Doanh nghiệp bán lẻ mở rộng thị trường sang châu Âu để "né" thuế quan Mỹ

15:00' - 07/05/2025
BNEWS Nhiều nhà bán lẻ và thương hiệu tiêu dùng đang chuyển hướng sang châu Âu và các thị trường khác, thay vì tập trung vào Mỹ để ứng phó với chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump
Ngày càng nhiều nhà bán lẻ và thương hiệu tiêu dùng đang chuyển hướng sang châu Âu và các thị trường khác, thay vì tập trung vào Mỹ, giữa bối cảnh chính sách áp thuế dự kiến sẽ khiến giá cả tăng vọt, kéo theo sự sụt giảm nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ.

Công ty bán lẻ thời trang trực tuyến châu Âu Zalando, đơn vị cung cấp dịch vụ logistics và phần mềm cho các nhà bán lẻ khác, cho biết họ đang đàm phán với các khách hàng tiềm năng mới muốn mở rộng hoạt động tại thị trường châu Âu.

 
Ông David Schroeder, đồng Giám đốc điều hành của Zalando, cho biết họ nhận thấy các thương hiệu và nhà bán lẻ đang thực sự tập trung hơn vào châu Âu như một cách để tạo ra nhu cầu bổ sung, nếu gặp khó khăn hơn tại thị trường Mỹ.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế đồng loạt 10% lên tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, và mức thuế 145% đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.

Thương hiệu quần áo Đức Hugo Boss đã chuyển hướng các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc sang các thị trường khác thay vì Mỹ. Đại diện công ty này cho biết đã có sự "suy giảm đáng kể" trong chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ trong quý I/2025, do sự không chắc chắn ngày càng tăng về nền kinh tế.

Ông Daniel Grieder, Giám đốc điều hành của Hugo Boss, cho biết họ đang giữ lập trường thận trọng đối với hành vi tiêu dùng tại Mỹ. Bình luận này được đưa ra khi Hugo Boss báo cáo doanh thu quý thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Phản ứng của doanh nghiệp cho thấy rõ tác động của các mức thuế do ông Trump áp đặt đối với dòng chảy sản phẩm tiêu dùng trên toàn cầu. Điều này buộc các công ty phải thay đổi mạnh mẽ các mô hình sản xuất và bán hàng đã được thiết lập từ lâu.

Vấn đề mấu chốt sẽ là cách người tiêu dùng Mỹ phản ứng với việc giá cả tăng lên do tác động của thuế quan.

Công ty sản xuất đồ chơi Mattel, nhà sản xuất búp bê Barbie, vừa rút lại dự báo doanh thu hàng năm. Công ty này cho biết có quá nhiều sự không chắc chắn về chi tiêu tiêu dùng và thuế quan sẽ buộc họ phải tăng giá tại thị trường Mỹ.

Đối với sản phẩm bài UNO, Mattel cho biết đang vận chuyển nhiều sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc ra thị trường quốc tế để tránh các mức thuế của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc. Đồng thời, công ty này cũng tăng cường sản xuất UNO tại Ấn Độ nhằm phục vụ khách hàng Mỹ.

Giám đốc điều hành của tập đoàn thời trang OTB, đơn vị sở hữu các thương hiệu như Diesel, Jil Sander và Maison Margiela, cho biết tập đoàn này sẽ phải tăng giá bán tại Mỹ thêm 8-9% để bù đắp tác động từ việc áp thuế.

Tuy nhiên, việc các công ty cùng tập trung vào châu Âu sẽ làm tăng cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ và có thể khiến các thương hiệu gặp khó khăn hơn trong việc thu hút khách hàng mới.

Các công ty bán lẻ trực tuyến giá rẻ Shein và Temu, vốn lấy thị trường Mỹ làm trọng tâm chính, đã tăng chi tiêu quảng cáo tại châu Âu. Động thái này nhằm tìm cách giảm thiểu tác động từ việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và loại bỏ quy định miễn thuế đối với các gói hàng thương mại điện tử giá trị thấp từ Trung Quốc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục