Dịch COVID-19: Thế giới Di động đa dạng hóa kinh doanh để ứng phó với dịch

12:15' - 09/04/2020
BNEWS Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, MWG đã đưa ra một số cập nhật và biện pháp để đối phó với dịch bệnh.

 

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), dịch bệnh COVID-19 đang có những ảnh hưởng cả tiêu cực lẫn tích cực đến các mảng kinh doanh của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG). Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, MWG cũng đưa ra một loạt các giải pháp ứng phó.

Theo kết quả kinh doanh sơ bộ tháng 3/2020 của MWG, doanh thu của doanh nghiệp này ước tính đạt 8.500 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, có khoảng từ 1.800 - 1.900 tỷ đồng ở mảng bách hóa và khoảng từ 6.600 - 6.700 tỷ đồng đến từ mảng sản phẩm ICT (công nghệ thông tin và truyền thông).

Doanh thu bán hàng online chiếm 10% tổng doanh thu, tăng 52% so với tháng 2, đạt 859 tỷ đồng, nhưng lại giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do trong tháng 3/2019, công ty thực hiện chính sách giá kép, giá bán online rẻ hơn so với các sản phẩm tương tự được bán tại cửa hàng nên doanh thu đạt cao.

Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, vận hành các chuỗi bán lẻ thegioididong.com, Điện máy xanh, Bách hoá xanh. Ngoài ra, MWG còn mở rộng ra thị trường nước ngoài với chuỗi bán lẻ thiết bị di động Bigphone tại Campuchia.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, MWG không cung cấp kế hoạch điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh năm 2020, thay vào đó công ty đưa ra một số cập nhật và biện pháp để đối phó với dịch bệnh.

Theo SSI, thời điểm dịch COVID-19, 10% cửa hàng bán các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông - ICT (khoảng 200 cửa hàng Thế giới di động và Điện máy xanh) bị đóng cửa tạm thời đến khi có thông báo tiếp theo.

Để ứng phó với tình hình này, công ty này sẽ tiếp tục áp dụng chính sách giá bằng nhau cho các đơn hàng online và offline; chuyển đổi và mở mới cửa hàng bị hoãn lại cho đến khi dịch được kiểm soát.

Mặc dù tiêu dùng hộ gia đình đã chuyển hướng sang các mặt hàng cần thiết, một số sản phẩm ICT ghi nhận mức tăng trưởng nhu cầu mạnh mẽ trong thời gian dịch bệnh bùng phát là: máy tính xách tay và máy tính bảng cho mục đích làm việc tại nhà và học online.

Theo đó, doanh thu tháng đối với máy tính xách tay tăng 200% so với mức thông thường, trong tháng 1 và tháng 2/2020 tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm tủ lạnh để dự trữ thực phẩm, sản phẩm gia dụng để nấu ăn tại nhà thay vì ăn ngoài và các thiết bị điện tử để giải trí tại nhà (thiết bị âm thanh, karaoke). Sản lượng tiêu thụ máy tính xách tay hoàn thành 40% kế hoạch cả năm 2020.

MWG đặt mục tiêu chiếm 50% thị phần điện thoại di động và 45% điện máy đến cuối năm 2020 (so với tỷ lệ lần lượt là 48% và 38% trong năm 2019).

Công ty cũng lưu ý rằng, dù nhu cầu các sản phẩm ICT không thiết yếu có thể sẽ giảm, nhưng số lượng nhà bán lẻ cạnh tranh rời bỏ thị trường ước tính nhiều hơn, tạo cơ hội cho MWG giành thêm thị phần. Tuy nhiên, công ty sẽ không tiến hành bất kỳ hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) nào trong năm 2020 bởi việc duy trì dòng tiền mạnh vẫn quan trọng hơn nhiều.

MWG đã tập trung vào việc cắt giảm chi phí bằng cách áp dụng các biện pháp khắc phục như đàm phán với nhà cung cấp để hoãn thời gian giao hàng, hủy một phần đơn hàng và kéo dài thời gian thanh toán. Điều này giúp tránh số ngày tồn kho dài. Bên cạnh đó, MWG đã đàm phán thành công từ 20 - 40% chủ nhà trong việc giảm 50% chi phí thuê mặt bằng, hoặc miễn chi phí thuê mặt bằng trong thời gian các cửa hàng đóng cửa.

Cùng với đó, công ty cũng thực hiện cắt giảm chi phí quảng cáo và khuyến mãi vì chi phí này là không cần thiết trong thời điểm hiện tại khi tiêu dùng hộ gia đình đang được chuyển hướng sang các sản phẩm thiết yếu mà không bị ảnh hưởng bởi các chương trình quảng cáo và khuyến mãi.

Bên cạnh đó, nguồn nhân sự, nguồn lực trung tâm phân phối và nguồn lực logistics của mảng ICT sẽ được công ty huy động để hỗ trợ cho mảng bách hóa có hiệu suất hoạt động cao. MWG đã điều chỉnh lương nhân viên theo doanh thu thực tế tại các cửa hàng để tránh chi phí cố định cao.

Công ty đã và đang đàm phát với các ngân hàng để giảm lãi suất và gia hạn thời gian đáo hạn cho khoản nợ mới, đồng thời chuyển đổi một số khoản nợ ngắn hạn thành dài hạn để giảm áp lực lên dòng tiền.

Theo SSI, dịch bệnh COVID-19 có ảnh hưởng tích cực đối với mảng bách hóa. Trong thời gian dịch bệnh, các cửa hàng bách hóa không bắt buộc đóng cửa và trở thành một phần thiết yếu của các khu phố trong cả nước. Điều này giúp lợi nhuận mảng bách hóa tăng lên.

Trong tháng 3/2020, Bách hóa xanh đã có 17 triệu hóa đơn, tăng 5 triệu hóa đơn so với tháng 2/2020; lưu lượng khách hàng tại các cửa hàng từ 600 - 800 người mua sắm hàng ngày, tăng từ 100-300.

Tổng doanh thu mảng này đạt từ 1.800 - 1.900 tỷ đồng, tăng 2,4 - 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tương ứng doanh thu/tháng/cửa hàng đạt 1,53-1,62 tỷ đồng, mức cao kỷ lục cho đến nay.

Không giống như mảng ICT, mảng bách hóa sẽ mở mới cửa hàng như kế hoạch ban đầu. Đến cuối năm 2020, dự kiến có 700 - 1.000 cửa hàng mới sẽ được mở. Số lượng cửa hàng Bách hóa xanh tại thời điểm hiện tại đã đạt 1.174 cửa hàng (166 cửa hàng mới tính từ đầu năm, vượt kế hoạch đề ra).

Khi nhu cầu giao hàng đến nhà tăng lên và lưu lượng khách hàng tại cửa hàng cao trong thời gian dịch bệnh, MWG có kế hoạch ra mắt dịch vụ “đi chợ thay cho khách hàng” trong tháng 4 để gia tăng doanh thu. Khi khách hàng đặt hàng trên ứng dụng, đơn hàng sẽ được phân bổ cho cửa hàng Bách hóa xanh gần nhất và nhân viên phụ trách sẽ mua sản phẩm và sắp xếp giao hàng.

Theo SSI, tại Tp. Hồ Chí Minh có các đối thủ cạnh tranh khác cũng cung cấp dịch vụ tương tự “đi chợ thay cho khách hàng” bao gồm: GrabMart, Bee và Now. Mặc dù MWG ra mắt dịch vụ này muộn hơn các đối thủ cạnh tranh, nhưng yếu tố cạnh tranh có thể không đáng kể vì toàn ngành đang có nhu cầu gia tăng đối với loại hình dịch vụ này trong thời gian dịch bệnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục