Điểm tựa xây dựng nông thôn mới

14:45' - 14/12/2019
BNEWS Xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang những ngày này trở nên rạng rỡ với những con đường hoa khoe sắc.

 Hình ảnh này có được là từ thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới. Với địa hình một xã miền núi khá phức tạp, con đường tiến đến nông thôn mới kiểu mẫu bền vững của xã cũng đang được trải rộng cùng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

Nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội là điểm tựa giúp người dân xã Lãng Sơn xây dựng nông thôn mới. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Nguyễn Đức Thu, Chủ tịch UBND xã Lãng Sơn cho biết, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội là điểm tựa giúp người dân xã Lãng Sơn xây dựng nông thôn mới.

Bằng nguồn vốn tín dụng chính sách, người dân nơi đây đã xây dựng mô hình sản xuất lúa tập trung tại các thôn: Mỹ Tượng, Sơn Thịnh, Tân Mỹ, Đông Thượng... với các giống lúa chất lượng cao, góp phần nâng thu nhập cho bà con lên tới 150 triệu đồng/ha/năm.

Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần duy trì nghề mộc truyền thống tạo việc làm ổn định cho cho hàng trăm lao động, đưa Lãng Sơn cán đích nông thôn mới vào năm 2017.

Chính vì thế, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã tăng từ 28 triệu đồng/người/năm (năm 2017) lên 45 triệu đồng/người/năm (năm 2019). Toàn xã có tổng số lao động trong độ tuổi lao động có khả năng làm việc là 4.125 người thì tổng số lao động có việc làm thường xuyên lên tới 3.972 người, đạt 96,3%.

Hiện dư nợ tín dụng tại xã Lãng Sơn đạt gần 19 tỷ đồng; trong đó, vốn vay ưu đãi hộ nghèo là 4,6 tỷ đồng; vốn vay nước sạch vệ sinh môi trường là 5,5 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần. Năm 2017 xã có 90 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,6%. Năm 2018 số hộ nghèo giảm còn 62 hộ, tương đương 3,9%. Đến năm 2019 xã Lãng Sơn chỉ còn 43 hộ nghèo, chiếm 2,7%. Hộ nghèo và hộ cận nghèo của xã thấp hơn so với mức bình quân chung của huyện.

Nhìn rộng ra toàn tỉnh Bắc Giang, chỉ tính riêng 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến nay đã có 178.200 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, giúp 158.450 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; trên 5.200 lao động được tạo việc làm; đầu tư xây dựng trên 50.000 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường (nhà vệ sinh hợp lý, xây hầm biogas...); trợ giúp gần 1.600 hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố, thoát khỏi cảnh nhà tạm bợ.

Trong những năm qua, nhiều hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn trong tỉnh được vay vốn thuận lợi, như gia đình chị Lục Thị Mùi, người dân tộc Cao Lan ở thôn Tam Hiệp, xã An Lập, huyện Sơn Động đã vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để xây dựng chuồng trại, mua con giống, phát triển nghề chăn nuôi lợn nái, lợn thịt thành đàn 40 con.

Ngoài ra, chị Mùi còn trồng 3 ha rừng keo, 8 sào bưởi da xanh, cam lòng vàng cho thu nhập ngót 300 triệu đồng/năm và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 6 lao động nông thôn.

Vợ chồng anh Giáp Văn Tiện, chị Nguyễn Thị Thúy ở thôn Hựu, xã Trù Hưu, huyện Lục Ngạn vay 70 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Cùng với số tiền vay thêm của người thân, vợ chồng anh Tiện đã đầu tư trồng cam Vinh, bưởi Diễn kết hợp nuôi gà đồi, kỳ đà. Sau 4 năm cần cù lao động, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, đến nay gia đình đã có 2 ha cam, bưởi sai trĩu cành, 400 con gà thịt và khoảng 50 con kỳ đà trị giá khoảng 500 triệu đồng.

“Nhờ vay vốn ưu đãi thuận lợi và tham gia học tập kinh nghiệm của một số mô hình kinh tế trong xã, trên huyện đã giúp gia đình tôi xây dựng thành công cơ sở sản xuất cây ăn quả như hôm nay. Kinh tế gia đình bây giờ khấm khá, tôi có thêm điều kiện mở rộng trang trại và tham gia giúp đỡ bà con xung quanh cách thức làm ăn cũng như bán chịu không tính lãi nhiều giống cây ăn quả tốt”, anh Tiện chia sẻ.

Đến cuối tháng 11/2019, doanh số cho vay tại Bắc Giang đạt 1.345 tỷ đồng, số khách hàng được vay vốn 31.824 hộ, bình quân 42,3 triệu đồng/hộ. Tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bắc Giang sau 17 năm hoạt động, đến cuối tháng 11/2019 đạt 4.228 tỷ đồng, tăng 7,57% so với 31/12/2018, có 113.275 hộ còn dư nợ.

Dư nợ theo chương trình tín dụng như hộ nghèo hiện chiếm tỷ lệ 29,8%, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 1.318 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 31,1%. Dư nợ cho vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường là 585 tỷ đồng (chiếm 13,8%), cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn 594 tỷ đồng (chiếm 14%).

Hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách được phản ảnh rõ thêm qua chất lượng tín dụng với tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,07% tổng dư nợ, toàn tỉnh có 127 xã không có nợ quá hạn, chiếm 55,2%.

Theo ước tính của UBND tỉnh Bắc Giang, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Bắc Giang năm 2019 giảm 2,24% so với năm 2018. Toàn tỉnh ước còn 5,05% tỷ lệ hộ nghèo, vượt kế hoạch 0,24%.

Nguồn vốn tín dụng chính sách được triển khai trên tất cả 230 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh có 255 điểm giao dịch xã/230 xã, trở thành động lực giúp Bắc Giang ước đạt 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Lũy kế số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới từ năm 2016 đến năm 2019 ước đạt 114 xã, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 56,2% tổng số xã.

Hiện dư nợ xã về đích nông thôn mới tại Bắc Giang là 1.654 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 39,3% dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Nguồn vốn này đã và đang trở thành nguồn lực để các xã tiến tới mục tiêu cao hơn, hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục