Doanh nghiệp "chạy nước rút" chuẩn bị hàng hóa Tết

17:10' - 23/12/2022
BNEWS Còn gần 1 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các doanh nghiệp Nghệ An đang bước vào giai đoạn "chạy nước rút" chuẩn bị tốt nguồn hàng cung ứng cho nhu cầu mua sắm cao điểm của người dân.

*Doanh nghiệp chủ động nguồn cung

Đến thời điểm này, các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi... trên địa bàn tỉnh đã xây dựng xong kế hoạch và hàng hóa đang tập kết về tại các điểm kinh doanh; nguồn hàng hóa phục vụ Tết tăng gấp 2 - 3 lần so với tháng thường.

Ông Trần An Khang, Giám đốc Siêu thị BigC Vinh cho biết, từ nhiều tháng trước, BigC Vinh đã chủ động lên kế hoạch cung ứng hàng hóa phong phú, đa dạng, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm tăng cao của người tiêu dùng mua sắm Tết. Đặc biệt, BigC Vinh tập trung vào những mặt hàng đặc trưng phục vụ cho nhu cầu lễ hội như thực phẩm khô, thực phẩm đóng gói, sản phẩm gia dụng, đồ dùng gia đình, đồ điện tử, thời trang…

Bên cạnh đó, BigC Vinh chú trọng, ưu tiên đảm bảo cung ứng đủ về số lượng và chủng loại đối với các loại hàng rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm tươi sống... với số lượng tăng trên 50%, tổng giá trị hàng hóa khoảng 170-180 tỷ đồng. Hiện nay, hàng hóa đã tập kết, lên kệ phục vụ người tiêu dùng.

Từ nay tới Tết Nguyên đán, hệ thống BigC sẽ triển khai đồng loạt các chương trình khuyến mãi cho khách hàng. Đến BigC thời gian này, các tín đồ mua sắm sẽ choáng ngợp với 1000++ sản phẩm ưu đãi hấp dẫn từ thực phẩm tươi sống, tiện lời cho đến gia dụng điện máy, đồ dùng tiện ích, hóa phẩm an toàn,... cho người dân lựa chọn, sắm Tết vẹn tròn.

Bên cạnh cam kết không tăng giá bán 45 ngày trước Tết, BigC chuẩn bị các loại giỏ quà Tết gói theo yêu cầu của cá nhân và doanh nghiệp. Các mẫu giỏ quà được trang trí bắt mắt và có mức giá thấp nhất gần 200.000 đồng/giỏ.

Về phía các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã chủ động nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa, vật tư, nguyên, vật liệu một cách hợp lý nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định để đảm bảo lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với chất lượng tốt, giá cả hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chị Võ Thị Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long cho biết, năm nay công ty dự trữ 300.000 lít dầu ăn, tổng giá trị trên 12 tỷ đồng; ngoài dầu ăn, đơn vị cũng chuẩn bị đường trắng, sữa,… tổng doanh số các mặt hàng đạt 50 tỷ đồng, tăng 20% so với tháng thường.

Ngoài ra, chủ động khai thác hàng hóa nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản truyền thống của các tỉnh, đa dạng hóa mặt hàng (ưu tiên đối với hàng Việt Nam) phục vụ nhu cầu thị trường Nghệ An trong dịp cuối năm 2022 và Tết, không để khan hiếm hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao.

Hiện nhiều siêu thị đã dành không gian ngay lối ra vào để bày bán các mặt hàng phục vụ Tết, như các giỏ quà tặng; nước giải khát; bánh kẹo… tạo thuận lợi cho người dân mua sắm Tết.

Năm nay tình hình kinh tế khó khăn, nên nhiều siêu thị có kế hoạch giảm tỷ lệ hàng cao cấp mà thay vào đó là tăng nguồn hàng chất lượng, giá cả bình dân hơn để phục vụ đại trà nhu cầu người tiêu dùng.

Các siêu thị trên địa bàn như BigC, Maximax, Metro… đều cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong dịp Tết, đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mại giảm giá trên nhiều mặt hàng để kích cầu tiêu dùng.

Song song với phương thức bán hàng trực tiếp, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng phát triển dịch vụ giao hàng tận nhà, đa dạng kênh bán hàng (đặt hàng qua điện thoại, ứng dụng điện thoại và website).

Theo tổng hợp từ Sở Công Thương, tổng dự trữ hàng thiết yếu khoảng 1.000 tỷ đồng; trong đó, siêu thị BigC 180 tỷ đồng, siêu thị MM Mega Market Vinh 60 tỷ đồng, siêu thị Winmart 50 tỷ đồng, Công ty TNHH Nam Long 50 tỷ đồng, Công ty cổ phần Nông sản 29 tỷ đồng, Công ty Thanh Nghệ Tĩnh 4 tỷ đồng, các đầu mối xăng dầu khoảng 100 tỷ đồng, các hệ thống cửa hàng bán lẻ và chợ hơn 500 tỷ đồng...

Nhiều đơn vị cũng đã chủ động liên kết, hình thành các chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất đến lưu thông để đảm bảo nguồn hàng phong phú, đa dạng, giá cả ổn định phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết. Chấp hành nghiêm việc đăng ký giá, kê khai giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, đa dạng phương thức phân phối, cách tiếp cận với người tiêu dùng...

Theo nhận định của một số người tiêu dùng tại Nghệ An, các sản phẩm phục vụ cho thị trường Tết năm nay do doanh nghiệp trong nước sản xuất có mẫu mã đa dạng, chủng loại phong phú và chất lượng được cải tiến đáng kể so với trước. Điều này cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt cũng như ưu chuộng sản phẩm nội.

*Đảm bảo ổn định thị trường, cung cầu hàng hóa

Theo dự ước của Sở Công Thương, nhu cầu hàng hóa trong dịp Tết tại Nghệ An sẽ tăng lên từ 20-30% so với bình thường.

Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết, UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu phương án, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu nhằm đảm bảo ổn định thị trường, cung cầu hàng hóa trong trường hợp có dịch bệnh và phục vụ Tết Nguyên đán 2023; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Nghệ An hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa thiết yếu với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, nhằm tăng nguồn dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết.

Sở Công Thương đôn đốc và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng; có cơ chế ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, khu vực biển đảo,… nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, các đối tượng có thu nhập thấp và trung bình; chú trọng tổ chức các chuyến bán hàng các mặt hàng thiết yếu, phục vụ Tết Nguyên đán 2023 để cung ứng sớm và đầy đủ cho người dân, đặc biệt là các vùng nông thôn, miền núi và các vùng bị thiệt hại do bão, lũ với số lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo.

Ông Cao Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán, ngành chủ động theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn. Đồng thời, có phương án đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến, đặc biệt là ở các dịp cao điểm.

Sở Công Thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, sản xuất và kinh doanh hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hành vi vi phạm về giá, đầu cơ, găm hàng, đưa tin thất thiệt về thị trường...

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng, địa phương theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi, đánh giá năng lực cung ứng, đề xuất phương án để đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng khi cần thiết cho thị trường dịp Tết Nguyên đán 2023, điều phối hàng hóa khi xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc đứt gãy hàng.

Mặt hàng có nguy cơ biến động mạnh về nguồn cung, cần thông tin kịp thời và khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm thay thế để đảm bảo cung cầu, ổn định giá bán.

Tới đây, Sở Công Thương sẽ tiến hành kiểm tra tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống và các kênh phân phối  để nhắc nhở về việc cung ứng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục