Dịch COVID-19: Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam

16:22' - 11/03/2020
BNEWS Tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam đều phải khai báo y tế bắt buộc; nếu khai báo không trung thực sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Sáng 11/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

* Khuyến nghị đeo khẩu trang trên các chuyến bay

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất việc thực hiện nghiêm khai báo y tế bắt buộc với những người nhập cảnh vào Việt Nam.

Theo đó, tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, kể cả người Việt Nam và người nước ngoài đều phải khai báo y tế bắt buộc; nếu khai báo không trung thực sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, để ngăn chặn dịch bệnh từ đường hàng không, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, dự lệnh từ 6 giờ ngày 13/3, các hành khách trên các chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam bắt buộc đeo khẩu trang trong suốt chuyến bay và khi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Đối với các chuyến bay của các hãng nước ngoài đến Việt Nam, ngành Hàng không khuyến nghị mạnh mẽ hành khách, phi hành đoàn… đeo khẩu trang trên chuyến bay; đồng thời bắt buộc tuân thủ quy định đeo khẩu trang khi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam.

“Trước khi nhập cảnh, ngành Hàng không Việt Nam sẽ phát khẩu trang miễn phí cho hành khách, đề nghị hành khách tuân thủ việc đeo khẩu trang và các hướng dẫn của ngành theo quy định”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tương tự, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khuyến cáo các hành khách đi trên các phương tiện giao thông công cộng cần nâng cao ý thức, thực hiện những khuyến cáo của Bộ Y tế; đồng thời khuyến nghị cụ thể với người điều khiển các phương tiện công cộng như xe bus, taxi, tàu hỏa… đeo khẩu trang, yêu cầu hành khách đeo khẩu trang khi lên xe và thực hiện các biện pháp phòng dịch khác.

Về việc quản lý hành khách quá cảnh tại Việt Nam, ngành hàng không bố trí khu vực riêng cho hành khách nghỉ ngơi, mua bán…

Trong thời gian chờ bay, không khuyến khích khách nhập cảnh Việt Nam; hành khách thuộc diện nghi ngờ không được nhập cảnh vào Việt Nam. Các trường hợp còn lại phải khai báo y tế bắt buộc nếu muốn nhập cảnh vào Việt Nam.

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp, lây lan nhanh và trên diện rộng của dịch COVID-19 trên toàn thế giới, để tăng cường phòng, chống, không để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng, Chính phủ Việt Nam quyết định tạm dừng thực hiện chính sách miễn thị thực đơn phương đối với công dân các nước: Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha, áp dụng từ 0 giờ ngày 12/3/2020.

Việt Nam đã thông báo quyết định này cho các quốc gia nói trên và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước, các tổ chức, đối tác quốc tế trong việc phòng chống, kiểm soát dịch bệnh.

* Duy trì công tác cách ly

Nhấn mạnh việc duy trì và phát huy hiệu quả việc thực cách ly tập trung 14 ngày, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về việc giảm mật độ cách ly và tổ chức cách ly tại cộng đồng.

Theo đó, sau 3 ngày cách ly tập trung, xét nghiệm của các trường hợp nghi ngờ cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 có thể chuyển về cách ly tại địa phương.

Tại đây, dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan y tế và chính quyền địa phương, các trường hợp được cách ly sẽ lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo kiểm tra, giám sát, tập huấn thực hiện đúng hướng dẫn cách ly tại nhà.

Liên quan đến việc xử lý môi trường, Ban Chỉ đạo đề nghị, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về quy trình thực hiện diệt khuẩn, tiêu trùng, tẩy độc tại nơi có mật độ tiếp xúc với tay người cao như tay nắm cửa, nút thang máy… trong gia đình và khu vực có trường hợp mắc COVID-19; hướng dẫn diệt khuẩn đúng cách tại các địa điểm công cộng, điểm du lịch, trường học…; tránh lãng phí, thậm chí ảnh hưởng đến tâm lý của người dân.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho các địa phương, cơ sở y tế từ cấp cơ sở đến Trung ương trong việc sàng lọc, phân luồng khám chữa bệnh cho những trường hợp có dấu hiệu lâm sàng ho, sốt, cảm cúm…

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng phát biểu. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Thông tin về năng lực xét nghiệm của 22 phòng thí nghiệm Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, theo quy định xét nghiệm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tiến hành xét nghiệm sàng lọc khi phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2; sau đó ngay lập tức chuyển mẫu cho 1 trong 3 đơn vị của Bộ Y tế (Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh).

Khi có kết quả khẳng định, các đơn vị báo cáo Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế để công bố trường hợp mắc COVID-19.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 23/1/2020 đến 5/3/2020, Việt Nam ghi nhận 16 trường hợp mắc và đã điều trị khỏi bệnh.

Từ ngày 13/2/2020 đến ngày 5/3/2020, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới. Từ ngày 6/3/2020 đến 11/3/2020, Việt Nam ghi nhận thêm 19 trường hợp mắc mới, trong đó có 8 trường hợp người Việt Nam và 11 trường hợp người nước ngoài.

Tổng số có 24.782 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khoẻ, trong đó có 2.525 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 8.057 người cách ly tập trung tại các cơ sở khác và 14.200 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Đối với chuyến bay VN0054 từ London (Anh) về Việt Nam, chuyến bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 4 giờ 30 phút ngày 2/3/2020, trong đó có 201 hành khách (26 người Việt Nam và 175 người nước ngoài).

Khoang hạng C có 21 hành khách (3 người Việt, 18 người nước ngoài), 180 khách ở các khoang còn lại.

Đến ngày 11/3/2020, Việt Nam đã ghi nhận thêm 13 ca mắc COVID-19 trên cùng chuyến bay, trong đó, khoang hạng C có 2 ca người Việt Nam, 9 ca người nước ngoài; khoang phổ thông có 2 ca người nước ngoài.

Hiện đã có thông tin nơi ở, nơi lưu trú và lộ trình di chuyển của 200 hành khách, một trường hợp đang cập nhật thông tin.

Tính đến 9 giờ 45 phút ngày 11/3, thế giới ghi nhận 118.806 trường hợp mắc COVID-19 tại 106 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tại Trung Quốc có 80.769 trường hợp mắc tại 31/31 tỉnh, thành phố.

105 quốc gia và vùng lãnh thổ khác ngoài Trung Quốc ghi nhận 38.037 trường hợp. Một số nước có các trường hợp mắc bệnh cao như Hàn Quốc 7.755 ca, Iran 8.042 ca, Nhật Bản 1.277 ca, Italia 10.149 ca, Pháp 1.784, Tây Ban Nha 1.695 ca, Đức 1.565 ca…

Thế giới ghi nhận 4.287 ca tử vong, trong đó tại Trung Quốc đại lục 3.158 ca, Italia 631 ca, Iran 291 ca, Hàn Quốc 60 ca, Nhật Bản 17 ca (trong đó tàu Diamon Princess 7 ca), Tây Ban Nha 36 ca, Mỹ 30 ca, Pháp 33 ca, Đức 2, Hà Lan 4 ca, Thụy Sỹ 3 ca, Hồng Kông (Trung Quốc) 2 ca, Australia 3 ca, Canada 1 ca, Iraq 5 ca, Ai Cập 1 ca, Thái Lan 2 ca, San Marino 1 ca, Philippines 1 ca, Đài Loan (Trung Quốc) 1 ca, Argentina 1 ca, Panama 1 ca./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục