Doanh nghiệp cần làm gì để ứng phó với dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới thấp?

15:40' - 23/05/2025
BNEWS Những rủi ro và thách thức chính của giai đoạn 2025-2026 là xung đột địa chính trị phức tạp vì chiến tranh thương mại – công nghệ, phân mảnh và bảo hộ thương mại gia tăng.
Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới giai đoạn 2025-2026 có thể tăng trưởng thấp hơn năm 2024, lần lượt khoảng 2,8% và 3%, cũng như thấp hơn mức 3,5% của giai đoạn 2011-2019. Đồng thời, một trong những nguyên nhân dẫn đến dự báo này được các chuyên gia lý giải là do thương mại toàn cầu tăng chậm bởi ảnh hưởng của chính sách thuế quan, bảo hộ thương mại của ngày càng nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Việt Nam trước tác động kinh tế toàn cầu

Cụ thể, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng chia sẻ, những rủi ro và thách thức chính của giai đoạn 2025-2026 là xung đột địa chính trị phức tạp vì chiến tranh thương mại – công nghệ, phân mảnh và bảo hộ thương mại gia tăng. Bên cạnh đó, lạm phát và lãi suất dù có giảm nhưng còn cao, đồng thời rủi ro nợ công và nợ tư vẫn cao.

Đặc biệt, kinh tế toàn cầu đối mặt với rủi ro suy giảm, tăng trưởng thấp ở một số nền kinh tế như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản… kéo theo tăng trưởng toàn cầu năm 2025-2026 ở mức thấp. Cùng đó là những rủi ro về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh chuỗi cung ứng và an ninh mạng luôn hiện hữu; biến đổi khí hậu bất thường…

Kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2025-2026 cũng đối mặt với rủi ro bên ngoài là xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch bị ảnh hưởng. Trong khi đó, doanh nghiệp gặp khó khăn về chiến tranh thương mại – công nghệ, chi phí đầu vào và logistics, yêu cầu số hóa và xanh hóa ngày càng cao…

Liên quan đến tăng trưởng kinh tế, TS. Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, biến động toàn cầu là một thách thức và nguy cơ, nhưng cũng có thể là chất xúc tác và động cơ cho sự thay đổi. Nếu có đủ sự quyết tâm xây dựng nền tảng căn bản vững chắc, Việt Nam hoàn toàn có thể chuyển hóa cơ cấu và hiện thực hóa khát vọng tăng trưởng trong kỷ nguyên mới.

 
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, hiện nay là kỷ nguyên mới của các khối địa kinh tế, chuỗi cung ứng bị phân mảnh. Sự tách rời về mặt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như giữa các khối đã xuất hiện từ trước chứ không phải bây giờ và chỉ bị làm cho sâu sắc hơn trong bối cảnh hiện tại.

Việt Nam là một trong những quốc gia hội nhập sâu nhất, không chỉ ở châu Á mà cả thế giới, nên bất kỳ điều gì xảy ra trên thế giới đều tác động đến Việt Nam một cách trực tiếp. Tuy vậy, một trong những lợi thế của Việt Nam đó là một vị trí địa chính trị, kinh tế chiến lược, đồng thời với định hướng phát triển công nghiệp mới cũng là điều kiện để có thể tăng trưởng cao.

Mặt khác, xu hướng thị trường là nhu cầu đang dịch chuyển về châu Á với dự báo năm 2028, ước lượng nhu cầu của châu Á vượt nhu cầu của Mỹ, đứng đầu toàn cầu. Với một thị trường và sự ổn định cao hơn thì châu Á có thể là một mảnh đất màu mỡ của doanh nghiệp Việt Nam, nên hướng về châu Á là vấn đề doanh nghiệp Việt cần lưu tâm trong thời gian tới.

Một số chuyên gia khác cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam không nên chỉ cạnh tranh về trực diện về giá mà phải cạnh tranh bằng sự khác biệt về chất lượng, thương hiệu, dịch vụ. Doanh nghiệp chủ động chuyển từ giá thấp sang độ tin cậy cao, đo lường trước những kịch bản biến động xu hướng tiêu dùng, nâng cấp các hệ thống tuân thủ để truy cập vào thị trường chứ không chỉ là người đứng ngoài, ứng phó rủi ro tỷ giá, đầu tư vào con người, nhất là khả năng thích ứng…

Về mặt chính sách, chuyên gia đề xuất, Việt Nam nên thúc đẩy nội lực, trên ba khía cạnh, gồm: Thị trường – doanh nghiệp tư nhân, Nhà nước – năng lực bộ máy và chủ trương, chính sách và nội lực xã hội. Riêng lĩnh vực ngoại giao thương mại sẽ đóng vai trò cực kỳ chiến lược, cùng đó phải nâng cấp đổi mới sáng tạo, kỹ năng, cơ sở hạ tầng làm tiền đề để chớp được những cơ hội mới.

Cơ hội từ chuyển đổi cơ cấu kinh tế

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, Việt Nam đang chứng kiến một sự thay đổi bước ngoặt trong việc thảo luận, sửa đổi, ban hành chính sách, pháp luật, với một tốc độ nhanh chưa từng có; trong đó, mặt tích cực là có thể giúp giải quyết nhanh chóng, ngay lập tức những vấn đề cấp thiết của người dân, doanh nghiệp.

Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm bắt nhanh và hiểu sâu sắc hơn về chính sách, luật pháp liên quan đến hoạt động của mình.

“Làm sao để chính sách trở thành lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và từ đây cộng đồng doanh nghiệp Việt đi ra thương trường thế giới có điểm tựa là chính sách tốt của Nhà nước, là vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đến 2030 trong Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết số 68-NQ/TW) rất quan trọng và nên là "KPI" chính của các địa phương trong đánh giá phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Với những thay đổi trong tư duy về kinh tế tư nhân, thời gian tới thay vì nhìn vào các con số tăng trưởng bao nhiêu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế như thế nào… mục tiêu của chính quyền địa phương sắp tới có thể phải là tạo ra được bao nhiêu việc làm, có thêm bao nhiêu doanh nghiệp mới. Bởi thời gian tới, thành tích địa phương có thể sẽ được đánh giá qua việc phát triển được bao nhiêu doanh nghiệp, tạo ra được bao nhiêu việc làm chứ không phải là con số tăng trưởng.

Ở góc độ hiệp hội doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho hay, cần tái định vị thị trường xuất khẩu, nhất là tìm kiếm đa dạng thị trường mới để tạo nền tảng cho doanh nghiệp xây dựng lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là năng lực sống còn của doanh nghiệp, nên kết nối hình thành hệ sinh thái mà trong đó đáp ứng yêu cầu chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh toàn cầu.

Để tồn tại và phát triển bền vững, doanh nghiệp không thể tiếp tục đi theo lối mòn là gia công giá rẻ mà cần đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị phần bằng chính thương hiệu, tăng sức “đề kháng” trước biến động toàn cầu; trong đó, doanh nghiệp nên chú trọng đổi mới tư duy kinh doanh theo hướng phát triển bền vững, tích hợp các yếu tố ESG (môi trường, xã hội và quản trị); nâng cao năng lực cạnh tranh bằng tuân thủ pháp luật, tiêu chuẩn quốc tế…

Còn theo bà Võ Thị Liên Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Secoin, từ kinh nghiệm thực tế cho thấy ứng phó với rào cản thuế quan bằng cách liên kết trong chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường, chuẩn hóa tiêu chuẩn xanh theo hướng quốc tế và tăng cường ứng dụng thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp bán sản phẩm, dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng đầu cuối)… là khá hiệu quả. Song song đó, muốn vươn xa, doanh nghiệp Việt bắt buộc phải thay đổi tư duy thị trường, ứng dụng công nghệ, liên kết mạnh mẽ, phát triển bền vững hơn trong chuỗi và không ngừng đổi mới sáng tạo.

Ghi nhận ý kiến nhiều doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, một trong những cơ chế chính sách mới là Nghị quyết số 68-NQ/TW đã và đang thổi luồng sinh khí mới vào khối kinh tế tư nhân, tạo động lực cho khối này tăng cường đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Riêng về tái định vị thị trường, đối với những sản phẩm trước giờ đã đáp ứng tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp Việt có thể chuyển hướng sang khai thác thị trường nội địa với nhóm sản phẩm phù hợp, cạnh tranh và thay thế nhập khẩu.

Hơn thế nữa, doanh nghiệp phải tự lực trong sản xuất kinh doanh để tồn tại và phát triển, còn Nhà nước tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Đồng thời, sẽ không thể bứt phá, nếu bản thân doanh nghiệp không tự nâng cao sức cạnh tranh và thích ứng linh hoạt với biến động kinh tế nội địa lẫn toàn cầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục