Diễn biến mới nhất về hoạt động kinh doanh xăng dầu tại một số địa phương

16:59' - 10/02/2022
BNEWS Ngày 10/2, tin từ Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho biết, qua rà soát có 7 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn đã dừng hoạt động. Đây đều là những cửa hàng xăng dầu tư nhân.

Ngày 10/2, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện tại có 58 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa do không đủ điều kiện đề hoạt động bán lẻ và 33 cửa hàng đóng cửa do không có nguồn cung nguyên liệu và nhân viên bán hàng.

Sở Công Thương tỉnh đã chủ trì cuộc họp với Cục Quản lý Thị trường, các thương nhân đầu mối và các thương nhân phân phối như Phúc Thịnh, Huy Hỏng. Hồ Bửu, Vân Trúc, Tổng Hợp Thuận An,... cung ứng xăng dầu trên địa bàn để nắm bắt tình hình nguồn cung xăng dầu trước, trong và sau Tết Nguyên Đán. Qua đó, vận động 25 chủ doanh nghiệp có cây xăng đóng cửa do không có nhân viên bán hàng quay lại hoạt động, bán lại bình thường.

Các thương nhân đầu mối và các thương nhân phân phối cung ứng xăng dầu chính trên địa bàn tỉnh Bình Dương cam kết vẫn bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho các thương nhân phân phối và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

 

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động kinh doanh bình thường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu mua nguyên liệu xăng dầu trước, trong và sau Tết.

UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản chỉ đạo Cục Quản lý thị trường chủ trì phối hợp Sở Công Thương, Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tại Sóc Trăng: Trong mấy ngày qua, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, trong khi hầu hết các cửa hàng xăng dầu vẫn mở bán bình thường thì cũng có một số cây xăng dầu đóng cửa không hoạt động với những lý do khác nhau.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một số cây xăng dầu hoạt động không thường xuyên hoặc đóng cửa và cũng có cơ sở đã bán hết xăng dầu hoặc bán không lời nên nghỉ...Trước tình hình này, Sở Công Thương Sóc Trăng đã lập đoàn kiểm tra, xác minh thì chỉ một số ít cơ sở ngừng bán hàng, còn nhiều cơ sở vẫn hoạt động bình thường đúng quy định.

Trước đó, tại Sóc Trăng cũng đã có hiện tượng một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu tự ý tạm ngưng bán hàng không đúng quy định. Vì vậy, Sở Công Thương đề nghị các doanh nghiệp phân phối xăng dầu và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cần thực hiện nghiêm quy định tại điều 26, Nghị định số 83/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và khoản 21 điều 1, Nghị định số 95/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83.

Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù mấy ngày trước đã có một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh đóng cửa hoặc bán cầm chừng, sáng bán chiều nghỉ, nhưng trong ngày 10/2, hầu hết đã hoạt động trở lại bình thường.

Tại Cà Mau: Ngày 10/2, tin từ Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho biết, qua rà soát có 7 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn đã dừng hoạt động. Đây là những cửa hàng xăng dầu tư nhân, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thiếu nguồn cung.

Cũng theo Sở Công Thương, gần đây, tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Cà Mau gặp khó khăn. Các thương nhân phân phối xăng dầu không mua được xăng dầu từ các thương nhân đầu mối nên không đảm bảo việc cung cấp kịp thời, đủ lượng xăng dầu cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ và thương nhân nhận quyền bán lẻ.

Ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho biết, 7 cửa hàng này đều nằm ở địa bàn các huyện và đa số đều lấy hàng từ nhà phân phối ngoài tỉnh. Hiện nay, cơ quan chức năng đang kiểm tra các cửa hàng này, nếu có hành vi găm hàng chờ tăng giá thì sẽ xử lý theo quy định. Trong khi đó, ngành chức năng cũng phối hợp với các tỉnh để rà soát các doanh nghiệp đầu mối.

Ông Dương Vũ Nam thông tin thêm, các doanh nghiệp đầu mối trong tỉnh hiện vẫn hoạt động bình thường, thậm chí tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu của người dân.

“Sở Công Thương cũng khuyến cáo bà con không nên hoang mang, đi mua xăng dầu tích trữ. Việc này rất nguy hiểm và gây khó khăn cho việc phòng chống cháy nổ trên địa bàn. Vào ngày mai, khi đến chu kỳ điều chỉnh giá thì tình hình mua bán xăng dầu sẽ ổn định trở lại”, ông Dương Vũ Nam nhấn mạnh.

Trước tình hình trên, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau đã kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo kịp thời các thương nhân đầu mối, có giải pháp ổn định thị trường xăng dầu nội địa.

Tại Quảng Ngãi: Báo cáo từ Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn duy trì ổn định hoạt động kinh doanh, đảm bảo cung ứng cho thị trường, không có cửa hàng xăng dầu nào phải đóng cửa hoặc bán cầm chừng.

Ông Tạ Hoàng Ngọc Trung, Trưởng phòng kinh doanh Petrolimex Quảng Ngãi thông tin, Petrolimex Quảng Ngãi có 33 cửa hàng xăng dầu trực thuộc và 65 khách hàng thương nhân nhượng quyền với mức độ sản lượng nhiên liệu cung ứng khoảng 600m3/ngày.

“Chúng tôi chủ yếu nhập nhiên liệu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất qua đường bộ và nhà máy này đang vận hành ổn định với 100% công suất nên không có vấn đề gì nảy sinh, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh”, ông Trung nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi Võ Văn Rân, nguồn cung xăng dầu từ hệ thống thương nhân đầu mối ra thị trường hiện nay rất hạn chế, nhỏ giọt nhưng vẫn phải tiếp tục duy trì để cung ứng cho thị trường. Một số thương nhân nhượng quyền/ đại lý bán lẻ xăng dầu báo lỗ từ 50.000- 150.000 đồng/lít vì hoa hồng giảm và phải tự chịu chi phí vận chuyển từ kho đầu mối về cửa hàng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn dừng hoạt động một thời gian và chỉ mới hoạt động trở lại khoảng 60% công suất.

Cùng với đó, việc giá xăng dầu trong nước thấp so với giá xăng dầu thế giới liên tục tăng, các thương nhân đầu mối hạn chế nhập khẩu xăng dầu do thua lỗ hoặc không có lợi nhuận; các thương nhân đầu mối hiện đang cung cấp xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình với số lượng hạn chế, dẫn đến các thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý bán lẻ nhiều nơi thiếu hụt cục bộ nguồn cung...

Sở Công Thương đã chủ động gửi văn bản yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về kinh doanh xăng dầu; trực tiếp liên lạc với các thương nhân phân phối, thương nhân đầu mối trên địa bàn tỉnh yêu cầu duy trì đảm bảo nguồn cung xăng dầu ra thị trường. Đồng thời, kiểm tra, giám sát các thương nhân xăng dầu trong hệ thống phân phối đảm bảo nguồn cung ra thị trường, liên đới chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm.

Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để kịp thời tham mưu xử lý phù hợp; phối hợp với Cục Quản lý Thị trường tỉnh tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Tại Đồng Nai: Ngày 10/2/2022, Sở Công Thương Đồng Nai đã gửi văn bản hỏa tốc đến các thương nhân phân phối xăng dầu, Tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về việc triển khai nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

Theo đó, nhằm duy trì liên tục việc cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước  trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu diễn biến phức tạp và nhu cầu sử dụng xăng  dầu tăng cao để phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, Sở  Công Thương Đồng Nai đề nghị các thương nhân phân phối xăng dầu, Tổng Đại lý, Đại lý  kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh triển  bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; cung ứng đủ, liên tục nguồn hàng xăng dầu cho các đơn vị tiêu thụ trong hệ thống, đặc biệt là trong thời gian hiện nay và trong tình huống thiên tai, dịch bệnh.

Cùng đó, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, triển khai thực hiện nghiêm túc việc đăng ký thời gian bán hàng, thông báo tạm  dừng bán hàng trong quá trình tổ chức kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND ngày 30/11/2015 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành Quy định thời gian bàn hàng, các trường hợp dừng bán hàng, quy trình thông báo trước khi dừng bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, việc dừng bán hàng phải có văn bản thông báo và được sự chấp thuận của Sở  Công Thương.

Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến nguồn hàng, trường hợp gặp khó khăn, vướng  mắc đề nghị phản ánh về Sở Công Thương để báo cáo Bộ Công Thương có phương  án xử lý kịp thời, đảm bảo cung cầu xăng dầu trên thị trường.

Các thương nhân phân phối xăng dầu, Tổng Đại lý, Đại lý kinh doanh  xăng dầu, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện cam kết đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho để cung cấp cho người tiêu dung.

Đồng thời có báo cáo về khả năng cung cấp xăng dầu, đặc biệt trong thời gian hiện nay và trong tình huống thiên tai, dịch bệnh, gửi báo cáo về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương, UBND tỉnh Đồng Nai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục