Định hướng đồng bộ giữa quy hoạch khoáng sản với chiến lược địa chất, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng

12:47' - 09/09/2022
BNEWS Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội thảo về dự thảo “Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho rằng, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là nội dung hết sức quan trọng cần hoàn thiện sớm, là căn cứ để Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam hoàn thiện công tác quản lý quy hoạch, điều tra cơ bản địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản…

Do vậy, hội thảo này là dịp để các đại diện các bộ, ngành trao đổi, thảo luận, góp ý về dự thảo Chiến lược; đồng thời đề ra định hướng phát triển nhằm đảm bảo nguyên tắc thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch khoáng sản với chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.

 

Tóm tắt dự thảo “Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, để triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TW, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phân công Tổng cục khẩn trương thực hiện các nội dung gồm: Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết; lập, phê duyệt, triển khai Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng và tổng kết việc thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 để xây dựng, trình Quốc hội khóa XV xem xét bổ sung, sửa đổi Luật Khoáng sản.

Đến nay, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và phân công Vụ Địa chất xây dựng "Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", tiến tới trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2022.

Trong đó, mục tiêu tổng quát của dự thảo chiến lược nhằm hoàn thành lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền; hoàn thành công tác điều tra địa chất khoáng sản biển tỷ lệ 1:500.000 vùng nước sâu; đánh giá làm rõ tiềm năng tài nguyên khoáng sản phục vụ quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng và dự trữ quốc gia.

Đồng thời, thăm dò đáp ứng nhu cầu khai thác, chế biến khoáng sản đến năm 2050 đối với các khoáng sản như: than, urani, titan-zircon, đất hiếm, apatit…; đầu tư công nghệ thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đạt trình độ các nước tiên tiến khu vực châu Á và các nước phát triển. Bên cạnh đó, hình thành công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050.

Nhấn mạnh 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về định hướng dự thảo Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, Phó Tổng Cục trưởng Lại Hồng Thanh cho rằng, trước hết cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng; tăng cường nguồn lực thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản.

Đồng thời, cần nâng cao chất lượng, giảm thiểu rủi ro, hạn chế các dự án đầu tư, khai thác, chế biến khoáng sản; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại và hợp tác quốc tế trong điều tra cơ bản địa chất, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản.

Tại hội thảo, các thành viên của Ban soạn thảo đã góp ý cho dự thảo Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, nhấn mạnh đề nghị bổ sung nhiệm vụ trên cơ sở căn cứ vào ngân sách Nhà nước và rà soát lại mục tiêu; phân rõ nhiệm vụ nào sử dụng vốn đầu tư, vốn đầu tư thường xuyên, nhiệm vụ nào có khả năng xã hội hóa cao; làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong chiến lược, cũng như của Trung ương và địa phương trong mỗi nhiệm vụ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục