Điều gì khiến BoC gặp khó khăn trong kiểm soát lạm phát?

08:48' - 31/03/2024
BNEWS Khi các công ty hoạt động hiệu quả hơn, họ có thể kiếm được lợi nhuận cao hơn và trả mức lương tốt hơn mà không làm tăng chi phí cho khách hàng.

Theo tờ “The Globe and Mail”, Ngân hàng trung ương Canada (BoC) vừa đưa ra cảnh báo cho biết năng suất lao động yếu và mức đầu tư kinh doanh thấp sẽ khiến quá trình kiểm soát lạm phát trở nên khó khăn hơn và có thể làm suy yếu tăng trưởng kinh tế trong năm 2024.

 

Trong bài phát biểu hôm 26/3 tại Halifax, Nova Scotia, Canada, Phó Thống đốc BoC Carolyn Rogers đã nói rằng Canada đang ngày càng tụt hậu so với Mỹ và các quốc gia ngang hàng khác, khi xét về sản lượng kinh tế trên mỗi giờ làm việc.

Bà Rogers chỉ ra đầu tư kinh doanh yếu kém, cạnh tranh ít ỏi và thiếu sự hòa nhập giữa những người nhập cư có tay nghề vào lực lượng lao động người Canada là những nguyên nhân chính giải thích cho hiện tượng nói trên.

Tình hình thậm chí đã trở nên tồi tệ hơn trong thập kỷ qua, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Tính đến hết quý IV/2023, năng suất lao động của Canada đã giảm trong sáu quý liên tiếp.

Bà Rogers nói: “Trở lại năm 1984, nền kinh tế Canada đã tạo ra 88% giá trị trên mỗi giờ làm việc dựa trên tiêu chuẩn của Mỹ. Nhưng đến năm 2022, năng suất của Canada đã giảm xuống chỉ bằng 71% so với Mỹ. Trong cùng khoảng thời gian này, Canada cũng tụt lại phía sau Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), chỉ trên mỗi Italy”.

Bài phát biểu của bà Rogers có một số gợi ý về triển vọng lãi suất trước thềm thềm cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của BoC vào ngày 10/4. Bà nhấn mạnh tăng trưởng năng suất yếu khiến BoC gặp khó khăn hơn trong việc kiểm soát lạm phát theo thời gian.

Khi các công ty hoạt động hiệu quả hơn, họ có thể kiếm được lợi nhuận cao hơn và trả mức lương tốt hơn mà không làm tăng chi phí cho khách hàng. Nếu năng suất chậm lại, chi phí lao động tăng sẽ dẫn đến giá cả tăng.

Bà Rogers nói: “Tăng năng suất là một cách để bảo vệ nền kinh tế của chúng ta khỏi những đợt lạm phát trong tương lai, mà không cần phải phụ thuộc quá nhiều vào việc giải quyết lãi suất cao hơn”.

Có rất nhiều lời giải thích cho lý do tại sao Canada tụt hậu về năng suất, mặc dù có lực lượng lao động được đào tạo tốt, văn hóa nghiên cứu mạnh mẽ và khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài thông qua các hiệp định thương mại.

Bà Rogers đề cập đến hai điểm chính: doanh nghiệp đầu tư yếu kém vào máy móc, thiết bị và sở hữu trí tuệ (IP); và các vấn đề trong thị trường lao động trong việc kết nối lao động có tay nghề với công việc phù hợp.

Bà lưu ý rằng Canada có tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ lớn hơn và có xu hướng đầu tư ít hơn. Nhưng bà cũng chỉ ra sự cạnh tranh yếu kém ở Canada, sự không chắc chắn về quy định và điều mà bà gọi là văn hóa kinh doanh không thích rủi ro.

Bà đánh giá: “Nền kinh tế Canada có nhiều lĩnh vực mà các công ty phải đối mặt với mức độ cạnh tranh hạn chế, dù là từ các công ty ở các tỉnh khác, đối thủ nước ngoài hay những người mới tham gia. Tất nhiên, mỗi quốc gia đều có những lĩnh vực nhất định mà mình ủng hộ và có thể có những lý do chính đáng để bảo vệ các doanh nghiệp địa phương. Mặc dù vậy, bảo vệ quá nhiều có thể dẫn đến nhiều vấn đề”.

>>>Vỡ nợ - câu chuyện không của riêng một nền kinh tế phát triển nào

Khi nói đến thị trường lao động, Phó Thống đốc BoC cho rằng Canada cần làm tốt hơn nữa việc hòa nhập những người lao động mới vào nền kinh tế và điều chỉnh hệ thống nhập cư cho phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Liên quan đến phát biểu của bà Rogers, ông Colin Deacon, thành viên Ủy ban Kinh tế, Thương mại và Ngân hàng của Thượng viện Canada, cho biết cách giải quyết vấn đề đầu tư kinh doanh yếu kém là tăng cường hoạt động của Cục Cạnh tranh và giao nhiệm vụ giải quyết các chính sách phản cạnh tranh trong nhiều điều luật khác nhau. Các Giám đốc điều hành (CEO) sẽ xem xét đầu tư nghiêm túc hơn nếu họ bị đối thủ cạnh tranh bám sát.

Ông Ben Bergen, Chủ tịch Hội đồng các nhà đổi mới Canada, khẳng định bà Rogers đã đúng khi nhấn mạnh vấn đề, nhưng phân tích của bà chưa đầy đủ. Cần phải lưu ý rằng Canada làm việc kém hiệu quả trong việc hỗ trợ các công ty phát triển, duy trì và thương mại hóa tài sản trí tuệ IP. Toàn bộ chiến lược đổi mới của Ottawa - cách quản lý tài trợ nghiên cứu, trợ cấp công nghiệp, chính sách thương mại và luật thuế - cần phải thay đổi.

Ông Tim Sargent, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu mức sống, cho biết dù chẩn đoán của BoC là gì thì cái giá phải trả nếu không giải quyết vấn đề năng suất và đầu tư của Canada là rất lớn.

Ông nhấn mạnh: “Khi giá tài nguyên tăng cao, chúng ta vẫn có thể tạo ra cuộc sống tốt đẹp cho mọi người. Nhưng những mức giá đó có thể giảm xuống”.

Đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực tài nguyên của Canada đặc biệt yếu kể từ đợt suy thoái giá dầu năm 2015. Cách chắc chắn duy nhất để nước này tiếp tục duy trì vị thế trong số các nước tiên tiến và có mức sống cao là đảm bảo năng suất lao động tăng trưởng trong một thời gian dài.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục