Dịch tả lợn châu phi đã lan ra toàn tỉnh Bình Phước

19:52' - 26/07/2019
BNEWS tính đến nay, toàn bộ 11/11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bình Phước đã có lợn dương tính với dịch tả heo châu Phi.
Lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi được chôn lấp. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN

Chiều 26/7, tại buổi họp khẩn với 11 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh để triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước xác nhận, địa phương cuối cùng trên địa bàn tỉnh là thị xã Bình Long đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

Như vậy, tính đến nay, toàn bộ 11/11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bình Phước đã có lợn dương tính với dịch tả heo châu Phi.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các huyện, thị thuộc tỉnh Bình Phước cho biết gặp nhiều khó khăn trong chống dịch tại địa bàn có chăn nuôi lợn thả rông; công tác lấy mẫu xét nghiệm chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ công tác phòng chống dịch…

Do đó, các địa phương đề nghị, tỉnh nhanh chóng hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch cho các địa phương.

Ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm các chỉ đạo của trung ương, tỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; tập trung tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể nhân dân để có biện pháp phòng, chống; tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú  đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các đia phương thực hiện tốt công tác chôn lấp, xử lý ổ dịch, phun xịt khử trùng tại khu vực có dịch, lập các chốt kiểm soát dịch bệnh để khoanh vùng, dập dịch.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ thú y địa phương bám sát địa bàn, theo dõi quản lý đàn heo để có phương án xử lý kịp thời, báo cáo về tỉnh theo từng ngày, từng tuần để có phương án xử lý hiệu quả.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hai tháng sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại địa phương nay, tỉnh Bình Phước đã phải tiêu hủy 5.300 con lợn mắc dịch của 244 hộ chăn nuôi.

Toàn tỉnh Bình Phước có gần 700 ngàn con lợn, gần 1/3 trong số này được các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng nguồn thức ăn dư thừa thu gom được từ các quán ăn, nhà hàng.

Bên cạnh đó, nhiều hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số có thói quen chăn nuôi lợn thả rông khiến công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn, dịch bùng phát mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục