Định hình cho xu hướng kinh doanh trực tuyến 2018

15:30' - 14/03/2018
BNEWS Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2018 (VOBF 2018) là sự kiện thường niên được Hiệp hội Thương mại điện tử tổ chức lần đầu tiên năm 2017 và thu hút được sự quan tâm lớn của cộng đồng

Tiếp nối thành công từ 2017, Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2018 (VOBF 2018) khai mạc tại Hà Nội sáng 14/3 và nhận được sự hưởng ứng, quan tâm lớn từ phía các nhà đầu tư.

Đây là sự kiện thường niên được Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) tổ chức lần đầu tiên năm 2017 và thu hút được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Trong năm thứ hai được tổ chức, VOBF 2018 tiếp tục diễn ra tại 2 thành phố lớn là Hà Nội vào ngày 14/3 và Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 16/3.

Ông Đặng Hoàng Hải-Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khẳng định, sau 20 năm internet vào Việt Nam, thương mại điện tử Việt Nam ngày càng có tốc độ phát triển rất nhanh, hiện diện hàng ngày và trở nên phổ biến trong đời sống không chỉ doanh nghiệp mà còn cả người dân.

Thống kê từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho thấy, tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam luôn duy trì ở mức trên 20%, đặc biệt, trong năm 2017, con số này là 25% thuộc loại nhanh trên thế giới.

Không những thế, hàng loạt doanh nghiệp thương mại điện tử ngày càng lớn mạnh, phát triển nhanh, hòa gam màu sáng cho bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018.

Ông Đặng Hoàng Hải hy vọng diễn đàn này với sự tham gia của các chuyên gia có uy tín, địa vị trong lĩnh vực thương mại điện tử trong và ngoài nước tiếp tục là điểm đến cho các nhà đầu tư quan tâm đến mảnh đất màu mỡ này tại Việt Nam.

Đại diện doanh nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử chia sẻ, diễn đàn năm nay tạo cơ hội cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trao đổi về những xu hướng mới trong kinh doanh trực tuyến, các công nghệ nổi bật và ý tưởng kinh doanh sáng tạo.

Bên cạnh đó, còn là nơi công bố những nghiên cứu thị trường mới liên quan tới thương mại điện tử trên thế giới cũng như tại Việt Nam đến từ các đơn vị và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử, bao gồm: chỉ số thương mại điện tử (EBI) do VECOM thực hiện, giúp các doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.

Dựa trên việc khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp mỗi năm, EBI là nguồn thông tin hữu ích về hoạt động thương mại điện tử trên phạm vi cả nước cũng như ở mỗi địa phương. EBI 2018 tiếp tục cho thấy thương mại điện tử Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển nhanh nhưng chưa thực sự bền vững do lòng tin của người tiêu dùng còn thấp và mức chênh lệch rất lớn giữa Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội với các địa phương khác.

Theo số liệu khảo sát của VECOM, lĩnh vực tăng trưởng ngoạn mục nhất là bán lẻ trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, du lịch và thanh toán. Chẳng hạn, đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%.

Đối với lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017 tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với năm 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%. Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trương năm 2017 đạt từ 100% đến 200%.

Trong lĩnh vực du lịch, theo khảo sát của Grant Thornton, năm 2016 đặt phòng qua đại lý du lịch trực tuyến (OTA) chiếm tỷ lệ 20% doanh thu đặt phòng. Khảo sát năm 2017 của VECOM cho thấy, tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh và đạt mức trên 30%. Nếu kết hợp với đà tăng hai chữ số của doanh thu du lịch có thể ước tính tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch trực tuyến trên 50%.

Toàn cảnh Diễn đàn Thương mại điện tử Việt Nam 2018. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc bộ phận nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, đại diện Nielsen miền Bắc chia sẻ, xu hướng Internet và thương mại điện tử đang phát triển trên khắp thế giới và cả Việt Nam.

Theo đó, năm 2020 sẽ có khoảng 4 tỷ người trên thế giới kết nối internet. Các xu hướng sẽ ngày càng phát triển như Bigdata, công nghệ thực tế ảo, kinh tế chia sẻ… và thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. Dự báo đến năm 2025, doanh thu kinh tế chia sẻ trên toàn thế giới sẽ đạt khoảng 300 tỷ USD.

Thống kê cho thấy, tại Việt Nam hiện đang có 59 triệu người sử dụng internet. Đến năm 2020 con số này lên tới 59 triệu người, chiếm 60% dân số. Hiện 91% người dân đã sử dụng điện thoại thông minh; trong đó, số lượng người ở nông thôn là gần 80%. Người Việt Nam đang vào internet trung bình 25 giờ/tuần.

Nielsen cũng cho biết thu nhập của người Việt Nam ngày càng tăng lên, trong khi cuộc sống ngày càng bận rộn, do đó xu hướng thương mại điện tử sẽ ngày càng tăng cao.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM cho biết, trong tháng 3 này Amazon sẽ chính thức gia nhập thị trường Việt Nam và bước đi đầu tiên của họ là hướng tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhỏ và vừa. Amazon sẽ khởi động một chương trình hợp tác cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Chiến lược của Amazon gồm có 2 bước gồm: xuất khẩu hàng hóa qua biên giới và nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Người tiêu dùng muốn mua hàng trên Amazon, trong khi Amazon cũng quan tâm chiều ngược lại. Vì thế, họ muốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xuất khẩu trên Amazon.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư kỹ VECOM nhấn mạnh: Việc Amazon cung cấp dịch vụ tại Việt Nam được đánh giá là tín hiệu tốt cho thị trường thương mại điện tử. Qua đó, thị trường sẽ cạnh tranh hơn và người dân sẽ thuận tiện hơn trong mua bán hàng hóa.

“Sự tham gia của Amazon sẽ thúc đẩy thị trường phát triển. Các nhà cung cấp dịch vụ sẽ cạnh tranh để phát triển hệ sinh thái, giải pháp bán hàng, logistics…Đặc biệt, người dân sẽ mua được hàng với giá cạnh tranh hơn, thuận tiện hơn”, ông Trần Trọng Tuyến đánh giá.

Tuy nhiên, để thu hút khách hàng, các trang thương mại điện tử sẽ tiếp tục cuộc đua khuyến mãi, giảm giá sản phẩm, miễn phí giao hàng… Với sự xuất hiện của Amazon, thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 sẽ chứng kiến sự cạnh tranh rất khốc liệt từ các doanh nghiệp thương mại điện tử./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục