Tác động của COVID-19 đối với thị trường xuất khẩu nông sản tươi thế giới

06:00' - 09/04/2020
BNEWS Các biện pháp phòng chống sự lây lan dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến ngành sản xuất nông sản tươi toàn cầu với những tác động tới nhu cầu, nguồn lao động, hậu cần vận chuyển và thị trường tiêu thụ.
Một quầy bán hoa quả tại khu chợ ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Tác động kinh tế dài hạn

Các biện pháp được ban hành nhằm làm chậm sự lây lan của dịch bệnh, như đóng cửa các nhà hàng và hủy bỏ sự kiện, đã tác động lớn đến các nền kinh tế trên toàn cầu. Tổ chức Nghiên cứu kinh tế Rabobank (Hà Lan) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020 ở mức 0,7% do đại dịch COVID-19, so với 2,9% trong kịch bản không xảy ra COVID-19.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất nông sản, các tác động chủ yếu mang tính tiệm tiến thông qua những thay đổi trong chi tiêu của người tiêu dùng, nguồn cung lao động, hậu cần vận chuyển và thương mại.

Nhu cầu đối với nông sản tươi gần như đã đạt đỉnh ở châu Âu, Bắc Mỹ và New Zealand và đang nhanh chóng chậm lại ở Australia. Nhưng tổng doanh số nông sản tươi bán ra dự kiến sẽ vẫn ở mức như trước thời điểm COVID-19 bùng phát hoặc thậm chí sẽ tăng lên, bởi các bữa ăn tại nhà của các hộ gia đình với tỷ lệ trái cây và rau quả sẽ cao hơn so với bữa ăn ngoài.

Giữa tháng 3/2020, tại Mỹ, doanh số bán lẻ nông sản tươi tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh số bán rau - hoa quả đông lạnh tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm 2019 do việc tích trữ và ăn uống tại gia đình đã trở nên phổ biến hơn. 

Việc sản phẩm tươi giúp đảm bảo sức khỏe tốt hơn có thể là yếu tố kích cầu tích cực kéo dài lâu hơn so với sự bùng phát dịch COVID-19. Dữ liệu của Công ty về thông tin, dữ liệu và đo lường của Mỹ Nielsen cho thấy lĩnh vực bán hàng trực tuyến và kinh doanh giao hàng tạp hóa, rau quả đã tăng đáng kể.

Tại Trung Quốc, doanh số bán sản phẩm tươi thông qua các nền tảng trực tuyến MissFresh, Dada-JD Daojia, Dingdong và Freshippo tăng lần lượt 300%, 374%, 220% và 330% trong thời gian phong tỏa do dịch COVID-19. Xu hướng này có khả năng sẽ tiếp tục tác động đến hành vi mua sắm giai đoạn hậu COVID-19.

Tổn thất lớn đối với nhiều sản phẩm và công ty cụ thể

Các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng phong tỏa. Nhiều doanh nghiệp không kịp tìm nguồn khách hàng mới bởi mỗi nhóm khách hàng có các yêu cầu khác nhau.

Tuy nhiên, không phải tất cả các dịch vụ thực phẩm bị đình trệ đều chuyển sang bán lẻ thực phẩm. Nhiều mặt hàng cụ thể phụ thuộc lớn vào dịch vụ thực phẩm là rau diếp, thảo mộc (gia vị) tươi, măng tây và nho đỏ. Lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp non trẻ có khả năng bị ảnh hưởng lớn do dịch COVID-19 là nông nghiệp trang trại theo chiều dọc, bởi tỷ lệ lớn số trang trại này tiếp cận nhiều với các khách hàng dịch vụ thực phẩm địa phương.

Trước sức ép của tình hình thị trường đầy khó khăn hiện nay, những người nuôi trồng nông sản đang tìm kiếm các kênh bán hàng thay thế, như giao rau quả tươi theo hộp hoặc bán trực tiếp từ các trang trại thông qua việc lái xe – mua hàng qua điểm bán không dừng (drive-through).

Đối với các sản phẩm hoa tươi, nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng ở nhiều quốc gia, vì hoạt động kinh doanh của ngành này mang tính cơ hội, tức là phụ thuộc vào thời vụ và sự kiện. Ngành hàng này cũng đồng thời phụ thuộc vào việc bán hàng thông qua các cửa hàng chuyên biệt (hơn cả thực phẩm) như người bán hoa và các trung tâm nhà vườn.

Sự không chắc chắn đối với ngành hậu cần vận chuyển

Các doanh nghiệp nông sản tươi bán ra nước ngoài phải đối phó với những thách thức như việc đóng cửa biên giới, phong tỏa cảng, hủy chuyến bay và các trục trặc khác. Ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới đóng cửa biên giới, dù vẫn cho phép vận chuyển các sản phẩm thiết yếu, bao gồm cả nông sản tươi.

Tại một số biên giới, thủ tục phức tạp hơn sẽ kéo dài thời gian vận chuyển, dẫn đến tăng chi phí bổ sung. Nhu cầu bán lẻ cao đột ngột ở một số quốc gia cũng dẫn đến chi phí vận chuyển cao hơn.

Sự không chắc chắn về tình hình hiện nay và những thách thức có thể nảy sinh trong thời gian sắp tới đang ảnh hưởng đến thị trường nông sản tươi. Chẳng hạn, ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, tình trạng thiếu container vận tải biển đã xảy ra, nhưng đã được cải thiện kịp thời trong suốt tháng Ba.

Sự gián đoạn của ngành hàng không đã dẫn đến sự cố đối với một số mặt hàng cụ thể vận chuyển qua đường hàng không như trái cây tươi cao cấp, đặc sản và hoa cắt. Giá các loại sản phẩm như trái cây nhiệt đới đã biến động rất lớn kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Những thay đổi tỷ giá hối đoái cũng sẽ có khả năng ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại. Khi suy thoái kinh tế toàn cầu đang hiện hữu, các dòng tiền đang chuyển dịch về những loại tiền tệ tích lũy an toàn, như USD. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến nhu cầu xuất khẩu của Mỹ song tác động tích cực đến nhu cầu xuất khẩu của các quốc gia là nhà xuất khẩu thực phẩm ròng, như New Zealand.

Vấn đề lao động trở thành yếu tố rủi ro chính

Mối quan tâm chính hiện nay là sự an toàn và sẵn có của lao động, cả trong các trang trại, cũng như trong việc đóng gói và phân phối hàng hóa. Người trồng trọt, chăn nuôi và lao động đóng gói phải đối phó với các chi phí bổ sung trong việc tuyển dụng và cả các biện pháp liên quan đến giãn cách xã hội cần thiết, như bổ sung làm việc theo ca, dọn dẹp...

Mỹ đang đối mặt với sự không chắc chắn về nguồn lao động thời vụ từ Mexico. Australia và New Zealand phụ thuộc khá nhiều vào lao động nước ngoài đến từ khu vực Thái Bình Dương và khách du lịch balô đến thu hoạch và đóng gói nông sản tươi.

Ở châu Âu, nông dân gần như hoàn toàn dựa vào lao động nhập cư từ các quốc gia trong và ngoài EU. Giải pháp khả thi cho tình trạng thiếu lao động là thuê mướn sinh viên hoặc người từ các ngành khác, chẳng hạn như du lịch và khách sạn, đang bị thất nghiệp do cuộc khủng hoảng COVID-19.

Bài học kinh nghiệm rút ra

Trong tình huống thay đổi nhanh chóng như hiện nay, rất khó để dự đoán tình hình sẽ phát triển như thế nào trong trung và dài hạn. Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng COVID-19 đối với doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản tươi sẽ được đánh giá thông qua loại mặt hàng, diện khách hàng, quốc gia nhập khẩu và các kênh cung cấp. 

Các công ty phụ thuộc vào lao động nước ngoài và thị trường xuất khẩu thường có rủi ro cao hơn so với các công ty cung cấp các mặt hàng nông sản tươi cơ bản cho các thị trường kề cận. Các doanh nghiệp cần phản ứng nhanh với tình hình hiện tại bằng cách cắt giảm nhiều loại chi phí khác nhau, quyết định những hoạt động nào sẽ tiếp tục hoặc tạm ngừng, và tìm kiếm cơ hội ở các thị trường mới.

Về lâu dài, cuộc khủng hoảng COVID-19 vẫn sẽ tiếp tục tác động lên ngành nông sản tươi. Doanh số bán các mặt hàng nông sản xa xỉ - như một số loại trái cây đặc sản, hoa cắt, các sản phẩm sơ chế có giá trị cao và một số loại quả mọng nhất định, có thể bị ảnh hưởng ngay cả khi đại dịch COVID-19 đã qua đi. Tuy nhiên, phong cách ăn uống lành mạnh có thể được đề cao hơn và điều đó mang lại lợi ích chung cho ngành nông sản tươi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục