Dịch COVID: Xử lý nghiêm các hành vi định giá bán hàng hóa thiết yếu bất hợp lý

15:49' - 28/03/2020
BNEWS Tổng cục Quản lý thị trường vừa yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa thiết yếu bất hợp lý.

Nhằm tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp và nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành công văn hỏa tốc số 620/TCQLTT-TTKT ngày 27/3/2020 yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện các chỉ đạo tại công văn số 430/TCQLTT-CNV ngày 7/3/2020; trong đó chú trọng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịch bệnh để mua gom hoặc định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa thiết yếu.

Cụ thể như lương thực, thực phẩm, xăng dầu và các loại vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch; khi thực thi công vụ thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn của ngành Y tế trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để bảo đảm an toàn, sức khỏe cho công chức, người lao động trong lực lượng.

Theo báo cáo của lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu ở các siêu thị, cửa hàng, chợ tương đối đầy đủ.

Tại TP. Hồ Chí Minh, từ chiều ngày 27/3 phần lớn các nhà hàng, quán ăn, quán bar, kinh doanh dịch vụ, khu vui chơi giải trí trên địa bàn thành phố đều đã đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh nhằm phục vụ phòng tránh dịch COVID-19.

Ngoài ra, một số quán ăn, giải khát kinh doanh với hình thức mua mang đi; các địa điểm kinh doanh nhà thuốc, dụng cụ y tế mở của kinh doanh bình thường, có niêm yết giá bán hàng hóa nhưng mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay diệt khuẩn vẫn còn khan hiếm; các siêu thị, cửa hàng tiện ích và chợ kinh doanh bình thường, không khan hiếm hàng hóa.

Tại Ninh Thuận, hoạt động kinh doanh các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra bình thường, lượng hàng hóa dồi dào đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Về giá cả các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm) tương đối ổn định và dao động ở mức gạo thường 10.000 đồng/kg, gạo thơm lài từ 13.000- 14.000 đồng/kg, thịt heo từ 120.000- 150.000 đồng/kg tùy loại, thịt bò loại I từ 240.000-250.000 đồng/kg, thịt gà từ 100.000- 110.000 đồng/kg, mì ăn liền tùy loại từ 58.000-95.000-188.000 đồng/thùng 30 gói...

Hơn nữa, nhằm hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận các điểm bán khẩu trang vải (khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn, khẩu trang vải thường) để phòng chống dịch bệnh COVID-19, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng liên tục cập nhật và cung cấp trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương thông tin về danh sách các điểm bán khẩu trang vải các loại trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế.

Thống kê từ Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy: Trong ngày 28/3, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát 57 vụ, xử lý 10 vụ và xử phạt số tiền gần 27 triệu đồng.

Lũy kế từ ngày 31/1 đến ngày 28/3/2020, lực lượng đã kiểm tra 7.291 vụ với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới xấp xỉ 3 tỷ đồng.

Điển hình trong ngày 28/3 các Đội Quản lý thị trường An Giang tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 2 trường hợp kinh doanh, tập kết khẩu trang kháng khuẩn; hàng hóa tạm giữ gồm 72.500 chiếc khẩu trang kháng khuẩn các loại.

Đáng lưu ý, có 1 trường hợp tập kết 22.500 chiếc khẩu trang không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, chưa xác định chủ sở hữu; 1 trường hợp kinh doanh 50.000 chiếc khẩu trang chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp lệ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và có dấu hiệu tăng giá bất hợp lý. Vì vậy, các Đội Quản lý thị trường đang tạm giữ hàng hóa để làm rõ xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, tại tỉnh Ninh Thuận, các Đội Quản lý thị trường cũng đã tổ chức kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu và giám sát, theo dõi tình hình hàng hóa, giá cả tại các chợ, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn.

Qua kiểm tra, phát hiện 1 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 20 triệu đồng đối với hành vi bán cáo hơn giá niêm yết do thương nhân kinh doanh LPG đầu mối quy định.

Ngoài ra, trong ngày các Đội Quản lý thị trường còn tổ chức tuyên truyền, ký cam kết tới 9 cơ sở về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vật tư y tế, lương thực, thực phẩm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục