Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023: Gỡ nút thắt về đấu thầu trong đầu tư công

13:11' - 19/09/2023
BNEWS Vấn đề cần nâng cao năng lực, động lực và giải pháp căn cơ nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tăng cường nội lực, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững" diễn ra sáng ngày 19/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề cần nâng cao năng lực, động lực và giải pháp căn cơ nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tăng cường nội lực, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ 2021-2025.

Đây cũng là mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng xã hội trong việc tập trung mọi giải pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, gia tăng khả năng hấp thụ vốn, chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và các chính sách khác. Từ đó, giúp doanh nghiệp vượt khó, tăng cường năng lực nội sinh.

 
PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết, năm 2023, Việt Nam đặt mốc tăng trưởng 6,5%, đồng thời, tạo nên kỳ tích khác biệt là tăng trưởng cao nhưng lạm phát thấp. Đây là điều không bình thường, tạo nên sự khó khăn cho sản xuất nội địa và nền kinh tế hiện nay.

Một trong ba nghịch lý được PGS.TS Trần Đình Thiên chỉ ra là đất nước đang thừa tiền nhưng lại thiếu vốn. Nền kinh tế dù thừa tiền nhưng doanh nghiệp không đủ sức hấp thụ, không có khả năng tiếp cận được.

Tốc độ tăng trưởng của một số tỉnh, thành phố lớn đang là khu vực kinh tế đầu tàu cả nước ngày càng sụt giảm tốc độ tăng trưởng khi nguồn vốn đầu tư công đổ vào khu vực này giảm liên tục trong suốt 10 năm nay. Điều này chứng tỏ việc phân bổ đầu tư công quyết định tình hình tăng trưởng của các địa phương.

Theo ông Trần Đình Thiên, mấu chốt là cần khơi thông nguồn lực từ bên trong, giải quyết những ách tắc về phân bổ nguồn lực; đặc biệt là về đầu tư công.

Từ thực tế của cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khoá XIV-XV, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho hay, tình hình kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục khó khăn do cả yếu tố trong nước, như: tắc nghẽn thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp cũng như tình hình chậm giải ngân vốn đầu tư công và các yếu tố ngoài nước như cuộc chiến Nga-Ukraine khiến lạm phát khó kiểm soát và nguồn cung, đơn hàng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có nhiều thời cơ để phục hồi phát triển từ xu hướng dịch chuyển đầu tư cũng như những cơ hội kinh doanh khác từ vị thế chính trị đang lên của Việt Nam.

Ông Thân cũng kiến nghị nên tập trung tháo gỡ những nút thắt "nóng", có sức lan tỏa cao để tạo động lực cho thị trường, tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp và người lao động. Chẳng hạn như: thúc đẩy lĩnh vực đầu tư công và bất động sản. Bởi, đây là những khu vực có khả năng lan tỏa cao và trước mắt cần tập trung giải ngân vốn đầu tư công, phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời các ngành chức năng có những chính sách để khuyến khích doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được tham gia ít nhất 30% vào các dự án đầu tư công .

Người đại diện cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng kiến nghị phát huy vai trò của các tổ chức tập thể, tổ chức đại diện như: Liên minh hợp tác xã, Tổng Liên đoàn lao động, các hiệp hội và hội doanh nghiệp nhằm tăng cường liên kết, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước. Bên cạnh đó, ban hành các chính sách thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nội địa thông qua các giải pháp về tài khóa như kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT; hỗ trợ giảm thuế nhập khẩu, giảm các loại thuế, phí lệ phí...

Để khơi thông dòng vốn đầu tư công, tạo động lực phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững, GS.TS Phạm Hồng Chương cho hay, trong nhiều nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian gần đây chính là hoạt động đấu thầu. Đây là khâu phức tạp, tốn nhiều thời gian khiến việc sử dụng nguồn vốn Nhà nước chưa đạt được hiệu quả như kì vọng.

Nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc đấu thầu, Quốc hội đã thông qua Luật Đấu thầu sửa đổi nhằm tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn Nhà nước; khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Việc thực hiện hiệu quả các quy định của luật sẽ giúp đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn đầu tư công, giúp nguồn vốn này phát huy được vai trò trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

Để các quy định về đầu tư công nhanh chóng đi vào thực tiễn, theo GS.TS Phạm Hồng Chương, các văn bản hướng dẫn những nội dung tại Luật Đầu tư công (sửa đổi) cần được ban hành kịp thời, có chất lượng. Các bộ, ngành liên quan cũng xây dựng, ban hành kịp thời các thông tư, văn bản hướng dẫn cần thiết. Đặc biệt  khi xây dựng thông tư cần giữ đúng tinh thần của luật, vì lợi ích chung; không để xảy ra tình trạng luật, nghị định thông thoáng nhưng lại cài cắm quy định, điều kiện tại thông tư.

Các cơ quan quản lý Nhà nước về đấu thầu cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Đấu thầu sửa đổi 2023 đến các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan; xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra vi phạm như xây dựng, mua sắm công, cung cấp dịch vụ tư vấn. Cùng với đó, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đấu thầu, phục vụ việc quản lý, giám sát và nghiên cứu, đánh giá hoạt động đấu thầu.

GS.TS Phạm Hồng Chương khuyến nghị: Cần tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đối với các chủ đầu tư, bên mời thầu nắm vững các quy định của luật; tăng cường sự tham gia của các nhà thầu trong quá trình đấu thầu, đặc biệt là các nhà thầu nhỏ, yếu, nhà thầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà thầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao.... Ngoài ra, cần tăng cường ứng dụng thông tin trong đấu thầu để thúc đẩy tiến trình vận hành, nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công trên thực tiễn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục