Điều gì khiến Indonesia không thể hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19?

06:30' - 20/05/2021
BNEWS Theo Diễn đàn Đông Á, Chính phủ Indonesia đã đặt mục tiêu đầy tham vọng sẽ hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng 3/2022, cho 181,5 triệu người dân đủ điều kiện tiêm chủng.

Theo mục tiêu của Chính phủ Indonesia đưa ra, trong giai đoạn đầu tức là hết tháng 4/2021, nước này sẽ tiêm chủng cho 40,2 triệu nhân viên y tế, công chức và những đối tượng là người cao tuổi. Giai đoạn tiếp theo Indonesia sẽ hướng tới mục tiêu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho 141,3 triệu người thuộc nhóm đối tượng dân số dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và có thể mở rộng ra các đối tượng khác.

Tuy nhiên, việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Indonesia diễn ra chậm chạp và được đánh giá là thiếu tính tổ chức. Tính đến ngày 11/5/2021, có 13,68 triệu người Indonesia đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên ngừa COVID-19 và chưa đến 9 triệu người được tiêm đủ cả hai mũi vaccine Sinovac hay AstraZeneca mà Indonesia đã nhập khẩu. Điều này có nghĩa là chỉ có khoảng 5% số người đủ điều kiện được tiêm vaccine đầy đủ.

Trong các nhóm đối tượng ưu tiên tại Indonesia, tỷ lệ tiêm chủng cao nhất được ghi nhận tại nhóm các đối tượng là nhân viên y tế, trong đó 93,1% nhân viên y tế Indonesia đã được tiêm chủng. 

Tiếp theo là nhóm cán bộ công chức với 33%. Mặc dù nhóm đối tượng là những người cao tuổi được đưa vào danh sách các nhóm ưu tiên tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Indonesia, nhưng tỷ lệ tiêm chủng cho nhóm dễ bị tổn thương nhất này mới chỉ đạt 8,43% số người được tiêm.

Ước tính cho thấy với trung bình 60.433 liều vaccine ngừa COVID-19 được Indonesia tiêm hàng mỗi ngày, quốc gia này sẽ mất hơn 10 năm để tiêm chủng cho 75% dân số của mình. Và đây là giả định được xây dựng dựa trên điều kiện tốt nhất và khả quan nhất như việc Indonesia tiếp nhận đầy đủ vaccine và tiến hành tiêm chủng một cách thuận lợi, không bị cản trở bởi các vấn đề kỹ thuật…

Nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Indonesia có thể do nguồn cung vaccine trên thế giới hạn chế hay sự thiếu chuẩn bị của hệ thống y tế quốc gia, trong đó nguồn cung vaccine là yếu tố quan trọng nhất.

Năng lực sản xuất vaccine của các quốc gia trên thế giới hiện nay còn hạn chế. Để đáp ứng tiêm chủng cho 70% dân số toàn cầu, thế giới cần ít nhất 11 tỷ liều vaccine. Số lượng vaccine lớn này không thể được các nhà sản xuất đáp ứng trong một sớm một chiều.

Chủ nghĩa bảo hộ dân tộc của các quốc gia có thu nhập cao với việc tăng cường thu mua vaccine ngừa COVID-19 cũng đang đặt ra thách thức lớn đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong việc đảm bảo đủ số lượng vaccine cho người dân, trong đó có Indonesia. 

Đến tháng 6/2021, Indonesia dự kiến sẽ được cung cấp khoảng 80 triệu liều vaccine của hãng Sinovac và AstraZeneca để tiêm chủng cho 40 triệu công dân thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Nhưng tỷ lệ này chỉ chiếm 22% tổng dân số đủ điều kiện tiêm chủng tại Indonesia.

Trong trường hợp số lượng vaccine đủ để đáp ứng nhu cầu cho Indonesia, việc quản lý số lượng vaccine này một cách hiệu quả cũng đòi hỏi Indonesia phải có một hệ thống y tế đủ năng lực để bảo quản, vận chuyển và tiêm chủng trong điều kiện Indonesia là một quốc đảo bị chia cắt bởi khoảng 17.000 hòn đảo lớn nhỏ. Đây cũng sẽ là một thách thức rất lớn đối với nước này.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nhân viên y tế và sự bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ y tế có thể làm chậm việc tiêm chủng vaccine tại Indonesia. Việc xác định trước khi tiêm chủng của nhóm người dễ bị tổn thương, cũng như việc giám sát, ghi chép và báo cáo số liệu sau khi tiêm chủng cũng đòi hỏi phải có một hệ thống thông tin y tế đủ năng lực. 

Tuy nhiên, hệ thống đăng ký dân số và thông tin y tế của Indonesia vẫn còn nhiều hạn chế và đang bị phân tán. Những thách thức này của hệ thống y tế tại Indonesia cùng với sự thiếu minh bạch về số liệu, phân phối và mua sắm vaccine… sẽ khiến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là nhóm người cao tuổi bị hạn chế rất lớn trong việc tiếp cận với vaccine ngừa COVID-19.

Việc cho phép tư nhân tham gia các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Indonesia với tên gọi Vaksin Mandiri có thể sẽ làm phức tạp thêm các vấn đề về quản lý dữ liệu và chuỗi cung ứng. 

Mặc dù kế hoạch này chưa được chính thức thực hiện, song Vaksin Mandiri có thể dẫn đến thất bại do rất nhiều các yếu tố liên quan. Như vậy, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương tại Indonesia sẽ càng thêm khó khăn trong việc tiếp cận với vaccine ngừa COVID-19.

Hoàn thành hiệu quả mục tiêu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự tin tưởng và minh bạch của người dân. Sự do dự tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong người dân Indonesia ở mức cao với gần 35% người Indonesia bày tỏ chưa sẵn sàng tiêm vaccine do lại ngại về tính an toàn và các yếu tố liên quan đến vấn đề tôn giáo vì số người này cho rằng vaccine ngừa COVID-19 có liên quan đến thịt lợn, một trong những thứ cấm kỵ của đạo Hồi. 

Các chiến lược truyền thông chủ động là rất quan trọng để cung cấp cho cộng đồng thông tin chính xác và nhất quán về lợi ích của vaccine để khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Indonesia.

Giới chuyên gia cho rằng Indonesia cần phải có các chiến lược đa diện để tăng cường độ bao phủ của chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Các cam kết chính trị và tài chính từ chính phủ phải được thực hiện để đảm bảo số lượng vaccine Indonesia có thể nhập khẩu nhiều hơn nữa và chính phủ cũng cần tham gia hỗ trợ mạnh mẽ cho hệ thống y tế cộng đồng có khả năng đáp ứng nhu cầu cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Indonesia cần rút kinh nghiệm từ những những gì đã xảy ra trước đây trong việc triển khai các chương trình tiêm chủng bắt buộc, chính phủ phải tận dụng năng lực cốt lõi của việc chăm sóc sức khỏe, các trung tâm y tế cộng đồng và nhân viên y tế cộng đồng để đẩy mạnh thực hiện tiêm chủng COVID-19 cho người dân.

Những nỗ lực trên phải được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ trong toàn hệ thống chính trị trên khắp lãnh thổ quốc gia của Indonesia. Hệ thống đăng ký tiêm chủng trực tuyến cũng phả được nâng cấp để mang lại sự tiện lợi cho người dân và có thể thông qua đây để thống kê số liệu cần thiết.

Để đảm bảo tiếp cận và tham gia vào một chương trình tiêm chủng đại trà đòi hỏi phải có truyền thông nhất quán và minh bạch nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin của người dân. Những bất lợi về kinh tế và xã hội đối với việc tiếp nhận tiêm chủng phải được giải quyết thông qua việc thực hiện các chiến lược tiêm chủng toàn dân. 

Tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho toàn dân không phải là việc làm đơn giản. Việc này cần được thực hiện kèm với các chiến lược kiểm soát đại dịch rộng hơn như tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe, thu hút và thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng và giải quyết các vấn đề cơ cấu và xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục