Điều hành chính sách tiền tệ cởi mở, NHNN để ngỏ câu chuyện lãi suất

15:36' - 17/10/2024
BNEWS Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ cởi mở, nhằm hỗ trợ được nhiều vốn hơn, hỗ trợ lãi suất tốt hơn cho doanh nghiệp, người dân, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.

Đây là khẳng định của Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại buổi họp báo thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý III/2024 diễn ra chiều 17/10 tại Hà Nội.

Riêng về điều hành lãi suất, Phó Thống đốc cho biết: "Chúng tôi để ngỏ câu chuyện lãi suất điều hành thời gian tới, sẽ tiếp tục duy trì như hiện nay hay có thể giảm lãi để hỗ trợ nền kinh tế. Trong điều kiện đảm bảo lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng và quan hệ tỷ giá, chúng tôi sẽ nghiên cứu xem xét lãi suất điều hành trong thời gian tới".

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh tín dụng trong thời gian tới tiếp tục được tập trung vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, các dự án lớn, dự án giao thông BT, BOT, các dự án liên quan đến phát triển kinh tế xã hội, phát triển lúa gạo, xuất khẩu thủy hải sản... Đối với người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do bão lũ, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có các chính sách, chương trình hỗ trợ theo chỉ đạo chung của Chính phủ.

Ông Đào Minh Tú cũng cho biết, nợ xấu là vấn đề rất được quan tâm và vẫn đang có xu hướng tăng lên, nhất là sau cơn bão số 3, mặc dù đã có chính sách cho phép cơ cấu nợ, giãn, hoãn nợ. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” góp phần phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

 

Cập nhật của Ngân hàng Nhà nước tính đến ngày 30/9/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 9% so với đầu năm, cao hơn cùng kỳ 9 tháng năm 2023 tới 16%; trong khi đó, huy động vốn 9 tháng tăng trưởng ở mức 5,28%. Xét về con số tuyệt đối, tổng số vốn cho vay toàn nền kinh tế đạt 14,7 triệu tỷ đồng trong khi huy động đạt khoảng 14,5 triệu tỷ đồng.

Đưa ra các con số trên, Phó Thống đốc khẳng định không có chuyện ngân hàng chỉ huy động mà không đẩy vốn ra nền kinh tế. Số dư nợ cao hơn số huy động cho thấy các ngân hàng huy động bao nhiêu cho vay ra bấy nhiêu, thậm chí còn sử dụng nguồn tiền từ chính vốn chủ sở hữu của ngân hàng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, quý III vừa qua đã mang lại nhiều cơ hội thuận lợi cho sự phát triển chung của nền kinh tế. Chính sách tiền tệ trên toàn cầu có dấu hiệu ổn định trở lại, đặc biệt sau khi Mỹ cắt giảm lãi suất và nhiều quốc gia khác cũng bắt đầu thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Điều này đã làm giảm áp lực về mặt tiền tệ đối với các quốc gia khác, bao gồm cả Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Ngân hàng Nhà nước so với năm 2023.

"Hiện tại, chúng ta đang chứng kiến sự khởi sắc trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có việc kiểm soát lạm phát. Với tốc độ này, mục tiêu tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát hoàn toàn có thể đạt được", ông Tú nhận định.

Trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, đảm bảo nguồn vốn dồi dào cho nền kinh tế. Trong quý III, thanh khoản của các ngân hàng luôn dồi dào, không có nhu cầu vốn hợp lý nào bị từ chối. Hạn mức tín dụng và tăng trưởng tín dụng đã được điều hành hài hòa với nhu cầu của nền kinh tế, đảm bảo hài hòa trong quan hệ với tỷ giá, huy động - cho vay... Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều chỉnh chính sách cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng một cách thông thoáng, tạo điều kiện cho các ngân hàng có năng lực phát triển.

Về tình hình tỷ giá trong quý III, áp lực đã giảm đáng kể. Nếu như trước đây tỷ giá có thời điểm tăng từ 5-6%, thì hiện tại, VND chỉ còn mất giá khoảng 1-2% so với đầu năm. Nhu cầu ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp đều được đáp ứng đầy đủ.

Về lĩnh vực thanh toán, qua một thời gian thực hiện quy định xác thực sinh trắc học, chính sách đã cho thấy những hiệu quả tích cực. Khoảng 38 triệu tài khoản đã được xác thực. Số vụ lừa đảo để lấy tiền trong tài khoản khách hàng đã giảm đáng kể.

Cũng trong chiều nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức lễ chuyển giao 2 ngân hàng mua bắt buộc. Cụ thể, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng (CBBank) sẽ chính thức được chuyển giao bắt buộc về với Vietcombank và Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) về với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).

Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định quyền lợi của người gửi tiền sẽ được đảm bảo trước, trong và sau khi chuyển giao bắt buộc. Về quyền lợi của ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc, các ngân hàng này sẽ được hỗ trợ theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục