Định hướng phát triển ngành chế biến lương thực - thực phẩm bền vững

12:26' - 14/04/2023
BNEWS Theo các chuyên gia, ngành chế biến lương thực - thực phẩm cần hướng đến phát triển tập trung bền vững, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm.
Sáng 14/4, tại hội thảo Định hướng phát triển ngành chế biến lương thực - thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh, giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2050, các chuyên gia cho rằng, ngành cần hướng đến phát triển tập trung bền vững, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm. Đặc biệt, ngành nên chú trọng đầu tư công nghệ tự động hóa, hệ thống quản lý chất lượng và nguồn nhân lực.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lại Quốc Đạt, Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, xu hướng hướng phát triển ngành chế biến lương thực-thực phẩm đòi hỏi phải tối ưu hóa sản xuất, chi phí sản xuất, số hóa sản xuất... Cùng với đó, xu hướng ngành yêu cầu doanh nghiệp phải không ngừng thích ứng với chuỗi cung ứng, sản phẩm cá nhân hóa, đảm bảo môi trường bền vững...

 
Những yếu tố tác động đến ngành chế biến lương thực-thực phẩm trong thời gian tới có thể kể đến là thu nhập người dân và mức chi tiêu gia tăng, nhận thức về sức khỏe và tiêu dùng, yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, nguồn nguyên liệu, năng lượng, biến đổi khí hậu... Do đó, chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực - thực phẩm Tp. Hồ chí Minh phải bám sát thực tế diễn biến thị trường mới đảm bảo tính khả thi.

Cụ thể, Tp. Hồ chí Minh cần xác định các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và tiềm năng nhằm xây dựng giải pháp thu hút đầu tư, cũng như định hướng phát triển bền vững; trong đó, ngành chế biến lương thực - thực phẩm phải tăng năng lực khai thác những điều kiện thuận lợi như vị trí địa lý trung tâm kinh tế, đầu mối giao thương... để tận dụng cơ hội thị trường lớn và năng động, hội nhập kinh tế quốc tế...

Hiện tại, toàn ngành chế biến lương thực-thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh có khoảng 2.877 đơn vị sản xuất kinh doanh, trong đó có 2.314 đơn vị chế biến thực phẩm và 536 sản xuất chế biến đồ uống. Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ, chưa phát triển chuỗi, hạn chế về công nghệ số... Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều thách thức về phát triển thị trường và tiếp cận người tiêu dùng, cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài...

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, ngành chế biến lương thực - thực phẩm là ngành trọng điểm của thành phố, chiếm 14 - 15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Ngành này cũng đóng góp từ 14 - 15% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, với xu hướng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc thực vật, thực phẩm tốt cho sức khỏe, sản xuất xanh, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế... thì ngành chế biến lương thực - thực phẩm phải đa dạng sản phẩm, cũng như công nghệ sản xuất. Chính vì vậy, định hướng phát triển chế biến lương thực - thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 là rất cấp thiết để tạo cơ sở xác định sản phẩm chủ lực và công nghệ sản xuất tiên tiến, phù hợp với xu hướng thị trường trong và ngoài nước.

Thống kê quý I/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến lương thực-thực phẩm vẫn tăng trưởng dương với 3,4% và chỉ số tồn kho giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, các nhóm hàng chế biến rau quả, sữ và sản phẩm từ sữa... là nhóm đã có đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của ngành.

Ghi nhận thực tế thị trường, sức mua nội địa dù đã khôi phục những vẫn còn yếu, cùng với nhu cầu tiêu dùng từ một số thị trường xuất khẩu sụt giảm, khiến chỉ số tiêu thụ các mặt hàng lương thực thực phẩm trong quý I/2023 giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này đang ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của ngành.

Riêng tại Tp. Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến lương thực-thực phẩm quý I/2023 giảm 1,75% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành chế biến lương thực-thực phẩm trên địa bàn thành phố vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn vì sức mua của thị trường vẫn yếu.

Ở góc nhìn doanh nghiệp về thị trường và chuỗi cung ứng, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị, các bên như sở ngành, viện trường, hiệp hội... phải đồng hành cùng nhau trong phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với cộng đồng doanh nghiệp ngành chế biến lương thực-thực phẩm. Bởi vùng nguyên liệu là điểm khởi đầu và nền tảng phát triển chuỗi cung ứng bền vững, đây cũng là khâu quan trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm bằng sự minh bạch thông tin dữ liệu dựa trên cơ sở truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Bá Thanh, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm chỉ ra rằng, quy trình tạo ra sản phẩm thì nguyên liệu là một trong những yếu tố tạo nên thế mạnh, tiếp theo là thiết bị, công nghệ sản xuất và định hướng đối tượng tiêu dùng, thị trường tiêu thụ phù hợp. Vì vậy, ngành chế biến lương thực - thực phẩm nên kết nối mối liên lệ giữa giữ nguyên giá trị sản phẩm và cải tiến và điều chỉnh thay đổi phù hợp xu hướng thị trường, người tiêu dùng.

Nhiều doanh nghiệp tham gia hội thảo cũng đề xuất, ngành chế biến lương thực - thực phẩm cần khẩn trương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, từ đó xâu dựng vùng nguyên liệu hiệu quả, đảm bảo truy xuất nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nếu muốn thúc đẩy hoạt động kết nối, liên kết đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, cộng đồng doanh nghiệp rất cần sự vào cuộc của cả Tp. Hồ Chí Minh, các tỉnh thành và Bộ ngành nghiên cứu cơ chế hỗ trợ mở rộng vùng nguyên liệu cho ngành chế biến lương thực - thực phẩm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục