Điện Biên thu hút trên 30,8 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư

18:22' - 10/07/2020
BNEWS Tỉnh Điện Biên đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký hơn 240 tỷ đồng.

Ngày 10/7, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức hội nghị Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư lần thứ nhất năm 2020. Hội nghị là diễn đàn thể hiện một cơ chế đối thoại hiệu quả giữa chính quyền và các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trên địa bàn tỉnh Điện Biên; đồng thời thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của địa phương đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là chung tay, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh để hoạt động ngày càng hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng sản phẩm GRDP của tỉnh Điện Biên ước đạt hơn 5.300 tỷ đồng, tăng 0,54% so với cùng kỳ năm trước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; các lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục đạt nhiều tiến bộ; hơn 50 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 500 tỷ đồng. Hiện tại, toàn tỉnh có hơn 1.300 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký hơn 23.000 tỷ đồng.

Tỉnh Điện Biên đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký hơn 240 tỷ đồng. Đến nay, đã có 198 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 30,8 nghìn tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên khẳng định, những kết quả đó cho thấy, việc thực hiện cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh trong thời gian qua đã đi đúng hướng; có sự đóng góp tích cực, quan trọng của cộng đồng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.

Cũng tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã trao đổi, hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư những chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh về thu hút đầu tư vào các lĩnh vực; trong đó trọng tâm là cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, phổ biến những thủ tục liên quan đến tiếp cận đất đai của doanh nghiệp; quy trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại và xây dựng khu đô thị và thông báo tình hình thực hiện cơ chế, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp. Các đơn vị cũng giải đáp các vấn đề liên quan và trao đổi những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư....

Trên tinh thần cởi mở, hợp tác, đại diện các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã thẳng thắn có những ý kiến tham gia góp ý đối với chỉ đạo điều hành của bộ máy quản lý liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Mặt khác, đề xuất, kiến nghị những giải pháp để giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp để cùng đồng hành hướng tới sự phát triển chung.

Theo ông Trần Văn Thưởng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển tỉnh Điện Biên, yếu tố “chủ công” trong phát triển kinh tế nông nghiệp là các doanh nghiệp. Để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đòi hỏi các bộ, ngành Trung ương, địa phương và các cấp chính quyền cần chia sẻ với doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc kết nối, giới thiệu mẫu sản phẩm, tìm đầu ra cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Đồng thời, có chính sách đặc thù, khuyến khích đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp về đất đai; hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư các thủ tục đầu tư nông- lâm- nghiệp...

Nhiều ý kiến của các đại biểu, nhà đầu tư, doanh nghiệp cho rằng, doanh nghiệp chỉ yên tâm đầu tư khi môi trường đầu tư kinh doanh hội đủ các yếu tố: An toàn, chi phí vừa tầm và thuận lợi. Do vậy, địa phương cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có sự quan tâm quyết liệt, đồng lòng của tỉnh với doanh nghiệp; có hành lang pháp lý thông thoáng.

Bên cạnh đó, địa phương phải đánh giá đúng và phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tương tác để tìm đề xuất, giải pháp phát triển kinh tế của địa phương. Đồng thời, địa phương cần phổ biến chỉ số năng lực cạnh tranh, nhất là các chỉ số cấu phần đến cộng đồng các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến địa bàn. 

Ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, trong thời gian tới, UBND tỉnh Điện Biên sẽ chú trọng vào nhóm các giải pháp có tác động nhanh, trực tiếp đến doanh nghiệp như: Nhóm giải pháp về giãn, hoãn thời gian nộp thuế, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất; nhóm giải pháp về tín dụng; nhóm giải pháp về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi và minh bạch. Tỉnh cũng chủ động bám sát, tập trung nghiên cứu, hướng dẫn, phổ biến kịp thời đến cộng đồng doanh nghiệp về các cơ chế, chính sách của Trung ương, địa phương để doanh nghiệp, nhà đầu tư nắm bắt cơ hội và thực hiện các dự án đầu tư.

Tỉnh cũng thực hiện hiệu quả xúc tiến đầu tư với phương châm phục vụ, chăm sóc tối ưu, theo sát bước chân nhà đầu tư, doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai dự án và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, tỉnh còn nâng cao trách nhiệm, thái độ ứng xử làm việc đội ngũ cán bộ tiếp xúc làm việc trực tiếp với nhà đầu tư, doanh nghiệp..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục