Dịch COVID-19: Thủ tướng Malaysia tự cách ly

20:04' - 05/10/2020
BNEWS Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin ngày 5/10 thông báo sẽ tự cách ly trong vòng 14 ngày sau khi tiếp xúc với Bộ trưởng Các vấn đề tôn giáo Zulkifli Mohamad Al-Bakri bị mắc COVID-19.

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin ngày 5/10 thông báo ông sẽ phải tự cách ly trong vòng 14 ngày sau khi Bộ trưởng Các vấn đề tôn giáo Zulkifli Mohamad Al-Bakri, tham dự cuộc họp chính phủ cấp cao để thảo luận tình hình dịch viêm đường hô hấp COVID-19, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Muhyiddin Yassin cho biết sẽ tự cách ly ở nhà như khuyến cáo của Bộ Y tế. Tuy nhiên, việc này sẽ không ảnh hưởng tới công việc điều hành chính phủ, do ông sẽ tiếp tục làm việc ở nhà và họp trực tuyến trong trường hợp cần thiết.

Trước đó, Bộ trưởng Zulkifli xác nhận ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV và đang được chữa trị.

Tuần trước, số ca mắc COVID-19 tại Malaysia đã tăng cao trở lại, liên tục ở mức cao nhất trong 1 ngày, sau cuộc bầu cử ở bang Sabah vào ngày 26/9. Nhà chức trách Malaysia cảnh báo có thể tái áp đặt các biện pháp hạn chế nếu số ca mắc tiếp tục tăng.

Trong 24 giờ qua, Malaysia đã ghi nhận thêm 432 ca mắc COVID-19. Đây là ngày có số ca nhiễm cao nhất tại quốc gia Đông Nam Á này.

* Cùng ngày, Philippines đã mở cửa trở lại các trường học công, sau khi hơn 22 triệu học sinh phải học trực tuyến nhằm khống chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Như vậy, Philippines là nước cuối cùng trong khu vực Đông Nam Á mở cửa trở lại trường học.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Giáo dục Leonor Briones khẳng định chính phủ nước này "sẽ không cho phép COVID-19 hủy hoại giáo dục và tương lai của trẻ nhỏ". Ban đầu, quốc gia Đông Nam Á này dự kiến nối lại hoạt động dạy, học vào ngày 1/6 song đã phải hoãn lại kế hoạch này.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Rodrigo Duterte đã hoan nghênh quyết định của Bộ Giáo dục về việc mở cửa trở lại trường học.

Trong khi đó, kết quả thăm dò độc lập mới được công bố cùng ngày, cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ở mức cao kỷ lục bất chấp dịch COVID-19 khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề và 9 triệu người thất nghiệp. 

Theo kết quả khảo sát do Pulse Asia tiến hành tháng trước đối với 1.200 người trưởng thành ở Philippines, có tới 91% số người được hỏi đánh giá cao khả năng lãnh đạo và tính cách của Tổng thống Duterte, tăng mạnh so với mức 87% và 83% trong tháng 12.

Thông tin trên được xem là động thái tích cực với Tổng thống Duterte - người đang nỗ lực đẩy mạnh cuộc chiến chống COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này.

Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm tại Philippines đã tăng thêm 2.291 lên 324.726 người, trong khi số người tử vong tăng 64 lên 5.840 trường hợp. Vùng thủ đô Manila vẫn là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho biết trong tuần qua, trung bình số ca nhiễm ở nước này là 2.400, thấp hơn so với mức hơn 3.000 trường hợp trước khi tái áp đặt biện pháp phong tỏa kéo dài 2 tuần ở tâm dịch vùng thủ đô Manila và các tỉnh lân cận.

* Cũng trong 24 giờ qua, Indonesia đã ghi nhận thêm 3.622 ca mắc COVID-19 và 102 người tử vong, đưa tổng số trường hợp mắc và tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này lên lần lượt là 307.120 và 11.253.

* Trong khi đó, dù đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, tuy nhiên giới chức Singapore ngày 5/10 cho biết nước này sẽ không hạ cảnh báo ở mức Cam hiện nay cho tới khi thế giới an toàn trước đại dịch COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong cho rằng mức độ cảnh báo không chỉ phụ thuộc vào số ca lây nhiễm.

Dù số ca nhiễm mới tại Singapore đã giảm nhưng tình hình lây nhiễm tại một số khu vực trên thế giới lại gia tăng. Vì thế, Singapore không thể mất cảnh giác, cần duy trì mức cảnh báo Cam cho tới khi tình hình dịch bệnh trên toàn cầu trong tầm kiểm soát.

Singapore đã nâng cảnh báo dịch bệnh lên mức Cam từ ngày 7/2. Cảnh báo Cam là mức nguy hiểm thứ 3 trong thang cảnh báo 4 cấp độ (Xanh-Vàng-Cam-Đỏ) tại Singapore khi dịch bệnh ở mức độ nghiêm trọng, dễ dàng lây từ người sang người, song không lan rộng và có thể kiểm soát được.

Mức cảnh báo này sẽ gây ra nhiều gián đoạn tới cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn như các biện pháp giãn cách xã hội, đo thân nhiệt, cách ly bắt buộc và hạn chế người thăm tại các bệnh viện.

Số ca lây nhiễm mới tại Singapore trong hai tuần qua đã có xu hướng giảm ở mức ổn định. Ngày 5/10, Singapore  chỉ ghi nhận 7 ca lây nhiễm mới.

Tính đến nay, tổng số ca nhiễm tại Singapore là 57.819, trong đó có 27 trường hợp tử vong.

Hầu hết các ca lây nhiễm tại Singapore đã hồi phục và xuất viện, hiện chỉ còn 43 ca đang nằm viện và 167 ca đang phục hồi sức khoẻ tại các cơ sở cách ly.

Dù duy trì cảnh giác nhưng Singapore dự kiến sẽ nới lỏng một số biện pháp kiểm soát, trong đó có việc hạn chế tụ tập theo nhóm không quá 5 người, các sự kiện tập trung như hội họp, hội thảo... không quá 50 người.

Hiện Chính phủ Singapore đang thực hiện cách tiếp cận cẩn trọng hướng tới mở cửa nền kinh tế giai đoạn 3, và sẽ sớm công bố kế hoạch cụ thể trong những tuần tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục