Dịch cúm gia cầm bùng phát, gan ngỗng chay "lên ngôi" ở Pháp

08:25' - 26/12/2022
BNEWS Các sản phẩm gan ngỗng thuần chay đang ngày càng được ưa chuộng ở Pháp trong bối cảnh dịch cúm gia cầm bùng phát nghiêm trọng làm gián đoạn nguồn cung ứng gan ngỗng từ các trang trại.

Cách đây 2 năm, đầu bếp người Pháp Fabien Borgel tại nhà hàng chay "42 Degres" ở Paris đã sáng tạo thành công món gan ngỗng chay với những nguyên liệu từ thực vật như hạt điều, dầu hướng dương, dầu dừa...

 

Vị đầu bếp nổi tiếng này cho biết sản phẩm gan ngỗng thuần chay của "42 Degres" hướng tới những khách hàng chưa từng ăn món gan ngỗng truyền thống vào dịp Giáng sinh tại Pháp và không có ý định thử do phản đối hình thức sản xuất bị lên án là tàn nhẫn, nhưng vẫn muốn cảm nhận hương vị của lễ hội. Ngoài ra, ngày càng nhiều người có xu hướng thay đổi cách ăn uống theo hướng lành mạnh hơn và lựa chọn các sản phẩm thay thế từ thực vật.  

Món gan ngỗng chay thường được nhà hàng "42 Degres" đưa vào thực đơn vào dịp lễ hội cuối năm từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau.

Trong bối cảnh dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, món gan ngỗng đang dần biến mất khỏi thực đơn của các nhà hàng Pháp. Đầu năm nay, Hiệp hội liên ngành các nhà sản xuất gan ngỗng (CIFOG) cho biết sản lượng gan ngỗng dự báo sẽ giảm từ 30% đến 35% so với năm ngoái, trong khi giá sẽ tăng khoảng 20% do nguồn cung giảm và chi phí tăng vọt.

Gan ngỗng được coi là một trong những di sản văn hóa và ẩm thực của nước Pháp, làm từ gan ngỗng hay vịt. Để có được gan béo của ngỗng hay vịt, người ta vỗ béo để gan của chúng tăng lên gấp 10 lần so với kích thước bình thường và có nhiều mỡ hơn. Theo các nhà bảo vệ động vật, quá trình này có thể khiến những con vịt, ngỗng quá lớn, không thể đi lại hoặc thở được.

Năm 2019, Hội đồng thành phố New York (Mỹ) đã thông qua luật cấm bán gan ngỗng trong thành phố, một trong những thị trường tiêu thụ gan ngỗng lớn nhất của Mỹ. Các quốc gia khác bao gồm cả Anh, Phần Lan, Israel và Na Uy cũng cấm sản xuất gan ngỗng hoặc vịt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục