Điều trị F0 tại nhà * Bài cuối: Bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao

10:58' - 24/12/2021
BNEWS Tp Hồ Chí Minh xác định và phát triển chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trong giai đoạn hiện nay luôn được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận khoảng 60-70 ca F0 tử vong mỗi ngày, gấp 2-3 lần so với cuối tháng 10, đầu tháng 11, tập trung ở nhóm có bệnh lý nền, tuổi trên 65. Trước tình hình trên, yêu cầu nhanh chóng phủ kín vaccine, bảo vệ người bệnh thuộc nhóm nguy cơ trở thành nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế và cộng đồng.

Do đó, Thành phố đã triển khai chiến dịch tăng cường bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ nhằm mục tiêu giảm số ca mắc và tử vong do COVID-19.

* Đi từng ngõ, gõ từng nhà

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều phường, xã linh động áp dụng các kế hoạch nhằm hỗ trợ nhóm có nguy cơ cao được theo dõi và điều trị nhanh chóng hơn. Với 4 nhân viên y tế và một bác sỹ, Trạm Y tế lưu động số 7 (Phường 12, Quận 10) hiện đang tiếp nhận và chăm sóc cho gần một trăm F0 tại nhà, trong đó có 10 F0 nằm trong nhóm có nguy cơ cao, người lớn tuổi có bệnh lý nền.

Để đảm bảo theo sát sức khỏe những đối tượng có nguy cơ cao này, Trạm Y tế lưu động số 7 đã áp dụng chương trình SPO2 tại nhà. Với chương trình này, sau khi F0 có nguy cơ cao sẽ được cấp thiết bị đo nồng độ oxy SPO2, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn, điều phối bệnh nhân sử dụng. Nếu chỉ số SPO2 từ 90-92% sẽ được chuyển đến bệnh viện COVID-19 tầng thấp, còn với bệnh nhân có chỉ số SPO2 dưới 90% sẽ được chuyển đến bệnh viện điều trị COVID-19 tầng cao.

Theo bác sỹ Tạ Quang Tuấn, Trưởng Trạm Y tế lưu động số 7 cho biết, với những bệnh nhân có bệnh lý nền, đặc biệt là người trên 65 tuổi, khi áp dụng chương trình SPO2 tại nhà như vậy, bệnh nhân dễ dàng theo dõi sức khỏe của mình. Chỉ cần có bất thường, trạm sẽ kịp thời đưa đi cấp cứu, nhằm giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong.

Cũng nằm trong chiến lược bảo vệ người có nguy cơ cao, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã triển khai 3 đội khám tại nhà trên địa bàn thành phố Thủ Đức. Mỗi đội gồm 6 người, trong đó có 1 bác sỹ, có nhiệm vụ khám bệnh cho người có bệnh nền, người cao tuổi không đi lại được, cấp thuốc, xét nghiệm, tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc điều trị người mắc COVID-19. Đặc biệt, các đội còn khám thai cho phụ nữ đang mang thai nhưng không đi bệnh viện khám được.

 

Bác sỹ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, do đặc thù địa bàn thành phố Thủ Đức rộng, các đội phải di chuyển xa nên dự kiến mỗi đội sẽ khám 20 - 25 bệnh nhân/ngày, tất cả đều miễn phí. Bệnh nhân có đủ yếu tố để khám bệnh tại nhà do Bệnh viện Lê Văn Thịnh phụ trách, đăng ký trên fanpage của bệnh viện hoặc tại phường.

Bên cạnh đó, nhằm tối ưu hóa mỗi lần đi khám tại nhà trong thời điểm dịch bệnh, Bệnh viện Lê Văn Thịnh còn trang bị cho mỗi đội một xe cấp cứu “3 trong 1”. Ngoài chức năng là một xe cấp cứu chuyên biệt, chiếc xe này còn có thể dùng cho việc tiêm vaccine. Đồng thời, trong quá trình thăm khám, nếu phát hiện bệnh nhân mắc COVID-19, xe cấp cứu này có thể trở thành một phòng áp lực âm vận chuyển bệnh nhân đến nơi điều trị một cách an toàn, tránh lây nhiễm chéo.

Theo bác sỹ Lê Thanh Toàn, cố vấn chuyên môn tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, về nguyên tắc, đội hình của bệnh viện chỉ cần 4-5 người, bao gồm một bác sỹ, một dược sỹ, một điều dưỡng và một tài xế. Tuy nhiên, theo tình hình thực tế, dự án này mới đang triển khai tại phạm vi của thành phố Thủ Đức.

 “Sau khi được thành phố triển khai đánh giá hiệu quả, tôi hy vọng dự án này sẽ được triển khai rộng ở nhiều nơi khác, giúp người dân tiếp cận được y tế kịp thời, thuận tiện”, bác sỹ Lê Thanh Toàn nói.

* Tăng cường truyền thông tới các gia đình có nhóm nguy cơ

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, các đối tượng nguy cơ như người có bệnh nền, người già, suy giảm hệ miễn dịch là đối tượng cần quan tâm đặc biệt bởi phần lớn số ca tử vong rơi vào đối tượng này. Bên cạnh đó, việc bảo vệ đối tượng nguy cơ cũng là một trong 6 chiến lược y tế mới tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố và sự vào cuộc với quyết tâm cao của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tất cả quận, huyện và thành phố Thủ Đức trong triển khai thực hiện các hoạt động trọng tâm của chiến dịch, bước đầu, chiến dịch đã phát hiện ra những đối tượng cần được can thiệp ngay góp phần giảm nguy cơ tử vong.

Tính đến ngày 22/12/2021, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 584.403 người thuộc nhóm nguy cơ. Do đó, ngành y tế hiện đang dồn lực can thiệp bảo vệ người ở nhóm nguy cơ cao, lập danh sách, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, ưu tiên dùng thuốc Molnupiravir và được bác sỹ theo dõi chặt chẽ.

Cụ thể, trong 15 ngày đầu triển khai chiến dịch, trong số người được làm xét nghiệm nhanh, tầm soát đã phát hiện 3.918 người có kết quả dương tính, kịp thời được điều trị ngay với thuốc kháng virus Molnupiravir và cách ly chăm sóc tại nhà 901 người; cách ly tập trung là 255 người.

Ngoài ra, các quận, huyện đang khẩn trương triển khai xét nghiệm tầm soát cho tất cả người dân thuộc nhóm nguy cơ trong thời gian tiếp theo, tiếp tục sử dụng thuốc kháng virus cho người F0 khi phát hiện ra tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, chiến dịch còn phát hiện ra 24.420 người thuộc nhóm nguy cơ nhưng chưa tiêm vaccine (chiếm 4,2%).

Do đó, các Trung tâm Y tế tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đang khẩn trương thuyết phục và triển khai tiêm vaccine ngay cho những người thuộc nhóm nguy cơ. Trong trường hợp người thuộc nhóm nguy cơ gặp khó khăn trong đi lại, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện sẽ triển khai các đội tiêm tại nhà.

Song song đó, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đang khẩn trương triển khai xét nghiệm tầm soát cho tất cả người dân thuộc nhóm nguy cơ trong thời gian tiếp theo. Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu các Trung tâm Y tế các quận, huyện khẩn trương gửi danh sách người thuộc nhóm nguy cơ trên địa bàn đến mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” để được các bác sỹ tình nguyện thăm hỏi và tư vấn chăm sóc sức khỏe tại nhà.

Đồng thời, Sở cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cũng hướng dẫn phương thức lấy thông tin phiếu khảo sát và nhập vào công cụ nhập liệu để thuận tiện cho việc thông kê, theo dõi và quản lý danh sách người thuộc nhóm nguy cơ.

Ông Tăng Chí Thượng yêu cầu tất cả các hoạt động trên cần triển khai đồng loạt, nhằm kịp thời bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người thuộc nhóm nguy cơ trên địa bàn nhằm hướng đến mục tiêu giảm mắc và giảm nguy cơ tử vong do COVID-19. Chiến lược xét nghiệm, cung cấp thuốc Monulpiravir ở giai đoạn này sẽ ưu tiên tập trung cho nhóm đối tượng nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức trên địa bàn thành phố cũng cần tăng cường hoạt động truyền thông xuyên suốt cả chiến dịch để người dân hiểu và cùng thực hiện.

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh xác định và phát triển chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trong giai đoạn hiện nay luôn được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. 

Các quận huyện, thành phố Thủ Đức phải thống kê, rà soát, nắm kỹ số lượng người có nguy cơ cao trên địa bàn để từ đưa vào cơ sở dữ liệu, kết nối thông tin, nắm kỹ từng hoàn cảnh, đặc điểm sống, môi trường sống để triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn sức khỏe người dân.

Bên cạnh đó, cần chú trọng giám sát, rà soát các vùng có nguy cơ cao như các quận Bình Tân, Quận 4, Quận 12, huyện Bình Chánh, các khu nhà trọ, nơi tập trung đông dân cư…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục