“Điểm sáng” giải ngân vốn đầu tư công tại Đồng bằng sông Cửu Long

18:41' - 05/12/2023
BNEWS Một số tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang là “điểm sáng” về giải ngân vốn đầu tư công nhờ chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu năm.

Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều địa phương thấp hơn mức bình quân cả nước, một số tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang là “điểm sáng” về giải ngân vốn đầu tư công nhờ chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu năm. Do đó, nhiều vấn đề khó trong quá trình giải ngân đã được tháo gỡ kịp thời, hoặc đề xuất giải pháp lên cấp trên có hướng xử lý những vướng mắc phát sinh, để sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.

* “Điểm sáng” giải ngân vốn đầu tư công

Nhiều năm qua, tỉnh Tiền Giang luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Theo Bộ Tài chính, đến cuối tháng 11/2023, tỷ lệ này đạt 94,55%, thuộc Top đầu cả nước. Với tổng nguồn vốn đầu tư công hơn 6.111 tỷ đồng, đây là năm Tiền Giang có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất.

 

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang Trần Minh Trung cho biết, năm 2023, ban được giao kế hoạch vốn là trên 691 tỷ đồng để triển khai 12 dự án giao thông trọng điểm; trong đó, có 8 dự án chuyển tiếp và 4 dự án khởi công mới. Từ cuối tháng 10/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của ban đã đạt 96,3%.

Điển hình như dự án Đường tỉnh 864, do đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đến nay, dự án đã triển khai xây dựng các gói thầu gồm thi công cầu Vàm Giồng và đường vào cầu, thi công cầu Chợ Gạo và đường vào cầu, đoạn tuyến từ cầu Chợ Gạo đến Đường tỉnh 877B, đoạn tuyến từ Quốc lộ 50 đến cầu Chợ Gạo. Xác định tầm quan trọng của dự án, chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án. Nhờ vậy, tiến độ các gói thầu luôn được đảm bảo.

Bên cạnh đó, theo ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, sau thời gian nỗ lực thi công, đến nay, 6 cống thuộc dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kinh, rạch ra sông Tiền trên Đường tỉnh 864 giai đoạn 1 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, vượt tiến độ đề ra. Riêng dự án kè chống sạt lở Cồn Ngang, xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong đoạn 3,… hiện tiến độ đang được đảm bảo và cũng sẽ hoàn thành trong cuối năm 2023.

Tính đến cuối tháng 11/2023, tỉnh Đồng Tháp đã giải ngân vốn đầu tư công trên 5.000 tỷ đồng, đạt trên 77%. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương làm việc với các nhà thầu, rà soát, đánh giá từng công trình, đẩy nhanh giải ngân gần 23% vốn đầu tư công còn lại của năm để đạt 100%.

Hiện tại, hoạt động thi công các công trình kè bờ chống sạt lở, xử lý cấp bách sạt lở bờ sông tại tỉnh Đồng Tháp đều có tiến độ nhanh. Trong tổng số gần 547 tỷ đồng vốn đầu tư công kế hoạch vốn năm 2023 bố trí cho 5 dự án, Đồng Tháp đã giải ngân được gần 482 tỷ đồng, đạt 88,16% kế hoạch. Không vướng mặt bằng, thời tiết thuận lợi, các nhà thầu đang dồn lực thi công để sớm cán đích.

Tại thành phố Cần Thơ, giá trị giải ngân vốn đầu tư công tính đến trung tuần tháng 11/2023 đạt gần 79% kế hoạch vốn Thủ tướng giao, đứng thứ 5/13 địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long. Phát huy những kết quả đạt được, Cần Thơ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án và giải ngân hết số vốn được giao.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển, một số chủ đầu tư còn vướng mắc trong khâu lập dự án đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán, dẫn đến chậm phê duyệt dự án, đấu thầu không kịp theo kế hoạch đã được duyệt. Tiến độ thực hiện các khu tái định cư còn chậm, ảnh hưởng đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng một số dự án, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án có sử dụng vốn ODA.

* Nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ

Xác định tầm quan trọng của việc triển khai các công trình trọng điểm, thời gian qua, chủ đầu tư các dự án tại tỉnh Tiền Giang đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng và tính thẩm mỹ của công trình. Từ đó, các nhà thầu cũng đã khắc phục những khó khăn về thời tiết, nguyên vật liệu, tăng cường nhân lực, vật lực để đẩy nhanh thi công, nhằm đảm bảo tiến độ công trình.

Ông Trần Minh Trung cho biết, thời gian tới, khối lượng các công trình trung hạn còn lại nhiều. Để hoàn thành, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục bố trí, sắp lại cán bộ cho phù hợp. Tại công trường, chủ đầu tư sẽ tăng cường giám sát, tháo gỡ kịp thời các khó khăn của nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ.

Với tính chất cấp bách của các công trình kè chống sạt lở, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp luôn ưu tiên bố trí vốn và chỉ đạo quyết liệt chủ đầu tư, nhà thầu tập trung thi công để hoàn thành các dự án đúng tiến độ, bảo đảm hiệu quả đầu tư, góp phần ứng phó với diễn biến sạt lở ngày càng khó lường tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhờ đó, nhiều dự án bảo đảm tiến độ xây dựng đúng theo kế hoạch. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 và sớm nghiệm thu hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình kè chống sạt lở.

Ngoài ra, đối với một số công trình tạm ngưng thi công, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đề nghị rà soát, có kế hoạch hỗ trợ để thi công trở lại; các sở, ngành và địa phương cần quyết tâm, phối hợp thực hiện tháo gỡ khó khăn về cát, điều hòa vốn và giải phóng mặt bằng;…

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương làm việc với các nhà thầu, rà soát, đánh giá từng công trình để có lộ trình thực hiện đến cuối tháng 12/2023, đẩy nhanh giải ngân gần 23% vốn đầu tư công còn lại của năm để đạt 100%.

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển, thành phố sẽ xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm các quy định về thi công, hợp đồng. Thực hiện đăng tải trên Cổng thông tin thành phố, Sở Xây dựng, UBND quận, huyện,... đối với các nhà thầu vi phạm trong quá trình thi công, kéo dài thời gian thực hiện hoàn thành dự án và tùy theo từng trường hợp cụ thể, đề xuất UBND thành phố xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đề nghị Ban cán sự Ðảng UBND thành phố có các giải pháp tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư lớn, được bố trí nhiều vốn như ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố, Ban Quản lý dự án ODA, Sở Giao thông Vận tải,… nỗ lực giải ngân vốn. Ðồng thời, lãnh đạo Ban cán sự Ðảng, UBND thành phố cùng các sở, ngành, các chủ đầu tư, địa phương tăng cường kiểm tra thực tế để chỉ đạo quá trình thực hiện các dự án.

Qua đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc pháp lý cho từng dự án; đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công dự án, nhất là những nơi người dân có sự đồng thuận cao, những nơi người dân sẵn sàng giao mặt bằng mặc dù chưa nhận tiền bồi thường,…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục