Điều kiện kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh

15:05' - 16/07/2016
BNEWS Các điều kiện kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; dịch vụ đào tạo thuyền viên vừa được Chính phủ ban hành.

*Điều kiện kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh

Nghị định 77/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương vừa được Chính phủ ban hành.

Trong đó, quy định doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh phải có số tiền ký quỹ là 10 tỷ đồng Việt Nam nộp tại một tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp có kho, bãi theo quy định.

Kho, bãi phải có sức chứa tối thiểu là 100 công-ten-nơ lạnh loại 40 feet, diện tích tối thiểu là 1.500 m², được ngăn cách với bên ngoài bằng hàng rào cứng, được xây dựng với chiều cao tối thiểu là 2,5 m; có đường dành cho xe chở công-ten-nơ di chuyển ra vào.

Kho, bãi có đủ nguồn điện (gồm điện lưới và máy phát điện dự phòng có công suất tương đương) và các thiết bị chuyên dùng kèm theo để vận hành các công-ten-nơ lạnh theo sức chứa của kho, bãi.

Kho, bãi phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê; phải nằm trong khu vực quy hoạch hệ thống kho, bãi phục vụ kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực phẩm đông lạnh hoặc trong khu vực do Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới, trên cơ sở thống nhất với Tổng cục Hải quan, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Công thương, quy định để xây dựng kho, bãi phục vụ kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực phẩm đông lạnh.

Kho, bãi mà doanh nghiệp đã kê khai để xin cấp Giấy chứng nhận mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa không được cho doanh nghiệp khác thuê toàn bộ hoặc một phần để sử dụng vào mục đích xin cấp Giấy chứng nhận mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.

*Điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên

Theo Nghị định 78/2016/NĐ-CP, một trong những điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa là hệ thống phòng học chuyên môn và phòng thi, kiểm tra phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, bao gồm: Phòng học pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa, phòng học điều khiển phương tiện thuỷ nội địa, phòng học lý thuyết máy - điện và phòng học thủy nghiệp cơ bản; phòng thi, kiểm tra có thể được bố trí chung với các phòng học chuyên môn.

Các xưởng thực hành phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, bao gồm: Xưởng thực hành nguội - cơ khí, thực hành máy - điện.

Khu vực dạy thực hành lái và vận hành máy phải đảm bảo có vùng nước để dạy thực hành lái, vận hành máy phương tiện thuỷ nội địa và cầu tàu để dạy nghề thuyền trưởng từ hạng nhì trở lên phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.

Có đủ các phương tiện thực hành theo các loại, hạng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn.

Đối với các phương tiện dạy thực hành phải có giấy tờ hợp pháp về đăng ký, đăng kiểm, các trang thiết bị hàng hải, cứu sinh, cứu hỏa, cứu thủng và phải treo biển "Phương tiện huấn luyện" ở vị trí dễ quan sát trong khi huấn luyện.

Giáo viên dạy thực hành thuyền trưởng, máy trưởng phải có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng cao hơn ít nhất 1 hạng so với hạng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn được phân công giảng dạy; giáo viên dạy thực hành thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất phải có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất và có thời gian đảm nhiệm chức danh hạng nhất từ 36 tháng trở lên; cơ sở đào tạo phải có tối thiểu 50% giáo viên cơ hữu tham gia giảng dạy theo từng chương trình loại, hạng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục