Đoàn Thanh niên VPI, PVChem, PVPGB, FECON đào tạo thực địa kết hợp an sinh xã hội tại Tuyên Quang - Hà Giang

20:39' - 21/11/2023
BNEWS Đoàn Thanh niên VPI, PVChem, PVPGB, FECON vừa tổ chức đào tạo thực địa kết hợp an sinh xã hội “Áo ấm vùng cao 2023” tại Tuyên Quang và Hà Giang.

Từ ngày 17 - 19/11/2023, Đoàn Thanh niên Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) phối hợp với Đoàn Thanh niên các đơn vị: Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVChem), Chi nhánh Phát điện Dầu khí (PVPGB), Công ty Cổ phần FECON (FECON) tổ chức chương trình Đào tạo thực địa kết hợp an sinh xã hội “Áo ấm vùng cao 2023” tại các điểm trường xã biên giới Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.  

Chương trình đào tạo thực địa tập trung giới thiệu những vấn đề đại cương về khoa học địa chất và ứng dụng những kiến thức về địa chất trong các lĩnh vực khác nhau như: địa chất môi trường, địa chất công trình - địa kỹ thuật… và giới thiệu các vấn đề chuyên sâu về tìm kiếm - thăm dò tài nguyên khoáng sản, năng lượng hóa thạch và địa nhiệt tại các điểm khảo sát dọc tuyến Hà Nội - Tuyên Quang - Việt Quang (Hà Giang) - Hoàng Su Phì (Hà Giang).

Tại điểm khảo sát số 1 thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, Đoàn công tác đã nghe PGS.TS. Hoàng Văn Long - chuyên gia Viện Dầu khí Việt Nam giới thiệu về địa chất học, các loại khoáng vật, đá và quá trình vận động địa chất nội sinh, ngoại sinh; hệ thống dầu khí và quá trình hình thành dầu khí; quan sát, đo đạc và phân tích thành phần thạch học của trầm tích lòng sông tuổi Oligocene (?)/Miocene thuộc hệ tầng Phan Lương, liên hệ về tướng thạch học và môi trường lắng đọng với các thành tạo trầm tích sông - hồ tuổi Oligocene - Miocene trong các bể trầm tích chứa dầu trên thềm lục địa Việt Nam.

Tại Điểm khảo sát số 2 thuộc xã Tuân Lộ, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (Mỏ khai thác đá hoa), Đoàn công tác đã nghiên cứu các đặc điểm đặc thù về địa hình, địa mạo trên các thành tạo carbonate tuổi Devon của hệ tầng Pia Phương; Phân tích các tính chất vật lý của đá hoa, và quá trình biến chất từ đá vôi thành đá hoa; tìm hiểu về quy trình và công nghệ khai thác đá hoa; phân tích đặc tính đứt gãy, nứt nẻ và quá trình karst, liên hệ với đá móng carbonate bị nứt nẻ, hang hốc chứa khí tại bể Sông Hồng. 

Tại Điểm khảo sát số 3 ở Thủy điện Xuân Minh, xã Xuân Minh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang (vòm nâng Sông Chảy), Đoàn công tác được PGS.TS. Hoàng Văn Long hướng dẫn phương pháp nghiên cứu quá trình biến chất, biến đổi các đá có trước thành đá phiến mica, đá gneis của hệ tầng Thác Bà; nghiên cứu hoạt động đứt gãy và vài trò của chúng đối với hoạt động phong hóa; đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố địa chất đối với chiều dày vỏ phong hóa, quá trình trượt lở và tai biến địa chất đập Thủy điện Xuân Minh.

Kết hợp với công tác đào tạo thực địa, Đoàn Thanh niên VPI, PVChem, PVPGB, FECON đã thực hiện chương trình an sinh xã hội “Áo ấm vùng cao” năm 2023 tại điểm trường Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở xã biên giới Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Bản Máy là 1 trong 4 xã biên giới nằm ở phía Bắc của huyện Hoàng Su Phì, có chiều dài đường biên giới 19,16 km, cách trung tâm huyện 28 km. Khu vực này bị chia cắt mạnh bởi các khe suối, độ dốc lớn giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 62,9%; tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 20,1%. Xã Bản Máy được chia thành 4 thôn bản: Thôn Bản Máy, Thôn Bản Pắng, Thôn Lủng Cẩu, Thôn Tà Chải, cuộc sống của người dân nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn...

Đồng chí Vũ Đức Ứng - Bí thư Đoàn Thanh niên VPI đại diện đoàn công tác thăm hỏi và chia sẻ khó khăn với các học sinh nghèo vượt khó. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Với mong muốn mang đến mùa đông ấm áp hơn, Đoàn công tác đã thăm hỏi và trao tặng 714 bộ áo ấm, 40 suất học bổng của Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các đơn vị đồng hành cho 40 em học sinh nghèo vượt khó tại các điểm trường với tổng giá trị hơn 130 triệu đồng.

Cũng nhân dịp này, Đoàn công tác đã đến thăm cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Máy - đơn vị quản lý, bảo vệ gần 20 km đường biên giới, với 27 cột mốc thuộc địa bàn xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Chia sẻ với đoàn công tác, Trung tá Phan Văn Tuấn - Phó Chỉ huy Đồn Biên phòng Bản Máy cho biết: Những món quà và tình cảm của đoàn công tác dành tặng các cháu học sinh và cán bộ chiến sĩ đúng dịp đầu mùa đông lạnh giá của vùng cao, thể hiện tình cảm gắn bó của đồng bào miền xuôi với miền ngược, tình quân dân bền chặt. Đồng thời, đây cũng là nguồn động viên to lớn đối với Đồn Biên phòng Bản Máy, giúp các cán bộ chiến sĩ vững vàng tay súng để bảo vệ biên cương của Tổ quốc

Chuyến đi không chỉ giúp đoàn viên thanh niên các đơn vị có thêm kiến thức về khoa học trái đất mà cũng là cơ hội tốt để các đoàn viên tăng cường tình đoàn kết, giao lưu, tương thân tương ái, trân trọng giá trị công việc, tạo động lực, góp phần trong sự phát triển của các đơn vị hướng tới mục tiêu chung là phát triển xã hội.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục