Đình công tại các cảng ở Mỹ đe dọa đến nguồn cung thực phẩm

11:59' - 03/10/2024
BNEWS Nếu cuộc đình công kéo dài sẽ dẫn tới tình trạng thiếu hụt một số sản phẩm thực phẩm, lạm phát giá cả hoặc cả hai điều này.

Các cuộc đình công của công nhân khuân vác tại các cảng Bờ Đông và Bờ Vịnh nước Mỹ đang cản trở việc nhập khẩu thịt bò mà các nhà hàng và nhà bán lẻ ngày càng phụ thuộc để làm bánh mỳ kẹp thịt do nguồn cung trong nước hạn chế.

 
Cuộc đình công đã ảnh hưởng đến mọi loại hàng hóa, từ ô tô đến các container chứa đầy chuối của Guatemala (Goa-tê-ma-la) và rượu vang của Italy (I-ta-li-a) được bốc dỡ tại hàng chục cảng từ Maine đến Texas. Cùng với thịt bò, hoạt động nhập khẩu hải sản và xuất khẩu thịt gà của Mỹ đang bị gián đoạn.

Theo các chuyên gia và nhà nhập khẩu thực phẩm, ngay cả sự gián đoạn ngắn hạn đối với các chuyến hàng cũng có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng thực phẩm của Mỹ. Họ cho rằng, nếu cuộc đình công kéo dài sẽ dẫn tới tình trạng thiếu hụt một số sản phẩm thực phẩm, lạm phát giá cả hoặc cả hai điều này.

Theo số liệu về vận tải biển của Reuters và Everstream Analytics, hơn 50 tàu container đã neo đậu hoặc nằm ngoài khơi hàng chục cảng Bờ Đông và Bờ Vịnh tính đến đầu ngày 2/10, so với chỉ ba tàu vào ngày 29/9, thời điểm trước cuộc đình công.

Ông Jason Miller, thuộc Khoa quản lý chuỗi cung ứng của Đại học bang Michigan, cho rằng đây là "một cơn ác mộng" về chuỗi cung ứng.

Các nhà nhập khẩu thịt bò cho biết, ngành này có thể chứng kiến những tác động lan tỏa nếu cuộc đình công làm gián đoạn hoạt động nhập khẩu trong hơn một tuần.

Nguồn cung thịt bò của Mỹ đã thắt chặt sau đợt hạn hán nghiêm trọng và giá ngũ cốc cao khiến các chủ trang trại phải bán đàn gia súc của mình, khiến đàn gia súc của nước này giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Số lượng gia súc giảm đã khiến giá thịt bò tại Mỹ tăng vọt và làm gia tăng nhập khẩu thịt bò có giá rẻ hơn. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhập khẩu thịt bò từ Australia (Ôx-trây-li-a) tăng 72% tính đến tháng 7/2024. Nhập khẩu từ New Zealand (Niu Di-lân) và Brazil (Bra-xin) cũng tăng.

Trước cuộc đình công, các nhà cung cấp thịt bò cho các cửa hàng tạp hóa và nhà hàng thức ăn nhanh của Mỹ đã tăng cường nhập khẩu thịt bò nạc đông lạnh được trộn với thịt nhập từ các nhà cung cấp trong nước để làm bánh mỳ kẹp thịt.

Ông Bob Chudy, nhà tư vấn cho các công ty nhập khẩu thịt bò, cho rằng cuộc đình công nếu kéo dài hơn một tuần có thể làm tăng chi phí cho các nhà hàng thức ăn nhanh. Các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh vốn đang dựa vào nguồn thịt nạc có giá hợp lý hơn nhiều từ nước ngoài sẽ buộc phải chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế trong nước.

Các nhà phân tích cho biết, các nhà nhập khẩu thịt bò có thể phải đối mặt với phí lưu bãi nếu cuộc đình công vẫn tiếp diễn. Các khoản chi phí này có thể được chuyển sang người tiêu dùng. Họ cho biết, các lô hàng thịt tươi đông lạnh, có thể được sử dụng trong các món ăn của nhà hàng như món fajitas, có nguy cơ bị hư hỏng. Fajita trong ẩm thực Tex-Mex và México chỉ những loại thịt nướng thường được phục vụ dưới dạng taco, đặt trên bánh tortilla làm từ bột mì.

Theo số liệu liên bang mới nhất, giá bán lẻ thịt bò xay của Mỹ trong tháng 8/2024 đã đạt mức cao kỷ lục 5,58 USD/pound (1 pound = 0,4535 kg).

Trong khi đó, cuộc đình công của 45.000 công nhân khuân vác tại bến cảng ở Bờ Đông và Bờ Vịnh Mỹ đã bước sang ngày thứ hai, trong khi hiện tại các bên chưa có kế hoạch đàm phán.

Việc thiếu tiến triển đang làm dấy lên mối lo ngại đối với những người phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu có thể bị gián đoạn kéo dài.

Theo các nhà phân tích, cuộc đình công của nghiệp đoàn thuộc Hiệp hội những người khuân vác ở bến cảng (ILA) có thể gây thiệt hại hàng tỷ USD cho nền kinh tế mỗi ngày.

Chính phủ Mỹ đã gây sức ép lên công ty vận hành cảng trong việc đáp ứng yêu cầu của công nhân khuân vác để kết thúc đàm phán. 

Tổng thống Joe Biden cho rằng, các công ty vận hành cảng đạt lợi nhuận lên tới hơn 800% kể từ đại dịch COVID-19 và những chủ sở hữu của các doanh nghiệp này thu lời hàng chục triệu USD.

ILA đã phát động đình công vào ngày 1/10 sau khi các cuộc đàm phán với Liên minh hàng hải Mỹ về hợp đồng 6 năm mới không đạt kết quả. Hiệp hội này yêu cầu tăng lương 5 USD/giờ mỗi năm trong sáu năm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục