Điện lực Hà Giang chú trọng đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện trong dân

20:16' - 17/12/2023
BNEWS Công ty Điện lực Hà Giang chú trọng giảm thiểu các nguy cơ gây mất an toàn và giảm thiểu tối đa các tai nạn về điện, đảm bảo cho lưới điện vận hành an toàn, ổn định và liên tục.

Do địa hình đồi núi phức tạp, hệ thống lưới điện quản lý rộng nên công tác quản lý, đặc biệt là việc đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện trong nhân dân tại Hà Giang rất khó khăn.

Các tai nạn điện thường xảy ra do các nguyên nhân như tự ý trèo lên cột điện, trạm biến áp; xe cẩu mắc lên đường dây; treo các loại biển hiệu, quảng cáo vi phạm khoảng cách an toàn; xây dựng công trình nhà ở, kinh doanh dịch vụ du lịch, trồng hoặc để cây vi phạm hành lang lưới điện…

Điện lực Hà Giang đã tích cực triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, chủ động ứng phó với mọi tình huống nhằm giảm nhẹ đến mức thấp nhất các thiệt hại, đảm bảo cung cấp đủ nguồn điện phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Trong quá trình hoạt động, Công ty Điện lực Hà Giang luôn xác định đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cả về con người, trang thiết bị, lưới điện là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành điện.

Ông Nguyễn Tuấn Hưng, Phó trưởng Phòng An toàn (Công ty Điện lực Hà Giang), cho biết: Hoạt động với phương châm “sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất”, Ban Giám đốc Công ty đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các phòng chức năng và các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao ý thức đảm bảo ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ tới toàn thể cán bộ, công nhân viên và người lao động trong toàn đơn vị; thường xuyên chú trọng đến việc đầu tư, cải thiện điều kiện làm việc, trang bị phương tiện, thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân và thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

"Bên cạnh đó, Công ty còn xây dựng chế tài nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý ATVSLĐ, xử lý vi phạm; tổ chức điều hành sản xuất khoa học, hợp lý; khắc phục các tồn tại trong thiết kế, thi công, lấy kỹ thuật cơ bản làm then chốt; lựa chọn các công nghệ, thiết bị phù hợp đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia", Phó trưởng phòng Nguyễn Tuấn Hưng cho biết.

Hiện tại, Điện lực Hà Giang đã xây dựng và ban hành nội quy, quy trình bảo đảm ATVSLĐ; triển khai xây dựng các quy trình, quy định đảm bảo ATVSLĐ như: quy trình vận hành thiết bị lưới điện, quy trình vận hành thao tác xử lý sự cố từng đường dây, quy định trình tự khi công tác trên lưới điện. Ngoài ra, Công ty còn trang bị cho các đơn vị trực thuộc đầy đủ các biển báo, biển chỉ dẫn an toàn để thực hiện công việc…

Công ty hiện có 01 phòng An toàn. Tại các đơn vị trực thuộc, mỗi đơn vị đều bố trí ít nhất 01 cán bộ an toàn chuyên trách để thực hiện công tác an toàn lao động. Mỗi đội sản xuất có từ 1 đến 2 an toàn vệ sinh viên, với tổng số toàn Công ty có 51 an toàn vệ sinh viên.

Tính đến cuối năm 2023, Công ty Điện lực Hà Giang có 546/663 người làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; trong đó, số lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là 292 người.

Trong năm 2023, Công ty phối hợp tổ chức huấn luyện về công tác ATVSLĐ cho 506 người lao động thuộc nhóm 3, 89 người nhóm 4, 01 người nhóm 5 là và 51 người nhóm 6; tổ chức khám sức khỏe cho 650 người lượt người lao động, hiện tại toàn Công ty không có người mắc bệnh nghề nghiệp…

Đối với công tác tuyên truyền đảm bảo an toàn điện trong dân, Công ty Điện lực Hà Giang đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với với UBND các huyện, thành phố gửi văn bản, tờ rơi đến các xã, thôn, bản, cụm dân cư… với nội dung, hình thức, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện và cam kết bảo vệ hành lang lưới điện cao áp theo quy định của pháp luật. Với vị trí lưới điện có nguy cơ cao về vi phạm hành lang, các đơn vị thực hiện tuyên truyền về an toàn điện, thiết lập biên bản làm việc về đảm bảo an toàn với các chủ hộ, chủ công trình...

Điện lực các địa phương còn thực hiện hạ ngầm một số tuyến đường dây, nắn tuyến đường dây hạn chế đi qua khu dân cư; phối hợp với các cơ quan chức năng, các đơn vị viễn thông bó gọn đường dây, quản lý chặt chẽ việc treo các biển quảng cáo… nhằm hạn chế tối đa tai nạn, sự cố không đáng có xảy ra trong lao động và trên lưới điện. Phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra đường dây sau công tơ vào nhà dân và tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ nhân công giúp người dân cải tạo mạng lưới điện trong nhà, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn trong sử dụng điện…

Ông Nguyễn Ngọc Phan, Giám đốc Điện lực Đồng Văn chia sẻ: Để mọi người dân đều sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đơn vị thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên loa truyền thanh của các khu dân cư về cách sử dụng điện an toàn; phát tờ rơi, đặt banner, pano, áp phích với các khẩu hiệu vận động người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả...

Do đặc thù là vùng cao núi đá, đông đồng bào dân tộc sinh sống nên đơn vị đã chủ động phối hợp với các tổ dân phố, các thôn bản để lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các hộ dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Đồng thời, cắt cử cán bộ đến từng hộ dân khắc phục và cải tạo các đường dây, hệ thống điện của gia đình đảm bảo an toàn theo quy định và lắp đặt các thiết bị đóng, cắt có tính năng chống rò điện phù hợp. Khuyến cáo bà con nhân dân ngắt nguồn điện (tắt cầu dao) trong những trường hợp không cần thiết, nhất là vào mùa mưa bão để giảm thiểu nguy cơ chập cháy cũng như tai nạn về điện…

Nhằm thực hiện tốt công tác an toàn trong lao động, sản suất kinh doanh cũng như không để xảy ra sự cố cho thiết bị gây nguy hiểm cho con người, Điện lực Đồng Văn củng cố công tác quản lý hệ thống ATVSLĐ, nâng cao chất lượng sinh hoạt ATVSLĐ tuần tại các tổ sản xuất. Tăng cường, duy trì công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn lao động tại hiện trường sản xuất. Đẩy mạnh công tác kiểm tra hành lang an toàn lưới điện cao áp, duy trì quy chế phối hợp trong việc chặt tỉa cây trong và ngoài hành lang lưới điện cao, hạ áp khu vực nội thị; thường xuyên kiểm tra công tác kỹ thuật an toàn đối với lưới điện hạ áp nông thôn (cột, xà, dây dẫn, cách điện, tiếp đất…). Việc tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp và an toàn sử dụng điện trong nhân dân… cũng được đơn vị chú trọng.

Điện lực Đồng Văn được giao quản lý, vận hành, kinh doanh bán điện trên địa bàn hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Với diện tích tự nhiên là 1.025,9 km2, dân số 157.358 người, có 37 xã, thị trấn, là vùng lõi của Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, địa hình đồi núi phức tạp bị chia cắt (hơn 90% là núi đá). Do phong tục, tập quán canh tác của nhân dân (làm nương, rẫy) nên định cư không tập trung mà chủ yếu ở khu vực vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại rất khó khăn, khí hậu khắc nghiệt trình độ dân trí thấp có trên 80% là hộ nghèo...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục