VPI tuyển sinh đào tạo tiến sĩ đợt 2 năm 2023

20:43' - 26/10/2023
BNEWS Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) bắt đầu xét tuyển nghiên cứu sinh chuyên ngành Kỹ thuật dầu khí (9520604) và nghiên cứu sinh chuyên ngành Kỹ thuật hóa học (9520301).

Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho biết từ nay đến ngày 5/11/2023 sẽ xét tuyển 2 nghiên cứu sinh chuyên ngành Kỹ thuật dầu khí (9520604) và 2 nghiên cứu sinh chuyên ngành Kỹ thuật hóa học (9520301).

Thời gian đào tạo 3 năm tập trung đối với nghiên cứu sinh có bằng thạc sĩ và 4 năm tập trung đối với nghiên cứu sinh có bằng đại học (loại giỏi). Kinh phí cho thời gian đào tạo chính thức là 236.000.000 đồng (chưa bao gồm chi phí đăng bài báo, thực tập ở nước ngoài và chi phí thực nghiệm).

Các ứng viên có thể đăng ký học bổng VPI ngay từ khi nộp hồ sơ xét tuyển: Học bổng loại 1 có giá trị tương đương 100% mức học phí và chi phí hỗ trợ hàng tháng theo hình thức thuê khoán chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ của VPI; Học bổng loại 2 có giá trị tương đương 100% mức học phí.

 

Hướng nghiên cứu chuyên sâu được cấp học bổng chuyên ngành Kỹ thuật dầu khí gồm: Cấu trúc - kiến tạo và phân tích bể trầm tích; Môi trường trầm tích, cổ địa lý tướng đá, mô hình hệ thống dầu khí của các bể trầm tích; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, học máy trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, học máy phục vụ phân tích, minh giải tài liệu địa chất, địa vật lý trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, học máy trong lĩnh vực khai thác dầu khí; nghiên cứu các phương pháp xử lý số liệu địa chất, địa vật lý; các giải pháp tối ưu khai thác và nâng cao hệ số thu hồi (nghiên cứu ứng dụng công nghệ, kỹ thuật thăm dò, khai thác dầu khí vào vận chuyển, lưu trữ và giám sát quá trình lưu trữ CO2 trong các thành tạo địa chất; nghiên cứu áp dụng tổ hợp các phương pháp phân tích, minh giải tài liệu địa chấn (địa chấn địa tầng, thuộc tính địa chấn, …) để giải quyết các bài toán địa chất cụ thể; lưu giữ khí hydrogen/CO2 trong môi trường lỗ hổng: lựa chọn và mô tả vỉa chứa, mô hình hóa dưới đất; ứng dụng khoa học dữ liệu trong phân tích và mô tả địa kỹ thuật lòng đất vùng gần bờ nhằm phát triển điện gió ngoài khơi.

Hướng nghiên cứu chuyên sâu được cấp học bổng chuyên ngành Kỹ thuật hóa học gồm: Nghiên cứu công nghệ hiệu quả để thu hồi, vận chuyển, tàng trữ CO2 tại các cơ sở sản xuất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và đề xuất mô hình phù hợp để tích hợp chuỗi giá trị thu hồi, lưu trữ CO2 (CCS) vào chuỗi hoạt động của PVN; phát triển công nghệ và xúc tác chuyển hóa CO2 và khí thiên nhiên giàu CO2 thành hydro, nhiên liệu và hóa chất; nghiên cứu các giải pháp xanh hóa nhà máy lọc dầu và đề xuất mô hình chuyển đổi nhà máy lọc dầu truyền thống thành nhà máy lọc dầu xanh/phát thải thấp; phát triển công nghệ tổng hợp vật liệu than ống kích thước nano (CNT) từ nguồn khí giàu methane sử dụng công nghệ CVD và xúc tác kim loại dạng bản mỏng; phát triển chuỗi giá trị hydrogen xanh và lam cho nhà máy sản xuất phân đạm và đánh giá phát thải carbon cho toàn chu trình sản xuất và sử dụng phân đạm./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục