫn là khu vực ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất trên cả nước trong một ngày với 591, nâng tổng số ca bệnh tại đây lên 4.484. 

Nhiều khu vực khác ghi nhận số ca mắc mới cao trong 24 giờ qua như tỉnh Moskva với 82 ca; thành phố St. Petersburg với 35 ca; Cộng hòa Komi với 31 ca; Cộng hòa Tararstan với 16 ca.

Tuy nhiên, một tín hiệu khả quan đã đến từ Na Uy khi Chính phủ nước này khẳng định đã kiểm soát được dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở quốc gia Bắc Âu này.

Theo Chính phủ Na Uy, tỷ lệ lây truyền virus SARS-CoV-2, con số người nhiễm bệnh mới trên mỗi bệnh nhân, đã giảm xuống mức 0,7 - thấp hơn so với tỷ lệ 2,5 khi các biện pháp ngăn chặn như đóng cửa các địa điểm công cộng, cấm các sự kiện thể thao và văn hóa được triển khai hồi giữa tháng 3.

CHÂU PHI 

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC), số ca tử vong do COVID-19 tại châu lục này đã lên tới 414 ca trong khi số ca mắc bệnh lên tới 9.178 ca, trong đó có khoảng 813 ca phục hồi. Hiện dịch COVID-19 đang lan rộng trên toàn 51 nước châu Phi. 

CHÂU Á

-Nhật Bản: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 1 tháng với 7 tỉnh thành là Tokyo, Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo và Fukuoka. 

Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định chi một gói cứu trợ kinh tế khẩn cấp quy mô lớn lên tới 108 nghìn tỷ Yen (tương đương 1.000 tỷ USD), chiếm khoảng 20% tổng GDP để thực hiện các biện pháp kinh tế tổng hợp nhằm đối phó với dịch bệnh cũng như hỗ trợ nền kinh tế Nhật Bản vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay

-Malaysia: Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 10 tỷ ringgit (khoảng 2,3 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước này, nhằm giảm nhẹ tác động của Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) được áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Trước đó, hôm 27/3, Thủ tướng Muhyiddin đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 250 tỷ ringgit, sau khi thông báo áp dụng MCO mà ban đầu có hiệu lực từ ngày 18 đến ngày 31/3 nhưng sau đó đã được kéo dài cho đến hết ngày 14/4. 

Malaysia đang nỗ lực tiến hành các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan rộng trong cộng đồng. Tính đến 5.30 sáng 7/4, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 3.793  trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 62 ca tử vong./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục