Dịch COVID-19: Tìm đường “thoát" khi giá xoài chạm đáy

18:02' - 16/04/2020
BNEWS Theo thông tin từ nhiều nhà vườn trồng xoài, từ trước đến giờ, chưa khi nào nông dân lại rơi vào cảnh lao đao khi giá xoài giảm sâu và lâu thế này.

Do ảnh hưởng chung của dịch bệnh COVID-19 khiến việc tiêu thụ trái cây chịu tác động khá lớn, xoài Đồng Tháp – một trong năm ngành hàng chủ lực của tỉnh cũng không thoát khỏi tình cảnh ảm đạm, “bí đầu ra”, mặc dù giá của loại trái cây này đã chạm đáy.

Để “cứu thua” phần nào cho loại đặc sản này, xoài Đồng Tháp đã được đẩy mạnh khâu chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng “thoát dịch”.

*Nông dân lao đao

Theo thông tin từ nhiều nhà vườn trồng xoài, từ trước đến giờ, chưa khi nào nông dân lại rơi vào cảnh lao đao khi giá xoài giảm sâu và lâu thế này. Dẫn chúng tôi đi thăm 8.000 m2 trồng xoài chu rải vụ, ông Nguyễn Văn Mách ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh thở dài cho biết, gia đình ông vừa bán hơn 3 tấn xoài, nhưng giá thì thấp không tưởng.

Cụ thể, giá xoài cát Chu chỉ 4.000 – 4.500 đồng/kg, trong khi đó, ở thời điểm dịch chưa bùng phát giá xoài cát Chu luôn ở ngưỡng 15.000 – 20.000 đồng/kg. Với giá này, nhà vườn coi như lỗ trắng tay, bởi theo tính toán, từ tiền phân thuốc, công bao trái, thu hoạch, giá bán phải từ 10.000 đồng trở lên thì nhà vườn mới có lãi.

Ông Mách cho biết thêm, xoài năm nay được mùa, màu đẹp, sản lượng đạt nhưng giá lại thấp. Nếu như mọi năm, sau Tết Nguyên đán là thời điểm thu hoạch xoài cao điểm với sản lượng lớn, giá giảm nhưng cũng ở mức 10.000 là cùng.

Mặt khác, thời gian giá “rơi” cũng không kéo dài. Năm nay lại khác, giá giảm sâu khó ngờ, đợi giá thì không được vì xoài chín cây tỷ lệ hao hụt càng lớn, càng khó tìm thương lái, người trồng càng lỗ nặng.

Tình cảnh bi đát này cũng tác động đến các hộ cá thể tham gia hợp tác xã tiêu thụ xoài, mặc dù giá bao tiêu đã cao hơn thị trường và đảm bao theo kế hoạch. Ông Nguyễn Văn Chì, Giám đốc Hợp tác xã Xoài Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh cho biết, mỗi ngày đơn vị thu mua khoảng 6 tấn xoài cát Chu cung cấp cho công ty.

Được ký kết hợp tác cao hơn thị trường tối thiểu là 1.000 đồng/kg, nên hợp tác xã cũng thu mua ở giá 5.000 - 5.500 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm 2019 từ 3.500 – 4.000 đồng/kg.

Sáng ngày 16/4, dạo quanh các cơ sở thu mua xoài các loại lớn nhỏ như Ara, Trung Chánh, Vũ Kháp, Tư Lễ, 8 Tiền, Vân… ở thành phố Cao Lãnh, hầu như đều chung một thông tin: ngưng thu mua xoài cát Chu các loại, chỉ tạm thu mua xoài tượng da xanh ở giá 10.000 đồng/kg.

Khảo sát tại chợ Cao Lãnh, xoài cát Chu chín và xoài cát Hòa Lộc được nhà vườn mang ra chợ bán lẻ. Cụ thể, xoài cát Hòa Lộc giá 18.000 - 20.000 đồng/kg, xoài cát Chu hiện chỉ từ 9.000 - 10.000 đồng/kg (loại 1).

Chị Phan Thị Kim Quý, xã Hòa An cho hay, làm ra trái xoài không dễ, giờ giá thì thấp lại thêm khó tìm đầu ra. Còn hơn 500 kg xoài cát Chu cuối vụ mà thương lại hẹn mãi chẳng chốt ngày thu hoạch. Nhà vườn nóng lòng, xót của đành phải thu hoạch mỗi ngày để bán chợ.

Theo thống kê, cả nước có gần 85.000 ha xoài, sản lượng đạt gần 930.000 tấn/năm; trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới 55% diện tích, hơn 60% về sản lượng xoài trên cả nước.

Riêng tỉnh Đồng Tháp là địa phương dẫn đầu về diện tích trồng xoài, hơn 9.700 ha, sản lượng hơn 90.000 tấn/năm. Để giúp tìm đầu ra cho nông sản, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp đã kết nối với hệ thống siêu thị để đưa sản phẩm vào bán, tuy nhiên số lượng bán ra cũng rất khiêm tốn so với sản lượng cung ứng.

*Chế biến thúc đẩy tiêu thụ

Theo các chuyên gia, tình hình diễn biến phức tạp, giao thương biên mậu hạn chế, trong khi xoài không phải là mặt hàng thiết yếu, cung lại vượt cầu nên giá thị trường xuống thấp là điều hiển nhiên. Về lâu dài, để trái xoài phát triển bền vững rất cần đẩy mạnh chế biến, thay vì chỉ bán thô, xuất khẩu tươi như hiện nay.

Thấy được nguồn nguyên liệu dồi dào tại Đồng Tháp, năm 2012, ông Võ Phát Triển, Việt kiều Cộng hòa Liên bang Đức đã xây dựng nhà máy, lắp đặt dây chuyền sản xuất tự động hóa chuyên chế biến nông sản với chủ lực là xoài sấy dẻo với quy mô hơn 5.000 m2 tại huyện Thanh Bình.

Ước tính bình quân mỗi năm, nhà máy Việt Đức sử dụng trên 10.000 tấn nguyên liệu các loại như : xoài, thanh long, khóm, chuối,… cho 3 đơn hàng của Nga, Đức, Nhật. Riêng mặt hàng xoài sấy dẻo, mỗi năm công ty có đơn hàng từ 500.000-600.000 Euro.

Trước tình hình dịch bệnh, công ty vẫn giữ vững hoạt động sản xuất hơn 10 tấn trái cây sấy dẻo thành phẩm mỗi ngày, để cung ứng cho thị trường khó tính. Ông Triển cho biết, trái cây sấy dẻo nói chung, xoài nói riêng là hướng đi không mới nhưng nếu biết tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho trái cây đặc sản.

Đồng thời còn tạo ưu thế cạnh tranh cho nông sản Việt thâm nhập vào các thị trường khó tính. Bởi sản xuất tại vùng nguyên liệu không những nguồn cung ổn định mà sản phẩm sau chế biến vẫn giữ được độ tươi ngon, mùi thơm tự nhiên của trái cây tươi.

Để giữ vững thương hiệu và chất lượng trái cây sấy dẻo, công ty đã hợp tác với các nhà vườn, đơn vị thu mua hình thành vùng nguyên liệu chế biến xuất khẩu theo đơn đặt hàng của các nước châu Âu.

Theo đó, điều kiện tiên quyết là nguồn trái cây an toàn, đảm bảo trái sau thu hoạch không tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện tại, công ty đã - đang liên kết tiêu thụ 45ha xoài cát Chu được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã Tân Thuận Tây ở thành phố Cao Lãnh để phục vụ nhu cầu sản xuất của nhà máy.

Không chỉ có doanh nghiệp lớn với nguồn vốn mạnh mới đẩy mạnh khâu chế biến, những người dân vốn gắn bó với trái xoài cũng bắt tay vào công việc này. Trăn trở với việc giá cả bấp bênh, năm 2019, ông Trần Quang Thâu, chủ cơ sở trái cây sấy Lộc Thịnh Phát, xã Tân Thuận Tây đã đầu tư máy sấy để thực hiện ý định sấy dẻo xoài – đặc sản của địa phương.

Ông Thâu cho biết, chế biến sấy khô, sau khi hút chân không có thể bảo quản từ 6 – 12 tháng. Hiện tại, cơ sở trái cây sấy Lộc Thịnh Phát của ông Thâu mỗi ngày sử dụng hơn 20 kg xoài tươi để tạo ra 3 dòng sản phẩm chính là xoài sấy miếng, xoài sợi và xoài ngào đường.

Ngoài ra, với xoài phẩm chất thấp, người dân cũng đã tận dụng để thực hiện nuôi ruồi lính đen. Anh Võ Duy Khánh (Cao Lãnh) thông tin, sản phẩm ấu trùng của ruồi lính đen giàu chất dinh dưỡng với 42% protein; 34% chất béo, là nguồn thức ăn rất tốt trong chăn nuôi. Thay vì sản phẩm xoài bỏ đi làm thức ăn trực tiếp cá, nhưng chắc chắn nguồn thức ăn này không được sử dụng hết, rất dễ gây ô nhiễm do lượng thức ăn thừa.

Chàng trai khởi nghiệp cho biết, mỗi ngày anh sử dụng 6-7 tấn xoài chín, phụ phẩm từ xoài (vỏ xoài). Sau khi thu mua, nguyên liệu sẽ được xay nhuyễn làm thức ăn cho ấu trùng.

Sau khi thời gian ủ dưới màn bạt, sản phẩm bao gồm nhộng và rác thải hữu cơ. Nhộng là nguồn thức ăn giàu đạm cho cá; Rác thải sau khi xử lý có thể tận dụng làm phân bón hữu cơ cho cây.

Chính hướng đi mới mẻ trên nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, với mô hình nông nghiệp sinh thái dựa trên nguồn nguyên liệu dồi dào tưởng chừng bỏ đi, chàng trai trẻ đã giúp người dân tiêu thụ nguồn phụ phẩm, bảo vệ môi trường và tạo ra nguồn kinh tế cho bản thân./.

>>Tác động của COVID-19 đối với thị trường xuất khẩu nông sản tươi thế giới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục