Điện hạt nhân sẽ có tương lai ở Nhật Bản?

05:30' - 29/07/2019
BNEWS Tờ Thời báo Nhật Bản mới đây đăng bài phân tích về tương lai của điện hạt nhân ở Nhật Bản của tác giả Sumiko Takeuchi.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AFP/TTXVN

Với tiêu đề “Điện hạt nhân sẽ có tương lai ở Nhật Bản?”, tác giả bài viết đã chỉ ra những khó khăn trong việc phát triển điện hạt nhân ở Nhật Bản và kết luận rằng ngành kinh doanh điện hạt nhân “không có tương lai” ở nước này. 

Năng lượng hạt nhân được coi là nguồn năng lượng tương đối có lợi trên tất cả các khía cạnh của một chính sách năng lượng gồm an ninh năng lượng, kinh tế và môi trường. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima năm 2011 đã dẫn tới những lời kêu gọi loại bỏ điện hạt nhân ở Nhật Bản. Vậy nguồn năng lượng này liệu có tương lai ở “đất nước Mặt Trời mọc”?

Cùng với năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân là một nguồn năng lượng có lượng khí thải carbon thấp. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Liên đoàn các nhà khoa học liên quan (UCS), những tổ chức đã nhiều lần bày tỏ quan ngại sâu sắc về các rủi ro mà năng lượng hạt nhân gây ra, cho rằng việc mở rộng hoạt động của các nhà máy điện hiện nay là biện pháp rẻ nhất để chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu.

Có một thực tế không thể phủ nhận rằng năng lượng hạt nhân là nhân tố quan trọng để đảm bảo đạt được tiến bộ thực chất trong việc giảm lượng khí thải carbon trong quá trình phát điện.

Đối với Nhật Bản, nước không có nguồn nhiên liệu hóa thạch, điện hạt nhân cũng là nguồn năng lượng có ưu thế cao về mặt an ninh năng lượng và ổn định nguồn cung. Cũng giống như nhiên liệu hóa thạch, Nhật Bản vẫn phụ thuộc vào việc nhập khẩu uranium, nhưng chỉ cần một lượng nhỏ loại nhiên liệu này có thể tạo ra một lượng điện lớn.

Cuộc tấn công gần đây vào 2 tàu chở dầu ở Eo biển Hormuz đã đẩy giá dầu tăng cao. Hai cú sốc giá dầu trong những năm 1970 đã tác động lớn tới cuộc sống của người dân Nhật Bản khi giá điện tăng 50%. Không ai có thể đảm bảo một cuộc khủng hoảng tương tự sẽ không bao giờ tái diễn.

Có một thực tế là điện hạt nhân đã mất dần ưu thế ở Nhật Bản sau khi Cơ quan Quản lý Hạt nhân (NRA) siết chặt các tiêu chuẩn an toàn đối với các nhà máy điện hạt nhân sau cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima. Chi phí nâng cấp các lò phản ứng hạt nhân nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn mới của NRA gần bằng chi phí để xây dựng lò phản ứng mới.

Để thu hồi vốn đầu tư khi phải bỏ ra một nguồn vốn lớn như vậy cần thời gian hoạt động dài và hiệu suất sử dụng cao. Tuy nhiên, các nhà máy điện hạt nhân lại cần có sự đồng ý của chính quyền địa phương trước khi đi vào hoạt động. Điều này khiến cho chi phí vận hành nhà máy điện hạt nhân càng tăng.

Mặc dù điện hạt nhân đang phải đối mặt với cuộc chiến gian nan về chi phí nhưng điều đó không có nghĩa Nhật Bản không còn cần điện hạt nhân bởi vì, nguồn năng lượng này có nhiều ưu thế.

Tác động của cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima là quá lớn, đủ để che mờ các lợi ích từ nguồn năng lượng này. Đa số người dân ở Nhật Bản đều phản đối điện hạt nhân. Trong bối cảnh đó, ngành kinh doanh điện hạt nhân ở Nhật Bản đang phải đối mặt với ba nhân tố bất ổn.

Trước hết, đó là sự bất ổn về chính trị. Chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, cho dù ổn định trong thời gian khá dài, không cung cấp đủ sự hỗ trợ cho ngành kinh doanh điện hạt nhân. Bên cạnh đó, Chính phủ đã giao cho các nhà máy điện hạt nhân phải tìm sự đồng thuận của chính quyền địa phương nơi đặt nhà máy trước khi đưa vào hoạt động.

Các thỏa thuận về an toàn không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, các lò phản ứng đang hoạt động sẽ gần như không thể hoạt động nếu không có sự chấp thuận của chính quyền địa phương. Bất cứ khi nào diễn ra bầu cử, các nhà máy điện hạt nhân lại rơi vào trạng thái bất an, và nếu có một nhà lãnh đạo mới được bầu, họ sẽ phải làm lại từ đầu.

Thứ hai, đó là sự bất ổn về chính sách. Nhật Bản đã tự do hóa hoàn toàn khâu bán lẻ điện. Trong một thị trường tự do hóa, các nhà máy điện hạt nhân có thể có tính cạnh tranh cao về mặt chi phí nhưng không có công ty nào dám vượt qua thách thức để xây dựng các nhà máy mới.

Do các nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi vốn đầu tư lớn, việc duy trì chi phí huy động vốn ở mức thấp sẽ có tác động lớn tới khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, việc huy động vốn giá rẻ là một điều không thể hy vọng ở một thị trường tự do cạnh tranh. Mỹ đã đưa ra chính sách bảo lãnh của Chính phủ cho việc vay vốn xây dựng lò phản ứng mới, trong khi một số bang hỗ trợ cho các nhà máy điện hạt nhân bằng cách cấp giấy chứng nhận tham gia chương trình không phát thải khí CO2.

Anh cũng bảo đảm giá bán cố định cho các nhà máy điện hạt nhân nhưng những hệ thống hỗ trợ như vậy không tồn tại ở Nhật Bản. 

Một vấn đề khác đang phủ bóng đen lên tương lai của các doanh nghiệp điều hành nhà máy này là chính sách tái sử dụng nhiên liệu hạt nhân. Giá uranium hiện nay hoàn toàn khác so với thời điểm khi Nhật Bản thông qua chính sách tái tạo nhiên liệu hạt nhân nhằm tái sử dụng nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

Vì vậy, việc duy trì chính sách này hiện nay rất khó khăn từ góc độ hiệu quả kinh tế. Định hướng tái sử dụng nhiên liệu hạt nhân sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành kinh doanh điện hạt nhân.

Thứ ba, sự bất ổn về các quy định pháp lý. Việc rà soát độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân kéo dài trong nhiều năm là một điều tương đối phổ biến. Bên cạnh đó, có quá nhiều vụ kiện đòi tạm ngừng hoạt động các nhà máy điện hạt nhân.

Mặc dù quyền tiếp cận tòa án của người dân là một nhân tố quan trọng nhưng điều bất thường đó là những người khởi kiện giống nhau và những luật sư giống nhau đã nộp đơn kiện tại nhiều tòa án quận khác nhau để tìm cách đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân.

Khi các nhà máy điện hoạt động trong một môi trường đầy bất trắc như vậy, có thể kết luận rằng ngành kinh doanh điện hạt nhân sẽ không thể bền vững và không có tương lai ở Nhật Bản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục