Doanh nghiệp FDI duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động

17:06' - 10/09/2021
BNEWS Tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp FDI tại Thanh Hóa đã thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “1 đường đi, 2 điểm dừng”.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 35 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với nhiều công nhân lao động. Để tiếp tục duy trì sản xuất, các doanh nghiệp đã nỗ lực “vượt bão COVID-19”, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 160.000 lao động với mức thu nhập bình quân gần 6,5 triệu đồng/người/tháng. 

Theo báo cáo của công đoàn cơ sở, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh COVID-19, nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn duy trì tốt việc làm cho công nhân lao động, thực hiện việc chi trả tiền lương, tiền ăn ca, tiền chuyên cần, phụ cấp xăng xe và các khoản tiền phụ cấp khác cho công nhân đúng kỳ.

Có 34/35 công ty tăng ca từ 1giờ đến 4 giờ/ngày ở một số bộ phận; trong đó, 17 công ty tăng ca từ 1- 1,5 giờ/ngày; 14 công ty tăng ca từ 2 - 3 giờ/ngày; 3 công ty tăng từ 3,5 - 4 giờ/ ngày.

Có 28 công ty có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhiều công ty tuyển dụng lao động với số lượng lớn như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giầy Rollsport Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giầy Annora Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sakurai Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giầy Aleron Việt Nam…

Chị Vũ Thị Mai Loan, Chủ tịch công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giầy Aleron Việt Nam, khu công nghiệp Hoàng Long (thành phố Thanh Hóa) cho biết, nhờ thực hiện nghiêm ngặt phòng, chống COVID-19 và chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực và nguyên liệu, nên dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, công ty vẫn duy trì việc làm đều đặn cho người lao động.

Mặt khác, do nhiều tỉnh, thành trong cả nước đang trong thời gian giãn cách nhiều tháng nay, các công ty tạm thời ngừng hoạt động, nên tại Thanh Hóa có rất nhiều đơn hàng. Không những đảm bảo duy trì sản xuất, công ty còn tổ chức tăng ca và có nhu cầu mở rộng phân xưởng, tuyển lao động bổ sung là rất lớn.

Theo anh Vũ Ngọc Thắng, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giầy Adiana Việt Nam (xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn), trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, công ty đã thành lập nhiều “Tổ an toàn COVID-19”, theo dõi và kiểm soát chặt chẽ phòng, chống dịch đến từng công nhân lao động.

Nhờ được tuyên truyền nên hiện nay ý thức của công nhân trong đảm bảo an toàn dịch bệnh rất tốt. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất của công ty vẫn diễn ra bình thường, công việc của người lao động được duy trì ổn định.

Dịp này, đơn hàng nhiều hơn, nên công nhân thường tăng ca thêm khoảng 1 – 1,5 tiếng/ ngày. Thu nhập của người lao động cũng được cải thiện, góp phần ổn định cuộc sống.

Báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa cho thấy, tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp FDI tại Thanh Hóa đã thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “1 đường đi, 2 điểm dừng”.

Theo đó, các doanh nghiệp tổ chức đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại. Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp FDI đã thực hiện phương châm “3 tại chỗ” (tổ chức lưu trú, làm việc và ăn uống tại công ty)

Tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh Thanh Hóa đã thành lập khoảng 6.000 “Tổ An toàn COVID-19”; trong đó, doanh nghiệp FDI có tới 2.468 tổ. Đồng thời, công đoàn đã thành lập thêm nhiều “Tổ An toàn COVID-19” tại khu nhà trọ và trên xe chuyên chở công nhân lao động.

Qua đó, mở rộng phạm vi kiểm soát dịch bệnh, góp phần đảm bảo an toàn khép kín cho công nhân lao động từ nhà đến công ty và ngược lại.

Mô hình “Tổ An toàn COVID-19” được thành lập đã góp phần đưa phòng, chống dịch COVID-19 tại doanh nghiệp, đơn vị, khu nhà trọ và xe ô tô chuyên chở công nhân, lao động được tiến hành nghiêm ngặt, chuyên nghiệp và khoa học hơn; trở thành "lá chắn thép" bảo vệ cho các doanh nghiệp FDI và nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trước sự bủa vây của dịch bệnh.

Ông Ngô Thế Anh, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhờ nỗ lực vượt khó, 8 tháng năm 2021, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh tăng 18,68% so với cùng kỳ; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 7,79%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 23,19% so với cùng kỳ năm 2020. Đó chính là dấu hiệu cho thấy, sự phục hồi của nền kinh tế tỉnh Thanh Hóa rất khả quan…/.

>>Bất chấp dịch COVID-19, doanh nghiệp FDI vẫn quan tâm đầu tư, kinh doanh vào Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục