Điểm đến Bắc Trung Bộ và những con tàu

19:58' - 17/11/2016
BNEWS Ngành Du lịch Việt Nam hay có thể nói là Du lịch Bắc Trung Bộ hiện nay ví như những đoàn tàu Việt Nam.

Nếu thời gian dài trước đây, Du lịch Việt bị nhiều ngành khác chạy trước khiến một thời gian dài loay hoay tìm lối đi thì nay định hướng du lịch nói chung hay Bắc Trung Bộ nói riêng đã dần rõ nét. Và điều này cũng xảy ra tương tự với ngành đường sắt khi ngày càng có nhiều phương tiện công cộng khác lấn lướt.

Nhưng thời điểm hiện nay, dường như hai ngành này có sự “trở mình”, liên kết du lịch – đường sắt hy vọng sẽ bền chặt hơn khi vấn đề này đã có đại biểu đề cập tại Hội thảo về vấn đề  kích cầu du lịch Bắc Trung Bộ  được tổ chức ngày 17/11 tại Hà Nội.

Dễ dàng nhận thấy, nhiều năm trở lại đây, sự phát triển ồ ạt của các phương tiện giao thông công cộng: xe buýt, ô tô; máy bay làm giảm phần nào sức hấp dẫn của loại phương tiện truyền thống đó là tàu hoả. Lý do có thể kể đến chính là sự cạnh tranh của giá thành và thời gian.

Với những tuyến dài thì tàu hoả không phải là lựa chọn số 1 của nhiều khách hàng nhưng tuyến Bắc Trung Bộ lại khác hoàn toàn. Chẳng những vậy, nếu đến các điểm Bắc Trung Bộ bằng tàu hoả, khách du lịch có thể ngắm cảnh đẹp của đất nước theo mỗi hành trình của con tàu.

Nói về vấn đề này, ông Trần Trọng Lưu, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Đường sắt Hà Nói cho biết, với tốc độ hiện có của đường sắt truyền thống, đường sắt chỉ lợi trong khoảng từ 600-700km đổ lại so với các phương tiện khác.

Trong đó, khu vực Bắc Miền Trung là lợi thế rất lớn của đường sắt. Bởi khách du lịch chỉ cần lên tàu; trong vòng 8 tiếng đồng hồ có thể từ Hà Nội đến Đồng Hới, đến với Huế. So sánh về phương tiện đồng bộ an toàn hơn rất nhiều.

Hiện du khách nước ngoài yêu thích phương thức đi du lịch bằng tàu hoả. Bởi khách du lịch có thể ngắm cảnh đẹp miền Trung.

Thời gian tới, hy vọng nhiều khách nội địa sử dụng phương tiện này hơn khi đi du lịch bởi chất lượng tàu nâng cao lên rất nhiều: có mái che; cửa kính tự động; toilet tự hoại...

Hiện vé khứ hồi từ Hà Nội tới Đồng Hới vào khoảng 800.000 – 1 triệu đồng; giá vé hợp lý và có tính cạnh tranh. Ngoài ra, nhà ga ở trung tâm thành phố rất tiện cho việc di chuyển, không mất nhiều thời gian làm thủ tục như ở sân bay. Đây là lợi thế lớn của ngành đường sắt đối với du lịch khu vực Bắc Trung Bộ. 

Quả thật, khi đi du lịch khu vực Bắc Trung Bộ, khách hàng có cơ hội ngắm nhiều cảnh đẹp nổi tiếng. Du lịch ở khu vực này không chỉ biết đến là du lịch biển mà còn nhiều loại hình khác: Du lịch cộng đồng; Du lịch nghỉ dưỡng, Du lịch di sản văn hoá; du lịch biển, du lịch mạo hiểm...

Nói về vấn đề này, Đại diện tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện thị trường du lịch Bắc Trung Bộ chủ yếu là ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Sản phẩm du lịch Bắc Miền Trung nói chung và Quảng Trị nói riêng có nhiều sản phẩm liên quan tới lịch sử chiến tranh cách mạng.

Năm 2017 tới, tỉnh Quảng Trị tổ chức nhiều sự kiện quan trọng: 110 năm ngày sinh của cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn, 60 năm ngày thương binh liệt sỹ... Cùng với các doanh nghiệp, tỉnh kết hợp với Quảng Bình và Thừa Thiên Huế khai thác di sản thiên nhiên, văn hoá thế giới. 

Quảng Trị hiện có 171 di tích lịch sử cách mạng, đây có thể nói là điều kiện tốt phát triển du lịch về nguồn. Nhiều địa danh nổi tiếng gắn liền với những năm tháng hào hùng của dân tộc: Thành Cổ Quảng Trị; Nhà tù Lao Bảo; Khu Chính phủ Cách mạng Lâm Thời; Nghĩa Trang Liệt sỹ Quốc gia trường Sơn...

Theo Đại diện Sở Du lịch Hà Tĩnh, địa phương có 137km bờ biển là quê hương của những danh nhân cùng 154 di tích được xếp hạng, trong đó có 77 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Có thể kể tới một số địa danh nổi tiếng như: Ngã ba Đồng Lộc, Chùa Hương Tích, Khu du lịch Thiên Cầm... 

Điều đáng nói, nhiều tập đoàn lớn tới đầu tư như Tập đoàn Vincom đầu tư Khu du lịch sinh Thái tại Hà Tĩnh. Địa phương có nhiều di sản văn hoá phi vật thể; đặc sản nổi tiếng: bưởi phúc trạch, kẹo cu đơ... Nghề truyền thống có nghề rèn, nghề mộc.. và nhiều lễ hội khác nhau.

Hà Tĩnh có gần 200 khách sạn lưu trú; nhiều công ty lữ hành và các công ty nỗ lực kết nối với các tỉnh bạn và nhiều điểm vui chơi giải trí, dịch vụ mua sắm để đẩy mạnh phát triển du lịch tại đây. 

Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cũng cho biết, sự cố môi trường biển cũng ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch của địa phương làm giảm lượng lớn khách du lịch tới địa phương. Tuy nhiên, Quảng Bình triển khai nhiều giải pháp thu hút, mời gọi đầu tư.

Hiện có thể nói, tỉnh có nhiều tiềm năng lớn phát triển du lịch thiên nhiên, mạo hiểm. Những điểm đến được nhiều du khách khám phá: Phong Nha Kẻ Bàng; Hang Sơn Đoòng. Ngoài ra, địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng; du lịch tâm linh và nghỉ dưỡng. 

Ông Vũ Quốc Trí, Đại diện Dự án Du lịch do EU tài trợ cho biết, đối với tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình cho biết, nhiều khách du lịch tới 4 tỉnh trên không phải với mục đích nghỉ dưỡng mà họ có nhu cầu khám phá, tìm hiểu.

Do vậy, nếu chỉ phát triển du lịch theo cách đơn độc của một tỉnh sẽ rất hạn chế. Việc liên kết giữa các tỉnh giúp đẩy mạnh phát triển du lịch vùng.  

Dự án trên tập trung vào 3 dòng sản phẩm chính: du lịch ven biển; du lịch mạo hiểm trên đất liền và phát triển tiếp thị sự kiện thể thao. Theo đó, sản phẩm lịch sử văn hoá có 8 điểm; sản phẩm thiên nhiên mạo hiểm là 7 điểm và sản phẩm ven biển là 5 điểm.

Tuy nhiên, ông Trí cũng cho rằng, để xây dựng được sản phẩm này gặp những thách thức như: muốn làm du lịch tiếp thị sự kiện thể thao, mạo hiểm thì cần xây dựng tour du lịch thể thao: tour xe đạp quốc tế, nội địa; đây là sản phẩm mà không bị phụ thuộc nhiều vào tính thời vụ... hay thách thức về ô nhiễm, đô thị, tính mùa vụ...

Hiện dự án đã xây dựng bản đồ với việc tập hợp theo các tour có biểu tượng chỉ dẫn điểm đến cụ thể.

>> Giảm giá sâu nhiều tour du lịch trong ngày hội Khai xuân 2017

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục