Điện lực Thừa Thiên Huế đẩy mạnh chuyển đổi số

14:00' - 03/04/2022
BNEWS Công ty Điện lực Thừa Thiên – Huế đang đầu tư xây dựng hạ tầng nguồn lưới điện và đẩy mạnh chuyển đổi số, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động và cung cấp các dịch vụ tiện ích nhất đến khách hàng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế hiện nay, Công ty Điện lực Thừa Thiên – Huế đang đầu tư xây dựng hạ tầng nguồn lưới điện và đẩy mạnh chuyển đổi số, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động và cung cấp các dịch vụ tiện ích nhất đến khách hàng.

 

Công ty Điện lực Thừa Thiên – Huế hiện có khoảng 310.000 khách hàng tiêu thụ điện sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ…Từ đầu năm 2022 đến nay, phía Công ty đã tích cực chủ động triển khai một số dự án đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện phục hồi và phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Ông Hoàng Ngọc Hoài Quang, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên – Huế cho biết, trong năm 2022, đơn vị đang đầu tư trên 210 tỷ đồng để xây dựng mới, nâng cấp hạ tầng lưới điện trung hạ thế nhằm đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất và sinh hoạt của khách hàng, trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với thích ứng linh hoạt với dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Bên cạnh đó, công ty cũng bố trí hơn 52 tỷ đồng nhằm cải tạo, sửa chữa hệ thống lưới điện để nâng cao chất lượng truyền tải cung cấp điện đến khách hàng. Những dự án này đang được triển khai với tiến độ rất khẩn trương nhằm kịp thời đưa vào khai thác, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng gia tăng trở lại hiện nay.

Ngoài ra, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đang làm chủ đầu tư năm dự án lớn về hạ tầng điện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế, với tổng vốn đầu tư khoảng 560 tỷ đồng.

Cụ thể, xây dựng thêm các trạm biến áp 110kV cùng hệ thống lưới điện tại Khu công nghiệp Phong Điền, Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn 4, đảm bảo cấp điện cho các dự án du lịch nghỉ dưỡng trải dài từ xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang) - Vinh Hiền (huyện Phú Lộc), khu đô thị mới của thành phố Huế.

Những năm gần đây, Công ty Điện lực Thừa Thiên – Huế cũng đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm thay đổi cơ bản các nghiệp vụ sản xuất, kinh doanh theo định hướng nâng cao chất lượng, dịch vụ cung cấp điện cho khách hàng. Công ty Điện lực Thừa Thiên – Huế phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành doanh nghiệp số trên toàn bộ các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Hoàng Ngọc Hoài Quang, chuyển đổi số vừa là cơ hội, vừa là thách thức của ngành điện để phục hồi và phát triển. Hiện nay, Công ty Điện lực Thừa Thiên – Huế đã tích cực và chủ động triển khai các chương trình chuyển đổi số trên ba lĩnh vực then chốt.

Cụ thể, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ nhân viên, đặc biệt là cán bộ quản lý để tạo sự chuyển biến từ tư duy đến hành động; chuyển đổi số trong quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả; chuyển đổi số về công nghệ tự động hóa lưới điện, lưu trữ thông tin.

Những năm gần đây, đơn vị tập trung đầu tư mạnh vào hệ thống giám sát điều khiển tự động lưới điện, ứng dụng các công nghệ đo xa, giám sát tình trạng vận hành thiết bị trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ sửa chữa nóng lưới điện…

Theo lãnh đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên – Huế, hiện nay toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh và dịch vụ khách hàng của đơn vị đã được thực hiện trên môi trường số, các dịch vụ trực tuyến được hoàn thiện và ứng dụng mạnh mẽ như số hóa toàn bộ dữ liệu khách hàng, ghi đọc chỉ số công tơ từ xa, thanh toán trực tuyến...

Bên cạnh đó, Công ty cũng đưa các dịch vụ trực tuyến của ngành điện lên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công tỉnh Thừa Thiên – Huế, phấn đấu trong năm 2022 sẽ hoàn thành dịch vụ cấp độ 4 trên các cổng dịch vụ công.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, hai năm qua Công ty Điện lực Thừa Thiên – Huế còn triển khai nhiều đợt giảm giá điện cho khách hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là các khách hàng kinh doanh dịch vụ du lịch.

Cụ thể số tiền hỗ trợ khách hàng trong năm 2020 là hơn 122 tỷ đồng, năm 2021 là trên 18 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Thừa Thiên – Huế còn chủ động thực hiện các giải pháp cung cấp điện an toàn liên tục và miễn phí sử dụng điện cho các cơ sở cách ly, bệnh viện phục vụ chống dịch của địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục