Doanh nghiệp cần làm gì để tăng cường bảo mật dữ liệu?

14:32' - 24/12/2021
BNEWS Khi thương mại điện tử ngày càng phổ biến, việc bảo mật dữ liệu trở thành mối quan tâm không chỉ với nhiều doanh nghiệp, mà ngay cả khách hàng.
Với tác động của đại dịch COVID-19, phần lớn khách hàng thích mua sắm online hơn thay vì ghé mua tại cửa hàng, dù hình thức mua sắm online đã có từ lâu. Nhưng khi thương mại điện tử ngày càng phổ biến, việc bảo mật dữ liệu trở thành mối quan tâm không chỉ với nhiều doanh nghiệp, mà ngay cả khách hàng.
Cụ thể, trong những đợt mua sắm cao điểm hay dịp Lễ/Tết cuối năm 2021, doanh nghiệp thường tổ chức đa dạng chương trình quảng cáo, giảm giá sản phẩm để thu hút và giữ khách hàng gắn bó với thương hiệu. Cả doanh nghiệp và khách mua hàng đều trông chờ vào mùa mua sắm hứa hẹn sẽ bùng nổ này. 
Sự tiện lợi của chuyển đổi số giúp người tiêu dùng có thể mua và thanh toán sản phẩm thông qua các thiết bị di động hoặc máy vi tính, laptop ngay tại nhà. Cùng với đó, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người dân trên toàn cầu.
Nhu cầu mua sắm gia tăng đồng thời cũng nâng cao nhận thức về bảo mật dữ liệu của người dùng. Đối với nhà làm quảng cáo, dữ liệu khách hàng giúp họ tiếp cận đúng tệp khách hàng và cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ. 
Tuy nhiên người dùng không giống vậy, họ cho rằng việc thu thập dữ liệu mà không được phép chính là xâm phạm quyền riêng tư. Điều này, khiến họ không còn tin tưởng và nghi ngờ về doanh nghiệp thiếu minh bạch hoặc kém năng lực bảo mật thông tin khách hàng.
Khi thông tin riêng tư bị rò rỉ có thể dẫn đến nhiều hệ quả xấu,  làm ảnh hưởng lâu dài đến doanh nghiệp như thất thoát tài chính, bồi thường khách hàng hay đầu tư thêm cho phương pháp bảo mật mới. Thậm chí vấn đề nguy cơ hơn là khiến cho khách hàng quan ngại với thương hiệu của doanh nghiệp.
Với những hiểu biết về công nghệ, người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ về giá trị dữ liệu của họ. Nếu doanh nghiệp không thể chứng minh đã thực hiện tất cả biện pháp bảo vệ dữ liệu, bằng cách áp dụng một số tính năng như xác thực hai yếu tố (2FA), number masking, xác nhận bằng tin nhắn di động hoặc cung cấp kiến thức cơ bản về bộ dữ liệu, khách hàng sẽ dễ dàng ngừng mua hàng và đến với thương hiệu bảo mật dữ liệu nghiêm ngặt hơn.
 
Theo đại diện Infobip - Công ty cung cấp giải pháp đám mây, khách hàng tương tác với thương hiệu thông qua thiết bị di động nhiều hơn gấp hai lần so với các thiết bị khác. Đối với nhiều người, bảo vệ dữ liệu luôn được đặt lên hàng đầu, nên việc doanh nghiệp có thể kiểm soát tốt vấn đề này cho khách hàng sẽ giúp họ cảm thấy an toàn khi kết nối với thương hiệu.
Để mua hàng trên nền tảng thương mại điện tử, người dùng bắt buộc cung cấp thông tin cá nhân như tên, địa chỉ, số điện thoại hoặc chi tiết về hình thức thanh toán ưa thích của họ nếu chấp nhận thanh toán online. Quyền riêng tư về dữ liệu là tài sản của khách hàng và chỉ được sử dụng khi có sự cho phép của họ. 
Ngoài ra, không ai được phép xâm phạm quyền riêng tư dữ liệu cá nhân vì bất cứ lý do gì. Nên khi sử dụng đa giải pháp bảo mật dữ liệu, doanh nghiệp có thể cải thiện khả năng bảo mật dữ liệu và cung cấp cho khách hàng trải nghiệm mua sắm liền mạch và an toàn trên các trang thương mại điện tử.
Đại dịch COVID-19 không chỉ là rào cản, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp thích nghi và tiếp cận với những giải pháp tối ưu hơn nhằm đưa giá trị doanh nghiệp lên một tầm cao mới. Do đó, doanh nghiệp nên thường xuyên cân bằng giữa lợi ích khi chiết khấu sản phẩm cho khách hàng và các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân cho họ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục