Doanh nghiệp cần hỗ trợ gì khi hoạt động trở lại sau giãn cách?
Làm gì để "cởi trói" cho doanh nghiệp là câu hỏi của ông Nguyễn Thái Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam phụ trách khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đặt ra đối với lãnh đạo chính quyền thành phố Cần Thơ ngày 10/9, tại hội nghị trực tuyến đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền thành phố để trao đổi, lắng nghe các ý kiến đề xuất, kiến nghị và phương án hỗ trợ doanh nghiệp mở lại hoạt động sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Hội nghị do ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chủ trì tại điểm cầu chính ở UBND thành phố kết nối với các điểm cầu sở, ngành có liên quan; điểm cầu các quận, huyện và khoảng 100 doanh nghiệp kết nối thông qua ứng dụng zoom.
Khó khăn của doanh nghiệp Theo số liệu của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, ở Cần Thơ hiện có 7 nhà máy lớn (từ 500 - 2.000 lao động), gần 40 cơ sở sản nhỏ lẻ. Cần Thơ có truyền thống ngành may mặc hàng chục năm, đào tạo nguồn lao động cho nhiều tỉnh trong khu vực. Nếu không có giải pháp tốt thì sẽ mất đi các đội ngũ lao động này và rất khó tìm lại. Khó khăn các nhà máy may đang vướng phải là hàng hóa đang sản xuất trên dây chuyền, nguyên vật liệu đã đặt mua về. Nhưng 2 tháng nay, hàng đem về kho mà không sản xuất được dẫn đến hư hỏng, thiệt hại cho doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp đã vay ngân hàng để mua nguyên liệu và vẫn bị tính lãi suất. Theo ông Nguyễn Thái Hùng, phương án "3 tại chỗ" chỉ là giải pháp tình thế. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp cao Trung An chuyên về xuất khẩu gạo cho biết, kế hoạch tháng 8 và tháng 9, công ty xuất khẩu 150 container gạo thơm chất lượng cao sang châu Âu. Nhưng thực tế, từ tháng 8 đến nay chỉ đi được 32 container, đạt khoảng 20%.Đơn container còn đi được, riêng vận tải gạo đi đường thủy thì không, nên công ty buộc phải đàm phán với đối tác nước ngoài dời sang tháng 11 và 12. Mặc dù vậy, ông Phạm Thái Bình cho rằng, việc thành phố hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vẫn cần đảm bảo phòng, chống dịch.
Dịch bệnh kéo dài, gần 2 tháng qua, Cần Thơ đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trên 10.000 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch. Theo báo cáo từ Sở Công thương Cần Thơ, tính đến chiều 9/9, có 1.006 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (tương đương 92,29% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố) với 65.293 lao động nghỉ việc (chiếm tỷ lệ 93,36% tổng số lao động).Cụ thể, có 155 doanh nghiệp trong tổng số 170 doanh nghiệp ở các khu chế xuất và công nghiệp và 851 doanh nghiệp trong tổng số 920 doanh nghiệp ngoài khu chế xuất và công nghiệp tạm ngưng hoạt động.
Các doanh nghiệp đang thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, mô hình “vùng đệm” gặp khó vì phát sinh chi phí. Đa phần doanh nghiệp không có sẵn cơ sở vật chất để đáp ứng việc ăn nghỉ tại chỗ cho người lao động nên việc tập trung người lao động tại một chỗ cũng không làm giảm nguy cơ lây nhiễm.Doanh nghiệp có sản xuất “3 tại chỗ” vẫn có tiếp xúc với bên ngoài từ đơn vị cung cấp suất ăn, đơn vị vận chuyển hàng, đơn vị bảo trì máy móc thiết bị...
Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Tại hội nghị, bà Huỳnh Thiên Trang, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) đã nêu 13 kiến nghị, đề xuất nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp đề nghị thành phố quan tâm, tăng cường nguồn vaccine cho người lao động tại các công ty, doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ, tăng khoản cho vay đối với các doanh nghiệp thu mua nông sản của nông dân tới vụ; có giải pháp thay thế cho phương án “3 tại chỗ”, có lộ trình nghiên cứu giải pháp sống chung với dịch; đẩy nhanh thủ tục, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động theo Nghị quyết 68; giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhà hàng, khách sạn;... Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, bà Huỳnh Thiên Trang cho biết, VCCI Cần Thơ đã cùng các chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị với UBND thành phố Cần Thơ lộ trình mở cửa nhóm ngành ưu tiên vừa đảm bảo sản xuất vừa an toàn trong phòng, chống dịch: nhóm ngành sản xuất đông công nhân; nhóm ngành nông nghiệp, nuôi trồng cung ứng nguyên liệu nông lâm thủy sản; nhóm ngành thương mại dịch vụ; nhóm ngành giao thông, vận chuyển, giao hàng. Để có thể quay trở lại sản xuất, đối với nhóm ngành đông công nhân, lao động phải được tiêm đủ 1 hoặc 2 mũi vaccine, lao động "vùng xanh" có thể đi làm nhưng có kiểm soát thông qua xét nghiệm định kỳ, doanh nghiệp chưa từng có ca nhiễm,... là những điều kiện ưu tiên; thực hiện theo mô hình "con người xanh, doanh nghiệp xanh, tuyến đường xanh".Nhóm nông nghiệp, nuôi trồng cung ứng nguyên liệu nông thủy sản, ưu tiên tiêm ngay cho nhóm đối tượng là thương lái vận tải, bốc vác, người thu mua nguyên liệu... Nhóm ngành thương mại, dịch vụ, ưu tiên tái khởi động chợ truyền thống với 50% thương nhân được kiểm soát bởi ban quản lý chợ; sớm ưu tiên nhà hàng, cơ sở ăn uống... thực hiện bán mang về và tại chỗ với quy định giãn cách trên diện tích phục vụ.
Những việc này sẽ giải quyết ngay thu nhập hằng ngày cho các cơ sở nhỏ cũng như lượng lao động đang chờ trợ cấp, giảm áp lực cho thành phố - bà Trang đề xuất. Đối với nhóm ngành giao thông, vận chuyển, giao hàng cần được cấp phép theo tỷ lệ từng giai đoạn, ngành xây dựng ưu tiên cho các nhóm đầu tư công. Đối với các ngành như du lịch, lữ hành, khách sạn cần cho phép thực hiện tour khép kín từ điểm đi đến chuyến bay, khách sạn dành cho du khách có đủ 2 liều vaccine. Ngoài ra, theo bà Huỳnh Thiên Trang, để Cần Thơ thực hiện tốt mục tiêu kép khi mở cửa trở lại, cần thực hiện song hành nhiều giải pháp, khoanh vùng dịch bệnh an toàn để quản lý di chuyển của người lao động; trao quyền kiểm soát cho doanh nghiệp, bởi giấy phép đi lại giữa nơi cư trú và nơi làm việc thì doanh nghiệp nắm chặt hơn và công nhân sẽ phải cam kết, vi phạm thì bị sa thải thay vì mức phạt hành chính. Chính quyền thành phố Cần Thơ cần xây dựng lộ trình mở cửa phù hợp. Có thể sớm gỡ bỏ giãn cách, giai đoạn 1 (từ nay đến ngày 15/9) mở cửa nội vi thành phố; giai đoạn 2 (từ 15/9 - 30/9) kết nối các địa phương trong vùng và thành phố là trung tâm để vận chuyển hàng hóa và giai đoạn 3 (từ tháng 10) kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh để hàng hóa được tiêu thụ và xuất khẩu thuận lợi. "Nếu gỡ bỏ giãn cách mà không kết nối với các tỉnh trong vùng và thành phố Hồ Chí Minh thì không giải quyết được bài toán kinh tế và kinh doanh của doanh nghiệp", bà Trang nhấn mạnh. Đồng tình với các kiến nghị của đại diện VCCI, ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Cần Thơ cũng đề nghị UBND thành phố Cần Thơ nên đứng ra tổ chức hội nghị phối hợp trong phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế giữa các tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; giúp dỡ bỏ 'rào cản" tại mỗi tỉnh, thành để hàng hóa được lưu thông thuận lợi; doanh nghiệp được qua lại các địa phương ký kết hợp đồng mua bán kinh doanh dễ dàng hơn. Ông Nguyễn Văn Hào cũng đề xuất, đối với các doanh nghiệp sản xuất đang áp dụng mô hình "3 tại chỗ" thì cho phép doanh nghiệp đổi nhóm người lao động 3 tuần/lần để bảo đảm việc ổn định tâm sinh lý của con người khi liên tục ở cách xa gia đình quá lâu. Điều kiện sinh hoạt "3 tại chỗ" cũng rất hạn chế không tạo không gian đủ thoải mái cho người lao động làm việc có năng suất và chất lượng. Ông Phạm Duy Tín, Trưởng Ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đề xuất, sau khi thành phố Cần Thơ đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19, để đẩy mạnh khôi phục hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, doanh nghiệp được xây dựng và triển khai phương án “2 tại chỗ” (đi về trong ngày, công ty cấp giấy đi đường cho người lao động, chịu trách nhiệm với nội dung Giấy đi đường đã cấp).Các công ty cam kết sử dụng người lao động đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine, người lao động ở vùng bình thường mới (có xác nhận của địa phương) và thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại cơ sở sản xuất.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, địa phương đang triển khai đợt xét nghiệm toàn dân từ ngày 10/9 - 18/9 để sau đó sẽ có phương án, giải pháp tiếp theo duy trì sản xuất, đáp ứng cung cầu. Trên tinh thần vừa bảo vệ sức khỏe người dân vừa phát triển kinh tế, thành phố sẽ tham vấn các chuyên gia, doanh nghiệp để có hướng "mở cửa" sau giãn cách nhằm đem lại hiệu quả vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế. Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và mong muốn doanh nghiệp ửng hộ những biện pháp mà thành phố đang triển khai. Sở dĩ, thành phố vẫn thận trọng tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 vì Cần Thơ vẫn thuộc nhóm nguy cơ rất cao.Trong khi số ca nhiễm còn cao, nếu chuyển từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15 thì thành phố không thể mạo hiểm.Hiện thu ngân sách thành phố mỗi năm khoảng 11.000 tỷ đồng, nếu dịch bùng phát mạnh, không kiểm soát được thì sẽ kiệt quệ, phục hồi khó khăn.
Ông Trần Việt Trường cho biết, thành phố sẽ cố gắng tìm các nguồn vaccine để triển khai tiêm cho các đối tượng ưu tiên là người lao động để công nhân quay trở lại sản xuất; đồng thời đề nghị các sở, ngành tiếp thu ý kiến doanh nghiệp, sau hội nghị, hoàn thành phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh từ nay đến cuối năm 2021; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn vay, phương án sản xuất.../.>>Doanh nghiệp FDI duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động
Tin liên quan
-
Thị trường
Khuyến cáo doanh nghiệp chưa vội đưa thanh long lên cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai)
16:27' - 10/09/2021
Thanh long đã được Trung Quốc cho thông quan trở lại. Tuy nhiên, hiện nay hai bên đang tiếp tục hội đàm và thống nhất các biện pháp kiểm dịch để thông quan chính thức trở lại.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng: Thành công của doanh nghiệp FDI cũng là thành công của Việt Nam
08:42' - 10/09/2021
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng tạo điều kiện và đồng hành để các doanh nghiệp EU đầu tư, kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19
20:46' - 09/09/2021
Ngày 9/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.
-
Kinh tế & Xã hội
Dư luận đánh giá về việc điều chỉnh cấp giấy đi đường cho người dân, doanh nghiệp
14:29' - 09/09/2021
Sau mỗi ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, tình hình sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hàng triệu người dân đang phải trải qua chuỗi ngày rất khó khăn từ việc cấp giấy đi đường.
Tin cùng chuyên mục
-
Chuyển động DN
Sức ép đối với đội bay của Jeju Air
19:12' - 10/01/2025
Trả lời hãng tin Reuters, Jeju Air khẳng định họ không hề bỏ qua các quy trình bảo trì và sẽ tăng cường các nỗ lực về an toàn.
-
Chuyển động DN
Lợi nhuận hợp nhất của BIC đạt hơn 650 tỷ đồng
15:01' - 10/01/2025
Tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2024 của BIC đạt khoảng 5.100 tỷ đồng, tăng trưởng gần 10% so với năm trước.
-
Chuyển động DN
Doanh nghiệp dệt may, da giày cải thiện thưởng Tết, hút lao động mới
12:42' - 10/01/2025
Một số ngành như dệt may, da giày, dịch vụ... ghi nhận mức thưởng khá, dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng.
-
Chuyển động DN
Agribank chung tay vì người nghèo, đối tượng chính sách nhân dịp Xuân Ất Tỵ
15:04' - 09/01/2025
Agribank dành hơn 100 tỷ đồng triển khai chương trình an sinh xã hội “Agribank chung tay vì người nghèo, đối tượng chính sách nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025”.
-
Chuyển động DN
Các công ty công nghệ quan ngại về chính sách thuế sắp tới của Mỹ
14:25' - 09/01/2025
Ông Gary Shapiro, Giám đốc điều hành của CTA, dự đoán, nếu những loại thuế quan mà ông Trump từng đề cập được thực hiện, nền kinh tế có thể sẽ rơi vào một cuộc Đại Suy thoái.
-
Chuyển động DN
Hãng Jeju Air công bố kế hoạch cắt giảm chuyến bay trong quý I/2025
15:50' - 08/01/2025
Hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Hàn Quốc Jeju Air thông báo trước mắt sẽ cắt giảm gần 1.880 chuyến bay trong quý I/2025.
-
Chuyển động DN
Hãng LG Electronics đạt doanh thu kỷ lục
15:50' - 08/01/2025
Ngày 8/1, Công ty điện tử LG Electronics của Hàn Quốc đã công bố báo cáo doanh thu năm 2024 cao kỷ lục, đạt 87.740 tỷ won (66,7 tỷ USD), cùng với lợi nhuận hoạt động 3.430 tỷ won.
-
Chuyển động DN
Meta điều chỉnh chính sách kiểm duyệt nội dung
22:02' - 07/01/2025
Meta thông báo đang điều chỉnh đáng kể chính sách kiểm duyệt nội dung, chuyển sang hình thức "Ghi chú cộng đồng" cho phép người dùng góp ý xác mình thông tin.
-
Chuyển động DN
LG Electronics “bắt tay” Microsoft thúc đẩy đổi mới AI
16:18' - 07/01/2025
Theo thỏa thuận, hai công ty sẽ cùng phát triển các tác nhân AI để sử dụng trong nhiều môi trường, từ nhà ở, phương tiện di chuyển, khách sạn, văn phòng, và nhiều không gian khác.