Điểm danh các ngân hàng dẫn đầu về tỷ suất sinh lời

16:10' - 13/08/2023
BNEWS Tuy giảm nhẹ so với hồi đầu năm nhưng tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của MB và VIB vẫn nằm trong nhóm dẫn đầu toàn ngành ngân hàng.
Theo báo cáo tài chính quý II/2023, các chỉ số ROA và ROE tại nhiều ngân hàng đang có xu hướng giảm so với cuối năm ngoái. Đây là các chỉ tiêu đo lường mức độ hiệu quả trong sử dụng nguồn lực, đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. 

Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2023, có 11/27 ngân hàng ghi nhận chỉ số ROA giảm sút so với cuối năm 2022. Trong đó, mức giảm sâu nhất ghi nhận tại ABBank khi sụt từ 1,08% hồi cuối năm ngoái xuống còn 0,4% khi kết thúc quý II, giảm đến 0,68 điểm %. 

 
Cũng ghi nhận ROA giảm mạnh đến 0,57 điểm % so với cuối năm trước, nhưng Techcombank vẫn giữ vị trí đứng đầu toàn ngành về chỉ số này, đạt mức 2,65%. 

Kế sau Techcombank là MB và VIB khi ghi nhận ROA ở mức lần lượt là 2,57% và 2,47% với các bước giảm tương ứng 0,15 và 0,13 điểm % so với cuối năm 2022.

Trong khi đó, ACB và MSB ở các vị trí thứ 4 và 5 lại có chút cải thiện so với cuối năm trước khi ROA lần lượt là 2,46% và 2,22%, tăng nhẹ 0,05 và 0,01 điểm %.

Top 10 ngân hàng có ROA dẫn đầu toàn ngành sau nửa đầu năm 2023 còn có OCB (2,08%), Vietcombank (1,96%), HDBank (1,92%), TPBank (1,82%) và SHB (1,45%).

Trung bình ROA tại ngày 30/6/2023 của 27 ngân hàng giảm 0,14 điểm % so với cuối năm ngoái, xuống còn 1,34%.

Tương tự với ROE, có đến 20/27 ngân hàng ghi nhận chỉ số này sụt giảm so với cuối năm 2022. Trong đó, giảm sâu nhất là VPBank và LPBank với mức giảm lần lượt là 9,3 và 6,1 điểm %, đưa ROE hiện tại về mức 8,5% và 15,9%.

Kết thúc nửa đầu năm 2023, VIB, ACB và MB tiếp tục góp mặt trong nhóm dẫn đầu toàn ngành về ROE khi chỉ số này ghi nhận ở mức 28,8%; 25,2% và 24%, giảm tương ứng 0,9 - 1,3 và 1,6 điểm % so với cuối năm trước.

Các vị trí tiếp theo là Vietcombank (23,6%), HDBank (22%), BIDV (19,9%), TPBank (19,8%), SHB (18,3%), MSB (17,8%) và Sacombank (17,5%).

Tính chung sau 6 tháng, ROE trung bình chỉ đạt 14,6%, giảm 1,7 điểm % so với cuối năm 2022.

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) phản ánh khả năng sinh lời của tổng tài sản bao gồm vốn chủ sở hữu và nợ phải trả. Trong khi lợi nhuận nhiều ngân hàng giảm tốc thì tổng tài sản lại có xu hướng tiếp tục gia tăng trong 6 tháng qua. Do đó, ROA suy giảm là điều không khó lý giải.

Còn về tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), chỉ số này thể hiện tỷ lệ giữa lợi nhuận kiếm được và số vốn đầu tư trong cùng kỳ, bao gồm vốn cố định và vốn lưu động. Từ đó cho thấy một đồng vốn bỏ ra có thể tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận. ROE càng cao chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn càng cao.

ROE ngành ngân hàng tuy giảm so với cuối năm 2022 nhưng vẫn nằm trong nhóm ngành có ROE cao nhất thị trường theo dữ liệu từ WiChart, cao hơn bất động sản (10,79%) hay tiện ích điện (11,7%)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục