Điểm đến mới hấp dẫn “Tây Yên Tử”

11:41' - 08/03/2019
BNEWS Nhắc đến Yên Tử, du khách sẽ nghĩ ngay đến tỉnh Quảng Ninh, nhưng giờ đây, du khách có thể về với chốn tổ Trúc Lâm Yên Tử, lên Chùa Đồng Yên Tử theo con đường Tây Yên Tử ở Bắc Giang.

Những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang đã và đang đầu tư mạnh mẽ để phục dựng lại con đường hoằng dương Phật pháp của vua Trần Nhân Tông theo sườn Tây Yên Tử. Với tầng tầng, lớp lớp di chỉ văn hóa, lịch sử, tôn giáo và các nguồn tài nguyên thiên nhiên sinh thái phong phú, Tây Yên Tử hứa hẹn là điểm đến mới, hấp dẫn du khách trên hành trình du lịch tâm linh – sinh thái.

Dự án khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử đã hoàn thành giai đoạn 1. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Từ thành phố Bắc Giang, theo tuyến xe buýt số 07 chạy theo con đường Tây Yên Tử, du khách chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ để đến được Khu Du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử (thuộc thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang).

Nếu như Đông Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành và là nơi lưu giữ xá lị của ngài sau khi viên tịch thì Tây Yên Tử lại là con đường hoằng dương Phật pháp của ngài.

Dự án Khu Du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (Bắc Giang) ra đời là sự sáng tạo trong khai thác tiềm năng văn hóa tâm linh kết hợp với vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, độc đáo, huyền bí của môi trường sinh thái vùng núi Tây Yên Tử. Đây sẽ là điểm đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.

Đến với Tây Yên Tử, du khách sẽ được hòa mình vào mây núi, những cánh rừng nguyên sinh, cảm nhận được sự yên bình, trong lành cùng sự hùng vĩ, bề thế, uy nghi của cảnh quan và các công trình, kiến trúc.

Vào sáng sớm, khi các công trình Khu Du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử xen lẫn trong làn sương mờ ảo, mây núi bồng bềnh, cảnh vật như huyền ảo, quyến rũ hơn.

Năm 2014, tỉnh Bắc Giang bắt đầu xây dựng Khu Du lịch văn hóa tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử trên tổng diện tích 13,8 ha, bao gồm 4 cụm chùa độc lập gồm: Chùa Trình, chùa Hạ (chùa Phật Quang), chùa Trung, chùa Thượng (chùa Kim Quy), các điểm chùa có cao độ từ 145 m đến gần 1.000 m, kết nối với chùa Đồng, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh Yên Tử. 

Đến nay, các hạng mục trong giai đoạn 1 của công trình đã cơ bản được hoàn thiện, gồm: Chùa Thượng, chùa Hạ, tuyến cáp treo số 1 từ ga chùa Hạ lên ga chùa Thượng; khu vực quảng trường trung tâm; nhà hàng ven suối; cầu cảnh quan sang chùa Hạ và một số hệ thống hạ tầng phụ trợ khác...

Không chỉ vậy, dọc theo tuyến Tây Yên Tử (đường tỉnh 293) từ thành phố Bắc Giang đến Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử dài gần 100 km, du khách sẽ đi qua những điểm di tích, thắng cảnh hấp dẫn bên sườn Tây Yên Tử với khoảng 130 di tích lớn nhỏ nằm trong khu vực Tây Yên Tử; trong đó 26 điểm di tích đã được công nhận là Di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Các di tích nằm trên sườn núi phía Tây Yên Tử thuộc vùng bảo tồn rừng thiên nhiên quốc gia với hệ thống động thực vật và cảnh sắc thiên nhiên, phong phú đa dạng.

Khách tham quan Khu di tích chùa Bổ Đà - Di tích Quốc gia đặc biệt tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN
Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Đó là chùa Vĩnh Nghiêm (nơi được xem là chốn tổ của Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, có niên đại hơn 700 năm với bộ mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương), chùa Am Vãi (nằm trên vòng cung Yên Tử), chùa Bổ Đà (với khu vườn tháp đẹp nhất Việt Nam), chùa Kem, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng (Yên Dũng); Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam) với truyền thuyết về Bà chúa Thượng ngàn Quế Mỵ Nương…

Đặc biệt từ Tây Yên Tử, du khách có thể đi cáp treo để lên chùa Đồng, Yên Tử. Trên tuyến cáp treo có chiều dài hơn 2 km du khách sẽ được nhìn ngắm khung cảnh núi non trùng điệp, cảnh sắc sơn thủy hữu tình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, cùng với Đông Yên Tử thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Tây Yên Tử thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang sẽ phối hợp, kết nối thành quần thể danh thắng Yên Tử thống nhất, tạo điều kiện cho phát triển du lịch cũng như phát huy các di sản văn hóa tâm linh của các địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục