Đầu tư chế biến sâu để tăng giá trị cho nông sản

10:27' - 26/02/2023
BNEWS Việc đầu tư chế biến sâu là một trong những giải pháp căn cơ nhất để giải quyết về đầu ra cho nông sản hiện nay.

Thực tế đã có nhiều loại nông sản đã phải đổ bỏ khi giá rớt xuống quá thấp, không tiêu thụ được, thu không đủ chi khiến nông dân thiệt hại nặng nề về kinh tế. Vì vậy, việc đầu tư chế biến sâu là một trong những giải pháp căn cơ nhất để giải quyết về đầu ra cho nông sản hiện nay.

*Tăng giá trị nông sản

Công ty cổ phần Nông nghiệp-Thương mại-Du lịch Bầu Mây, có địa chỉ tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc đang đẩy mạnh sản xuất, chế biến các sản phẩm từ củ hoài sơn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đa dạng thị trường tiêu thụ.

Ngoài Bà Rịa-Vũng Tàu, công ty còn mở rộng liên kết với nông dân trồng củ hoài sơn tại các tỉnh như Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Thuận, Bình Phước…, với diện tích vùng nguyên liệu lên tới 1.200 ha, sản lượng bình quân khoảng 60 tấn/ha/vụ. Ngoài củ hoài sơn tươi, hiện nay công ty đã đầu tư chế biến sâu ra các sản phẩm như bột hoài sơn, bún hoài sơn, hoài sơn cắt lát, sữa thực vật hoài sơn, nước ngậm răng miệng hoài sơn...

 

Ông Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc công ty chia sẻ, để đảm bảo an toàn và đầy đủ chất dinh dưỡng, củ hoài sơn tươi chỉ bảo quản tối đa là 3 tháng. Do đó, nếu không bán kịp hoặc xảy ra các vấn đề dịch bệnh, thiên tai sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, với công nghệ chế biến sâu như hiện nay, không chỉ giải quyết được bài toán về thị trường, giá cả mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ.

Những năm trước đây, Công ty TNHH dịch vụ sản xuất Ca cao Thành Đạt, xã Xà Bang, huyện Châu Đức chủ yếu bán hạt ca cao thô, giá trị sản phẩm mang lại không cao. Năm 2019, công ty đã liên kết thu mua sản phẩm nguyên liệu trái ca cao của nông dân tại địa phương, đồng thời đẩy mạnh chế biến các sản phẩm từ ca cao để xuất khẩu.

Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc công ty cho biết, hiện ca cao đang được chế biến đa dạng như ca cao hạt, socola, bột ca cao, bơ, trà ca cao, phụ phẩm được chế biến thành rượu ca cao. Các khâu từ lựa trái, tách vỏ cho đến lên men, phơi rang hạt được kiểm tra nghiêm ngặt, chặt chẽ với hệ thống công nghệ, máy móc hiện đạt tiêu chuẩn, đảm bảo quy trình sạch, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Ngoài tiêu thụ nội địa, hiện nay công ty còn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài với khoảng 200 tấn/năm thành phẩm ca cao. Giá trị trái ca cao của bà con nông dân tại địa phương vì thế cũng được tăng lên gần gấp 2 lần.

“Chế biến sau thu hoạch là khâu rất quan trọng mà ngành nông nghiệp hiện đại đang hướng tới, bởi nó làm tăng giá tri sản phẩm nông nghiệp, giảm rủi ro thất thoát trong sản xuất, sơ chế. Hiện nay, công ty chúng tôi chú trọng chế biến sản phẩm theo các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng đạt điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu và Mỹ”, ông Thành nhấn mạnh.

Nhận thấy tiềm năng về vùng nguyên liệu các loại rau xanh trong nước, cơ sở sản xuất bột rau Thảo Nguyên, xã Phước Hưng, huyện Long Điền đã đầu tư hơn 500 triệu đồng, trang bị máy móc hiện đại, sử dụng công nghệ sấy lạnh để sản xuất các loại bột từ rau xanh.

Bà Nguyễn Thị Mỹ, chủ cơ sở cho biết, với công nghệ này, thực phẩm được sấy ở nhiệt độ thấp nên ít bị ảnh hưởng tới chất lượng so với ban đầu, giữ được màu sắc, độ tươi ngon và giữ được giá trị dinh dưỡng gần như tuyệt đối. Hiện nay, cơ sở đang sản xuất các sản phẩm như bột rau má được chế biến từ rau má tươi, bột cần tây chế biến từ cần tây và bột diệp cá được chế biến từ lá diệp cá.

Theo bà Mỹ, với công nghệ chế biến sâu, các sản phẩm đang được bán trung bình khoảng 1,5 triệu/kg, giá trị gấp gần 7 lần so với sản phẩm tươi.

*Kêu gọi xã hội hóa trong chế biến sâu

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong sản xuất nông nghiệp, chế biến đóng vai trò hết sức quan trọng. Ngoài việc đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, nhất là thị trường xuất khẩu, các sản phẩm chế biến có thời gian bảo quản lâu, giảm được tổn thất. Phát triển công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch giúp nông sản thâm nhập những thị trường lớn.

Tuy vậy, hàng chế biến xuất khẩu của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mới chỉ đạt từ 20-30%, hầu hết sản phẩm nông sản mới chỉ xuất khẩu ở dạng thô, xuất khẩu tiểu ngạch, kim ngạch xuất khẩu cao cấp còn ít, vì thế giá trị gia tăng không cao.

Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, việc chế biến sâu giúp nâng cao giá trị nông sản, tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy chế biến sâu cho mặt hàng nông sản, nên các doanh nghiệp, hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng trên, tỉnh đang kêu gọi các doanh nghiệp vào cuộc, tập trung xã hội hóa, tập trung nguồn lực của doanh nghiệp, kêu gọi doanh nghiệp hình thành nên các chuỗi giá trị đối với các ngành hàng chủ lực của tỉnh.

Nhằm tiếp thêm lực cho hoạt động sơ chế, chế biến sâu các sản phẩm nông sản phát triển, đáp ứng ngày càng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng, tỉnh đang đầu tư phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích khoảng 7.000 ha, đây là cơ sở để hình thành nên các vùng nguyên liệu cho việc sản xuất, chế biến nông sản.

Đi đôi với đó là ngành nông nghiệp cũng đẩy mạnh phát triển các nhà máy chế biến nông sản để nâng cao hiệu quả, giá trị nông sản, giải quyết bài toán về thị trường tiêu thụ và đảm bảo tiêu chuẩn để hướng tới xuất khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục