Điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần, Bộ Công Thương nói gì?

14:35' - 16/10/2023
BNEWS Bộ Công Thương vừa có báo cáo số 190/BC/BCT gửi Thủ tướng về thông tin liên quan dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đã trình trước đó.

Theo Bộ Công Thương, việc rút ngắn chu kỳ điều hành giá điện bán lẻ bình quân từ 6 tháng/lần như hiện nay xuống còn 3 tháng sẽ giúp giá điện không bị dồn tích chi phí, ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

 
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương cho biết, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang được thực hiện theo Quyết định 24/2017 và áp dụng theo quy tắc: Thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng. Việc tăng giá điện sẽ được thực hiện nếu cơ quan quản lý rà soát, kiểm tra và xác định các chi phí đầu vào khiến giá thành điện tăng từ 3% trở lên.

Theo dự thảo mới thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân do Bộ Công Thương đề xuất, thời gian điều chỉnh giá điện sẽ được giảm từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần. Như vậy, mỗi quý sẽ có một đợt thay đổi giá nếu chi phí đầu vào của giá điện liên tục tăng và một năm giá sẽ được cập nhật tối đa 4 lần theo chi phí phát điện.

Bộ Công Thương cho biết, dù đã có quy định về việc tăng giá điện nhưng việc thực thi quyết định này không diễn ra định kỳ. Từ năm 2017 đến nay, giá điện mới được điều chỉnh 3 lần với mức tăng 6,08% vào năm 2017, 8,36% vào năm 2019 và được giữ nguyên trong suốt 4 năm (tháng 5/2023 vừa qua mới tăng thêm 3%).

Thực tế điều chỉnh giá bán điện bình quân các năm qua luôn thấp hơn so với phương án đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và kết quả rà soát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Điều này dẫn tới chi phí bị dồn tích do mức điều chỉnh không đủ để thu hồi các chi phí phát sinh chưa được tính hoặc chưa được tính đủ vào giá điện.

"Đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá tối thiểu 6 tháng xuống 3 tháng là phù hợp. Việc này đảm bảo chi phí không bị dồn tích nhiều, gây ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của EVN, và dần đưa giá điện thích ứng với biến động các thông số đầu vào theo thị trường", Bộ Công Thương cho hay. Bộ này cũng cho biết, các bộ, ngành không phản đối khi được lấy ý kiến.

Về một số ý kiến chuyên gia liên quan đến việc điều chỉnh giá điện, đặc biệt là đề xuất cần đảm bảo tính công khai minh bạch, tránh lạm quyền và cần thành lập Hội đồng năng lượng độc lập ngoài EVN, Bộ Công Thương cho rằng, việc thực hiện điều chỉnh giá điện các năm qua đã ngày càng minh bạch hơn khi có sự tham gia của các bộ, cơ quan có liên quan như Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Do đó, việc thành lập Hội đồng năng lượng độc lập là không cần thiết.

Liên quan việc điều chỉnh tăng giá điện, đầu tháng 8 vừa qua, EVN có văn bản gửi Bộ Công Thương cho rằng sẵn sàng điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo hướng tăng, giảm theo thị trường nếu chi phí đầu vào tăng 3% trở lên. Tập đoàn cũng sẽ giảm giá điện nếu chi phí đầu vào giảm 1%. EVN cũng cho biết, ủng hộ việc Bộ Công Thương mời tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN và các đơn vị thành viên để minh bạch thông tin trước dư luận.

Trước đó, Bộ Công Thương cho biết, cũng đã hoàn tất xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất hai trường hợp mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn thuộc nhóm sản xuất.

Phương án 1, doanh nghiệp có thể mua bán điện trực tiếp thông qua đường dây riêng do tư nhân đầu tư (không phải mua bán điện thông qua EVN).

Phương án 2, doanh nghiệp và bên phát điện có thể mua bán điện thông qua hệ thống lưới điện quốc gia.

Về việc mua bán điện trực tiếp, không thông qua EVN, một lãnh đạo EVN cho biết, tập đoàn ủng hộ chủ trương doanh nghiệp lớn được mua bán điện trực tiếp với đơn vị phát điện.

Theo vị này, với cơ chế giá điện như hiện nay, việc mua bán điện không thông qua EVN sẽ giúp giảm gánh nặng cho ngành điện trong việc đầu tư nguồn phát, đường dây truyền tải đồng thời thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp tư nhân ngoài ngành điện. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp sẽ được mua điện rẻ hơn, nhưng cũng có thể phải mua giá cao hơn theo diễn biến giá thực tế của chi phí đầu của đơn vị phát điện.

Tháng 8 vừa qua, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các doanh nghiệp do cơ quan này làm đại diện chủ sở hữu. Theo báo cáo, số lỗ 6 tháng đầu năm 2023 của EVN là hơn 35.400 tỷ đồng. Còn tính đến hết 8 tháng, số lỗ của EVN dự kiến lên tới hơn 28.700 tỷ đồng.

Như vậy, nếu tính chung số lỗ 26.500 tỷ đồng của năm 2022 (chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá) và 8 tháng của năm 2023, công ty mẹ EVN lỗ tổng cộng trên 55.000 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục