Doanh nghiệp Anh sẽ gặp khó khăn trong việc vay vốn của EU

08:22' - 11/10/2016
BNEWS Hoạt động cho vay của EIB đối với các doanh nghiệp nước Anh có thể sẽ không thể duy trì mức như trước đây và các doanh nghiệp “xứ sở sương mù” sẽ gặp khó khăn trong việc vay vốn của EIB.
Doanh nghiệp Anh sẽ gặp khó khăn trong việc vay vốn của EU. Ảnh: reuters

Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Werner Hoyer vừa lưu ý rằng hoạt động cho vay của EIB đối với các doanh nghiệp nước Anh có thể sẽ không thể duy trì mức như trước đây và các doanh nghiệp “xứ sở sương mù” sẽ gặp khó khăn trong việc vay vốn của EIB để thực hiện những dự án cơ sở hạ tầng, khi thời điểm Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đang đến gần.

Phóng viên TTXVN tại London dẫn lời ông Hoyer trả lời phỏng vấn tờ “Thời báo Tài chính” (The Financial Times) cho hay, để thay thế dòng vốn cho vay lãi suất thấp của EIB trong những năm gần đây, các công ty của nước Anh sẽ phải tìm kiếm nguồn vốn vay từ những địa chỉ khác cho những dự án phát triển cơ sở hạ tầng.

EIB, có trụ sở tại Luxembourg, hiện cung cấp khoảng 50 tỷ euro vốn cho các dự án của nước Anh. Mặc dù các khoản cho vay bị ràng buộc bởi những điều khoản trong hợp đồng, nhưng các dự án mới sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giành được sự hỗ trợ tài chính từ EIB.

Theo quy định, chỉ có các nước thành viên EU mới được làm cổ đông của EIB. Nước Anh hiện nắm giữ 16% cổ phần trong ngân hàng này. Ông Hoyer nhấn mạnh rằng việc nước Anh rời EU sẽ tạo ra nhiều vấn đề lớn về cung cấp nguồn vốn cho các dự án hạ tầng, nhất là những dự án liên quan đến chống biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng hiệu quả và vận tải.

EIB không cho các nước nằm ngoài EU vay vốn, ngoại trừ một số nước thành viên lớn như Na Uy và Thụy Sỹ. Theo ông Hoyer, Brexit cũng tạo ra vấn đề không nhỏ cho 300 nhân viên người Anh hiện làm việc cho EIB, bởi việc mang quốc tịch của một nước EU là điều kiện để được nhận vào làm tại ngân hàng này.

Trước khi rời EU, London sẽ vẫn là đối tác đầy đủ của EIB, nhưng mức độ cho vay đối với các doanh nghiệp Anh sẽ không cao như trước, nếu không có sự đảm bảo từ phía Chính phủ Vương quốc Anh. Chủ tịch EIB nhấn mạnh Bộ Tài chính nước Anh sẽ phải đứng ra bảo đảm, song có lẽ chừng đó là chưa đủ.
Ngoài ra, ông Hoyer cũng lưu ý các nhà lãnh đạo châu Âu rằng nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng tại “lục địa già” hiện xấp xỉ 700 tỷ euro/năm, song mức đầu tư thực sự vẫn chưa đạt được con số này. EU đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu trên và hiện cung cấp khoảng 315 tỷ euro/năm, vượt kế hoạch đề ra, nhưng châu Âu cần mở rộng tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, thay vì chỉ tập trung vào nguồn vốn trong khối như trong 10 năm qua.
Ngày 10/10, Chính phủ nước Anh tuyên bố sẽ không chấp nhận tổ chức một cuộc bỏ phiếu thứ hai ở Quốc hội nước này về việc London rời khỏi Liên minh châu Âu. Ngoài ra, các nghị sĩ sẽ có vai trò trong việc xem xét kỹ lưỡng quá trình Brexit.

Trả lời phỏng vấn của báo giới, một người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May nêu rõ, Quốc hội nước Anh chắc chắn sẽ tranh luận và xem xét kỹ lưỡng quá trình Brexit khi nó diễn ra, điều này là vô cùng cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, theo người phát ngôn này, việc tổ chức cuộc bỏ phiếu lần thứ hai, hay một cuộc bỏ phiếu để phán xét ý muốn của người dân Anh, là bước đi không thể chấp nhận được.

Cùng ngày, Bộ trưởng phụ trách về Brexit David Davis khẳng định Chính phủ nước Anh sẽ bác bỏ mọi ý định nhằm phớt lờ kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về Brexit hay trì hoãn quá trình rời khỏi Liên minh châu Âu mà không có lý do chính đáng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục