Doanh nghiệp điều chỉnh phụ tải để đảm bảo nguồn điện, nâng cao năng lực cạnh tranh

20:49' - 24/04/2024
BNEWS Điều chỉnh phụ tải điện, điều chỉnh công suất tiêu thụ điện là một trong những chương trình quản lý nhu cầu điện hướng đến khuyến khích doanh nghiệp chủ động điều chỉnh giảm nhu cầu sử dụng điện.

Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả không chỉ góp phần giảm áp lực cung ứng điện mà còn tiết kiệm điện, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh; những lợi ích khi doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải điện để giảm chi phí góp phần giảm giá thành sản xuất, tối ưu hoá năng lực cạnh tranh…

Đây là vấn đề được đông đảo các đại biểu là nhà đầu tư, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, chuyên gia, nhà quản lý, chính quyền địa phương quan tâm trao đổi, thảo luận sôi nổi tại hội thảo "Điều chỉnh phụ tải, thực trạng và giải pháp nhằm giảm nguy cơ quá tải lưới điện" do Tổng Công ty Điện lực Tp. Hồ Chí Minh cùng Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức vào chiều 24/4.

Khái quát về Chương trình DR (Demand Response - DR) phấn đấu giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia ít nhất 90 MW vào năm 2020, 300 MW vào năm 2025 của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Quang Thắng, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, đây là mục tiêu tiết kiệm điện đã và đang được nhiều doanh nghiệp trong cả nước cam kết thức hiện.

 

Trong đó, điều chỉnh phụ tải điện, điều chỉnh công suất tiêu thụ điện là một trong những chương trình quản lý nhu cầu điện hướng đến khuyến khích doanh nghiệp chủ động điều chỉnh giảm nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt là trong những khung giờ cao điểm, nhằm giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải. Dịch chuyển biểu đồ phụ tải giúp doanh nghiệp giảm chi phí bằng cách sử dụng điện vào các khoảng thời gian khi giá điện thấp hơn như vào ban đêm hoặc vào các thời điểm thấp điểm trong ngày góp phần giảm áp lực cung cấp điện trong mùa nắng nóng, hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện.

Theo thống kê, một số doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện, đã tiết giảm được 25 - 30% tổng công suất tiêu thụ điện từ đó tiết kiệm được gần 15% tiền điện. Việc giảm chi phí năng lượng giúp tiết kiệm tài chính cho doanh nghiệp, đồng thời giảm áp lực đối với hệ thống điện lưới vào các thời điểm cao điểm. Doanh nghiệp tham gia chương trình này còn đóng góp vào việc giảm lượng khí thải carbon và các khí thải gây ô nhiễm khác từ việc sản xuất điện.

Chia sẻ những lợi ích khi doanh nghiệp phối hợp thực hiện điều chỉnh phụ tải điện, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, đây là giải pháp tốt nhất để doanh nghiệp tiết kiệm điện mà không phải tốn kém quá nhiều vào việc cải tạo, đầu tư trang thiết bị mới hay đầu tư lên hệ thống điện; góp phần giảm tác động tới giá thành sản xuất điện, giá bán điện. Với doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện còn được ngành điện hỗ trợ thông qua các chương trình ưu đãi như: nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đưa vào danh sách khách hàng ưu tiên cấp điện, rút ngắn thời gian xử lý sự cố lưới điện, hỗ trợ tối đa các yêu cầu phát sinh trong quá trình sử dụng điện, tư vấn miễn phí về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả…

Theo ông Võ Quang Lâm, giải pháp này cũng giúp ngành điện cân bằng cung cầu, mang lại hiệu quả kinh tế cho hệ thống điện đồng thời giúp tăng hiệu quả đầu tư, nâng cao độ tin cậy, chất lượng cung cấp điện, tối ưu hóa cân bằng cung cầu.

"Trong bối cảnh nguồn cung cấp điện còn nhiều khó khăn, đặc biệt vào cao điểm nắng nóng như hiện nay, việc tiết kiệm điện thông qua điều chỉnh phụ tải không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của ngành điện mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội từ những khách hàng sử dụng điện sinh hoạt đến những đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ, giúp đảm bảo cung ứng điện", Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Võ Quang Lâm nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Trần Hoài Nam, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí Điện Thành phố Hồ Chí Minh cũng khái quát về chính sách ưu đãi theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010. Trong đó, có những quy định cụ thể về ưu đãi về thuế, vốn vay và cả những dự án thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng được xem xét, hỗ trợ kinh phí từ chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…

Theo ông Trần Hoài Nam, việc kêu gọi doanh nghiệp tham gia tiết kiệm điện là cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay thường nắng nóng kéo dài, dẫn tới nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

"Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp rõ nên ngành điện cần tăng cường hơn nữa thông tin, tuyên truyền; đặc biệt là những lợi ích từ việc thực thi các chính sách, điều chỉnh phụ tải tiết kiệm điện để từ đó họ cùng tham gia dự án, chương trình quốc gia về tiết kiệm năng lượng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu  Net Zero vào năm 2050", ông Trần Hoài Nam chia sẻ.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2024, nhiều ngành kinh tế đã có bước phục hồi tích cực, thời tiết nắng nóng đến sớm và kéo dài nên nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Sản lượng điện thương phẩm 3 tháng đầu năm đạt 61,677 tỷ kWh, tăng 11,42% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, tăng trưởng cao ở các nhóm thành phần phụ tải như: Công nghiệp – xây dựng (tăng 10,73%), nông nghiệp (tăng 16,19%), thương mại – khách sạn – nhà hàng (tăng 18,63%); tăng trưởng điện thương phẩm của thành phần sinh hoạt ở mức 18,07%. Riêng khu vực miền Nam (gồm 21 tỉnh phía Nam) do đang trong giai đoạn cao điểm của nắng nóng mùa khô nên tăng trưởng 19,3%; Tp. Hồ Chí Minh tăng trưởng 15,18%, sản lượng điện tiêu thụ liên tiếp tăng cao trong tháng 4/2024 và có ngày tăng gần 98 triệu Kwh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục